Trở lại câu chuyện dự án ga đường sắt “treo” 15 năm

Thứ hai, 17/02/2020 17:40

Đầu năm 2020, ở P. Hòa Khánh Nam (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại nóng lên câu chuyện về quy hoạch dự án xây dựng ga Đà Nẵng mới. Dự án được công bố chính thức từ năm 2005, tính đến nay đã tròn 15 năm. Hôm chúng tôi đến phường, ông Thân Đức Minh - Chủ tịch UBND phường cho biết:  Khu vực quy hoạch dự án có 19 tổ dân phố, hơn 1.500 hộ dân. Bà con  nói vui rằng, dự án cố “treo” mấy năm nữa cho tròn 20 năm, cho chẵn...!

Việc di dời Ga Đà Nẵng từ nội thị (ảnh) ra ngoại ô là cần thiết, nhưng  dự án đã “treo” 15 năm khiến người dân vùng dự án  xây dựng nhà ga mới ở Liên Chiểu cùng chừng ấy năm chịu bức xúc về nơi ăn chốn ở...

Nhà cửa xuống cấp, nước thải xả ra đường

Một ngày giữa tháng 2-2020, anh Võ Huỳnh Nhật Phương - cán bộ Văn phòng UBND P. Hòa Khánh Nam, dẫn chúng tôi xuống các tổ dân phố 36 và 37, thuộc 19 tổ dân phố nằm trong dự án quy hoạch ga Đà Nẵng mới. Ông Nguyễn Thiện Sinh - Tổ trưởng Tổ dân phố 36 cười khà khà: “Gọi là phố cho “oai”, chứ những khu dân cư ở đây bây giờ cũng thuộc trung tâm thành phố nhưng nhếch nhác, tạm bợ, còn kém xa một làng quê đã được xếp hạng nông thôn mới ở Hòa Vang, hay Quảng Nam”. Nói rồi, ông Sinh chỉ căn nhà cấp 4 của gia đình mình: “Đấy các anh xem, nhà này tôi làm đã hơn 15 năm, không được phép sửa chữa, xây mới nên nó nứt toác, hở hông hốc, mưa xuống dột tứ tung, cả 6  người trong gia đình chen chúc trong hơn 50m2 thế này. Nhà Tổ trưởng còn thế đấy.  Hơn 100 hộ dân ở tổ dân phố này đều có hoàn cảnh sống như gia đình tôi” - ông Sinh cười ngao ngán.

Anh Nguyễn Bé - Tổ trưởng Tổ dân phố 37 cũng cho biết, hoàn cảnh của 115 hộ dân tổ 37 cũng không khác gì tổ 36, thậm chí còn tệ hại hơn. Hình như đã quá quen với cảnh sống tạm bợ này, ông Sinh cùng anh Bé dẫn chúng tôi đi quanh, “giới thiệu” một cách tự nhiên, như hướng dẫn viên du lịch vậy. Nguồn điện sinh hoạt ở đây thời gian qua đã được nâng cấp cải tạo đảm bảo ổn định an toàn, hệ thống nước sinh hoạt cũng tạm đảm bảo, nhưng  khu dân cư toàn ngõ ngách, kiệt hẻm, người lạ vào, khó mà tìm đường ra. Có lẽ đáng sợ nhất nơi đây là vấn nạn ô nhiễm môi trường. 19 tổ dân cư không có hệ thống cống rãnh thoát nước, bao quanh vẫn là những ao chuôm, mọc đầy thứ cây môn hoang dại, vườn chuối um tùm, cũng là nơi chứa nước thải tù đọng, là ổ sinh sôi của ruồi, muỗi, dịch bệnh...

Nước thải chảy lênh láng bốc mùi hôi thối trên đường ở Tổ dân phố 37 (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu).

Tôi hỏi: “Thế hàng ngày sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh nước thải chảy đi đâu?”. “Thì cứ kệ nó chảy tràn ra sân, ra đường, chứ đi đâu nữa”-anh Bé trả lời hồn nhiên. Khủng khiếp nhất là vào mùa mưa, nhiều con đường kiệt hẻm còn là đường đất, nước mưa ứ đọng, trộn lẫn nước thải, kể cả hầm cầu vệ sinh dềnh lên, lênh láng khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ai vào khu vực dân cư này cũng phải ái ngại.

