Trở lại câu chuyện bãi rác Khánh Sơn

Thứ năm, 18/02/2016 09:25

(Cadn.com.vn) - Bãi rác Khánh Sơn, một "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường tồn tại nhiều năm qua gây bức xúc trong nhân dân khu vực, chính vì vậy, ngay sau khi nhậm chức, ngày 23-10-2015, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh  đã đến kiểm tra thực tế tại đây. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành chức năng phải có giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực và có một số chính sách an sinh xã hội đối với người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, việc xử lý rác thải của thành phố vẫn cần những giải pháp mang tính khoa học, hiện đại và quy hoạch làm sao cho hợp lý hơn...

Mỗi ngày bãi rác Khánh Sơn phải chứa tới 750 nghìn tấn rác.

Đã có  giải pháp tạm thời

Theo báo cáo của Sở TN-MT Đà Nẵng, thực hiện sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, UBND TP, Sở đã yêu cầu 4 đơn vị xử lý chất thải tại khu vực Khánh Sơn gồm, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường Việt Nam, Công ty TNHH Khoa học, Công nghệ, Môi trường Quốc Việt, Công ty TNHH TMDV môi trường Ánh Dương thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phối hợp với chính quyền địa phương, người dân giám sát việc triển khai thực hiện. Cụ thể với Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng, để giảm thiểu mùi hôi và lượng nước rỉ rác, công ty đã tiến hành phủ đất, phủ bạt 3 hộc chôn lấp rác đã đóng cửa tạm thời. Tăng tần suất phun chế phẩm khử mùi hôi trong quá trình chôn lấp rác tại các hộc đang đổ rác... Xử lý phân bùn bể phốt, tạm dừng tiếp nhận bùn bể phốt để nạo vét bùn tại bể cô đặc, nạo vét bùn hồ xử lý ban đầu nước rỉ rác, nước bùn bể phốt trước khi đưa vào hệ thống xử lý nước thải. Đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả thải. Đối với nhà máy tái chế rác thải của Công ty CP môi trường Việt Nam, triển khai xây thêm nhà xưởng để chứa toàn bộ rác sau khi phân loại, tăng cường phun chế phẩm khử mùi... Hệ thống xử lý nước rỉ rác của Công ty Quốc Việt đã tiến hành cải tạo một số công đoạn xử lý và điều chỉnh quy trình vận hành, bổ sung vôi để tăng hiệu quả xử lý nước rỉ rác.

Sở TN-MT cũng đã thành lập tổ giám sát hoạt động xử lý  chất thải tại khu vực Khánh Sơn, có sự tham gia của chính quyền và nhân dân địa phương, thực hiện giám sát 24/24 giờ mỗi ngày, đã họp dân 15 lần để công bố kết quả thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm. Cho đến thời điểm hiện tại, mùi hôi từ bãi rác và chất lượng nước rỉ rác đã có cải thiện hơn thời gian trước.

Biện pháp phủ bạt che các hộc chứa rác cũng chỉ là giải pháp tạm thời ở bãi rác Khánh Sơn.

Gấp rút tìm giải pháp lâu dài

Bà Phan Thị Hiền, Phó Chi cục Môi trường thuộc Sở TN-MT cho biết, hiện nay trong quá trình chôn lấp rác tại bãi rác Khánh Sơn chưa đầu tư hệ thống thu gom và xử lý khi phát sinh từ quá trình phân hủy rác như các bãi rác khác trên thế giới. Các loại khí gây mùi phát tán vào không khí, gây mùi hôi ảnh hưởng đến các khu dân cư. Bãi rác này cũng chưa có vùng đệm và khoảng cách cách ly đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam, chưa quy hoạch phân khu chi tiết khu vực bãi chôn lấp rác, hệ thống nước rỉ rác không đồng bộ và chắp vá.

Không chỉ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến khu vực xung quanh bãi rác, chúng tôi còn được các cán bộ ngành chức năng thành phố cho biết, lượng nước thải từ bãi rác đã gây ô nhiễm đến hơn 50% kênh Phú Lộc. Mà dòng kênh này trải dài từ địa bàn Q. Liên Chiểu, qua Q. Thanh Khê rồi đổ ra biển tại đường Nguyễn Tất Thành, như vậy tác hại của sự ô nhiễm từ bãi rác còn lớn hơn rất nhiều. Ngay từ đầu năm 2016, Sở TN-MT đã đề xuất UBND thành phố các giải pháp để giải quyết các tồn tại nêu trên như sau: Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý khí phát sinh tại các hộc chôn rác (kinh phí khoảng 15 tỷ đồng).  Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý phân bùn bể phốt thành phân bón (kinh phí khoảng 50 tỷ đồng).  Đầu tư xây dựng nhà máy nước rỉ rác mới (kinh phí khoảng 35 tỷ đồng).  Thực hiện quy hoạch, chọn vị trí, thiết kế, khởi công xây dựng vào năm 2017 bãi rác mới, thay thế bãi rác cũ hiện nay (kinh phí khoảng 50 tỷ đồng).  Thực hiện quy hoạch lại toàn bộ bãi rác Khánh Sơn mới (tỷ lệ 1/500), chú trọng khoảng cách ly, giải tỏa các hộ dân khu vực cách ly, trồng cây xanh xung quanh tường bãi rác tạo vùng đệm nhằm giảm thiểu mùi hôi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, các giải pháp này cũng chỉ là "tạm thời".  Hiện nay, tổng lượng rác thải trên toàn thành phố mỗi ngày từ 700 đến 750 nghìn tấn, dự kiến sẽ tăng lên 1.000 tấn trong thời gian ngắn tới đây. Với lượng rác thải khổng lồ như vậy, chỉ đến năm 2020, bãi rác Khánh Sơn diện tích gần 40 ha sẽ phải đóng cửa. Tại Công văn số 778/UBND-QLĐTh ngày 2-2-2016 của UBND TP Đà Nẵng gửi các ngành chức năng về việc "các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn"  có nêu: "Đối với việc đầu tư  bãi rác mới: Giao Sở Kế hoạch đầu tư chủ trì, phối hợp Sở TN-MT  và các đơn vị liên quan đề xuất, hình thức đầu tư, lựa chọn công nghệ, đấu thầu công nghệ xử lý, đấu thầu giá. Đưa dự án này vào nhóm công trình trọng điểm của thành phố". Theo đề xuất của Sở TN-MT, cần phải đầu tư 1 nhà máy tái chế rác thải với diện tích khoảng 20 ha để đảm bảo xử lý 100% rác thải phát sinh trong tương lai. Hiện nay Công ty Môi trường Việt Nam đang vận hành nhà máy công suất 200 tấn một ngày và tương lai là 650 tấn mỗi ngày, nhưng vẫn chưa xử lý hết lượng rác thải như đã nêu trên.

Như vậy, kế hoạch, quy hoạch một bãi rác mới có quy trình công nghệ xử lý khoa học, hiện đại đã có, nhưng xây dựng ở đâu, có phù hợp hay không, thời gian nào tiến hành, đòi hỏi chính quyền và ngành chức năng cần gấp rút xem xét thực hiện.

Hồng Thanh