Trở lại Cà Mau sau 10 năm cơn bão Linda đi qua...
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đến Cà Mau đúng vào dịp lãnh đạo địa phương và người dân tổ chức buổi lễ tưởng niệm nạn nhân của cơn bão số 5 (Linda) năm 1997 tại cửa biển Khánh Hội, nhân ngày giỗ lần thứ 10 của các nạn nhân đi biển bị tử nạn. Trong cơn bão số 5, tỉnh Cà Mau có 128 người chết, 601 người bị thương, 1.164 người mất tích, hư hỏng 890 tàu đánh cá, tổng thiệt hại hơn 2.700 tỷ đồng. Thế nhưng, đó là con số báo cáo đầu tiên bằng văn bản hành chính, trên thực tế mức độ thiệt hại mất mát còn lớn hơn nhiều...
![]() |
Cà Mau - Điểm du lịch độc đáo luôn thu hút khách du lịch |
Ngồi trong quán nhỏ ở Cà Mau, nhìn những dòng người ngược xuôi qua lại trên con phố nhộn nhịp, chúng tôi khó hình dung được, 10 năm trôi qua, đó đây, nhiều gia đình nạn nhân của cơn bão Linda đã trụ vững và xây dựng lại cuộc sống mới ra sao? Một người đàn ông nói với tôi, trong dịp này, H. U Minh khánh thành tuyến đường từ trung tâm chợ Khánh Hội đến Đài tưởng niệm nạn nhân bão Linda. Nhiều tổ chức, cá nhân sẽ về đây tặng quà cho những gia đình có người tử nạn và trẻ em mồ côi cha do cơn bão này gây ra.
Từ đầu năm 1997, tỉnh Minh Hải được chia tách thành 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. 10 năm qua, nền kinh tế của Cà Mau vẫn liên tục tăng nhanh và từng bước đi vào ổn định. Từ việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, diện tích nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau tăng nhanh, đến nay đã có 280.000ha, trở thành tỉnh có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước. Kinh tế thủy sản tiếp tục khẳng định là thế mạnh của tỉnh, phát triển toàn diện trên 4 lĩnh vực: khai thác biển, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp bảo đảm cung cấp lương thực trong tỉnh; diện tích cây rau màu, cây ăn trái đang phát triển mở rộng. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh hạ là khu rừng có nhiều động thực vật quý hiếm được bảo tồn, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. TP Cà Mau từ một thị xã trung bình trong khu vực đã được công nhận là đô thị loại 3 và đang được chỉnh trang phát triển thực sự là thành phố năng động ở cực Nam Tổ quốc. Nhiều đô thị hành lang ven biển như Năm Căn, Sông Đốc, Cái Đôi Vàm v.v... đang phát triển nhanh.
Theo dự kiến, trong năm 2008 và những năm tiếp sau khi một số dự án công trình lớn hoàn toàn đưa vào hoạt động như: Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau với 2 nhà máy điện, tổng công suất 1.500 MW và nhà máy đạm, công suất 800.000 ngàn tấn/năm do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư tại xã Khánh An (U Minh); Khu công nghiệp (KCN) Năm Căn, H. Năm Căn với nhà máy đóng tàu, nhà máy xi-măng do Tập đoàn công nghiệp đóng tàu thủy Việt Nam đầu tư và nhiều dự án công trình khác. Tập đoàn này còn tiếp nhận cảng Năm Căn là cảng biển quốc tế trên sông Cửa Lớn nối biển Đông với vịnh Thái Lan thuận tiện thông thương với các nước Đông Nam Á để tiếp tục đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đưa hàng hóa Cà Mau đến thị trường thế giới và ngược lại. Đây là những dự án công trình công nghiệp trọng điểm mang tầm quốc gia xây dựng trên đất Cà Mau sẽ là động lực, tạo đà phát triển các ngành công nghiệp khác của địa phương, thu hút nhiều nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp (DN) tham gia để Cà Mau trở thành tỉnh công nghiệp sau năm 2010.
Thế nhưng, những con số đọc được trên giấy không thể nào thuyết phục bằng những điều chúng tôi thấy tận mắt, sờ tận tay. Đặc biệt, đến với Cà Mau, mà chưa đặt chân đến đất Mũi thì vẫn chưa thể được xem là đến miền đất tận cùng của Tổ quốc. Gần một giờ ngồi trên chuyến tàu cao tốc, ngang qua những “con phố” lênh đênh trên nước, nhìn thấy tận mắt cái không gian “mắm trước, đước sau, tràm theo sát, sau hàng dừa nước mái nhà ai...” và vốc tay cầm một nắm đất phù sa mới lắng nghe, thấu hiểu từ trong thớ thịt mình cái sức sống, sự khai phá của ông cha ta từ bao đời này thật vô cùng mãnh liệt.
![]() |
Tác giả (đứng) và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (ngồi giữa) |
Đêm giao lưu cùng anh chị em văn nghệ Hội Văn nghệ Cà Mau, dù đã biết nhiều qua báo chí, nhưng chúng tôi cũng khá bất ngờ gặp tại nơi đây nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư. Quả nhiên trông cô rất trẻ và giản dị. Sau khi thực sự rong ruổi về miền sông nước trên đất Mũi, càng thấy rõ những điều cô viết trong “Cánh đồng bất tận” thật sắc sảo, tài hoa. Và tôi lại băn khoăn, không biết tại sao cô còn ngồi đây? Tại sao cô không về Sài Gòn? Nhưng có người lại bảo rằng, Tư rời khỏi miền đất này thì còn gì là Nguyễn Ngọc Tư (!).
Trong câu chuyện thân tình rượu bia, thơ nhạc... chốc chốc có người lại thăm hỏi nhau về cơn bão Linda 10 năm về trước, về những gia đình nạn nhân mà họ quen biết... Cuộc sống của người dân đất mũi Cà Mau đã đổi thay rất nhiều kể từ thời điểm đau thương ấy, điều đó đã phần nào thể hiện được nghị lực và sức sống mạnh mẽ của người dân nơi đây. Chúng tôi lại càng ấn tượng hơn, khi chia tay Huỳnh Thúy Kiều - một nhà thơ nữ, trẻ và xinh xắn đọc tặng anh em Đà Nẵng những câu thơ: "Sáng mai này ray rứt nắng hừng đông/ Nước mắt em đầm bờ anh - đêm trống/ Chia tay. Chia tay/ Gọi lòng anh dậy bão? Mũi Cà Mau ơi! Chở nặng nhớ thương người...".
Trần Trung Sáng