Anh Bé chỉ con đường ngập ngụa nước thải trong khu dân cư tổ dân phố mình quản lý bảo: “Mấy năm qua thông tin, báo chí phản ánh nhiều, nhưng  bà con dân tui lâu nay “quen” rồi, mà phản ánh thì có giải quyết được chuyện gì đâu, hơn nữa, ai vào khu vực này người ta cũng “ngại”, vì đường ngang ngõ tắt, nước thải tù đọng, chẳng mấy ai ra vào, chỉ có dân tụi tôi tự chịu với nhau thôi”. Cả ông Sinh và anh Bé đều cho biết, cùng với vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải, đường giao thông trong khu vực do nhiều năm qua không được sửa chữa, nâng cấp cũng là một vấn đề nan giải. Các tổ dân phố đã nhiều lần kiến nghị lên phường, rồi phường đề nghị lên quận đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, nhưng đành “gác” lại với lý do, đây là khu vực đã quy hoạch, nên không thể “đụng” vào, không thể đầu tư. Quá bức xúc, giáp Tết Canh tý 2020 vừa qua, các tổ dân phố 36, 37 tự kêu gọi vận động người dân, hộ ít, hộ nhiều, mỗi hộ đóng góp từ 300 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng, lại được UBND phường hỗ trợ mỗi tổ 20 triệu đồng, rồi bà con nhân dân xúm vào tự sửa chữa lại đường sá, khơi thông cống rãnh thoát nước thải. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là biện pháp tạm thời, không có lối thoát, nước thải từ các hộ gia đình lại đổ ra đường, chỉ sau chưa đầy một tháng, đường kiệt ngõ hẻm lại lênh láng nước thải, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ngôi nhà của gia đình bà Lê Thị Thơ - tổ 37, chỉ 30m2 nhưng có đến hơn 10 người cư trú 15 năm nay.

Sớm trả lời với người dân về dự án   

Từ năm 2018, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh về câu chuyện ở dự án ga Đà Nẵng đã quy hoạch.Thời điểm đó, các cán bộ quy tắc đô thị UBND P. Hòa Khánh Nam bảo: “Lâu nay Hòa Khánh Nam, ở khu vực quy hoạch dự án ga đường sắt mới “nóng” về quản lý trật tự đô thị. Thật ra nói là “nóng” phải hiểu theo cả hai nghĩa, người dân nóng vì bức xúc vấn đề nơi ăn chốn ở, sinh hoạt chật hẹp, xuống cấp, ô nhiễm, chứ cũng chẳng phải bà con coi thường pháp luật,  kỷ cương, phép nước gì đâu. Cứ xuống thực tế với bà con xem, tội lắm!”. Năm 2018, kết quả thanh tra phát hiện có 1.799 trường hợp xây dựng không phép tại khu vực trên. Trong đó, 451 hồ sơ đã được chuyển cho cơ quan điều tra để làm rõ việc xây dựng, chuyển đổi đất trái phép. 

Đầu năm 2020 này, ông Thân Đức Minh - Chủ tịch UBND phường cho biết, sau thời điểm năm 2018, UBND phường đã kiên quyết chấn chỉnh công tác quản lý trật tự đô thị, hai năm qua đã không để xảy ra bất cứ trường hợp nào vi phạm quản lý trật tự đô thị, được UBND TP Đà Nẵng khen thưởng trong công tác này. Tuy nhiên, vấn đề dự án ga đường sắt quy hoạch treo quá lâu tại phường vẫn là một điểm “nóng”, khi cuộc sống người dân tại vùng quy hoạch này vẫn đang bất ổn.     

Trả lời cử tri Q. Liên Chiểu vào ngày  3-12-2019, ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng thông tin, dự án chậm triển khai do chờ vốn hơn 10 năm qua. Thành phố đang tích cực triển khai công việc liên quan, trong năm 2020, sẽ xác định vị trí quy hoạch mới để di dời ga đường sắt.

Việc di dời ga đường sắt Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương từ năm 2016 là dự án trọng điểm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, do nguồn kinh phí hạn chế, đoạn tuyến đường sắt khu vực miền Trung (Vinh đến Nha Trang) sẽ thực hiện sau, dự kiến năm 2035 mới chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, sau thời gian làm việc với Chính phủ cùng các Bộ ban ngành liên quan, UBND thành phố đã thống nhất báo cáo Thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương thực hiện dự án này theo hình thức BT để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng thực hiện.Với phương án này, dự án sẽ gồm 2 tiểu dự án là di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của thành phố. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của thành phố với mức đầu tư là hơn 10.000 tỷ đồng. Tiểu dự án 2 là đền bù giải tỏa phục vụ dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng và tái phát triển đô thị với mức 2.400 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố. Thành phố hy vọng có thể thúc đẩy dự án sớm triển khai, giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội cũng như tạo động lực phát triển cho thành phố theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị.

Theo ý kiến của người dân địa phương vùng quy hoạch dự án, dù phương án nào được triển khai chăng nữa, thì chính quyền và ngành chức năng cũng cần phổ biến cho người dân hiểu rõ, để người dân yên tâm ổn định cuộc sống khi chờ dự án triển khai.

HỒNG THANH