Trở lại câu chuyện phát triển du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp ở Hòa Vang (Kỳ 1: Ảm đạm mô hình du lịch cộng đồng ở làng Cơ Tu)
Homestay A Lăng Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang được nhiều người dân Đà Nẵng biết đến từ cuối năm 2019. Đây là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng do anh Đinh Văn Như - Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí, người Cơ Tu đầu tiên dám mạnh dạn tiên phong đầu tư xây dựng mô hình này theo đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng của UBND huyện Hòa Vang, được UBND thành phố thống nhất chủ trương vào cuối tháng 9-2019 về việc thực hiện thí điểm mô hình du lịch cộng đồng người Cơ Tu tại xã Hòa Bắc. Đây là là mô hình đi đầu trong cộng đồng người Cơ Tu với tâm huyết khôi phục bản sắc văn hóa, tạo tiền đề phát triển kinh tế để vùng đồng bào dân tộc học tập và làm theo. Để triển khai mô hình, UBND huyện đã xây dựng đề án, kế hoạch cụ thể với nhiều hoạt động như: khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu, khôi phục nghề đan lát thủ công Cơ Tu, khôi phục đội múa cồng chiêng Cơ Tu, sửa chữa, khôi phục lại nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng Cơ Tu) cùng nhiều hoạt động khác nhằm phục vụ khách du lịch.
Theo đó, anh Đinh Văn Như đã mạnh dạn vay 700 triệu đồng, dùng 800m2 đất vườn của gia đình cùng vật liệu sẵn có như tre nứa, gỗ vườn, khung thép để xây dựng một căn nhà sàn diện tích 150m2 làm nơi kinh doanh ăn uống và phục vụ khách du lịch lưu trú. Mô hình du lịch của Đinh Văn Như chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2019, thu hút được lượng khách du lịch quan tâm; đồng thời tạo việc làm cho gần 10 lao động là bà con Cơ Tu với thu nhập ổn định cũng như thu mua các sản phẩm nông nghiệp như rau, heo, gà, vịt, cá, ốc suối của bà con Cơ Tu tăng gia sản xuất và đánh bắt được từ rừng, suối về để phục vụ cho du khách. Không chỉ có thế, Homestay A Lăng Như còn tạo thêm nguồn kinh phí để duy trì, phát triển các hoạt động như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát thủ công, hoạt động văn hóa, văn nghệ Cơ Tu phục vụ khách du lịch. Các hoạt động trải nghiệm của du khách dưới sự hướng dẫn của các thành viên mô hình làng du lịch cộng đồng góp phần giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường, nguồn nước, giữ rừng, quản lý bảo vệ rừng… Với hiệu quả bước đầu này, cuối năm 2019, anh Đinh Văn Như trở thành nhân tố “điển hình” trong việc dám, nghĩ dám làm ở cộng đồng bà con Cơ Tu, được thành phố khen thưởng.
Sang năm 2020-2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, mô hình du lịch của Đinh Văn Như phải tạm đóng cửa. Đầu năm 2022, khi cả nước, thành phố trở hoạt động bình thường trong tình hình mới, hoạt động du lịch tại Đà Nẵng mới có cơ hội phát triển trở lại. Vậy nhưng, cuối tháng năm vừa qua, khi có mặt tại Homestay này, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng trước vẻ hoang vắng, tiêu điều, cỏ dại mọc lút khắp nơi vì không có người chăm sóc. Anh Đinh Văn Như buồn bã cho hay, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng của mình đã bị “tuýt còi” vì sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích. “800m2 khu đất vườn gia đình tôi vốn cằn cỗi, không có nguồn nước tưới. Trước đây, khi chưa mở mô hình du lịch này, tôi trồng tre lấy măng, mỗi năm chỉ thu được không đầy 2 triệu đồng. Vì vậy, khi nghe huyện có chủ trương xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, tôi mừng lắm, vì đã tìm ra hướng phát triển mới trên mảnh đất cằn cỗi của mình…Nhưng không ngờ lại đang vi phạm pháp luật- sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Bản thân tôi là đảng viên, nhận thức được việc làm sai của mình, tôi cho đóng cửa mô hình ngay gần 2 tháng qua…!”- anh Đinh Văn Như rầu rỉ thổ lộ.
Không còn khách du lịch, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nghề đan lát thủ công, đội cồng chiêng Cơ Tu…của mô hình làng du lịch cộng đồng Tà Lang, Giàn Bí cũng ngừng hoạt động vì không kinh phí. Các thành viên tổ hợp tác trước đây làm hướng dẫn viên cho khách du lịch đi trải nghiệm rừng, suối đành trở lại nghề vốn dĩ là…làm rẫy. Riêng Đinh Văn Như trăn trở, gần 700 triệu đồng vay vốn để làm mô hình Homestay sẽ phải trả nợ thế nào đây. Không lẽ lại để tre phát triển lấy măng, mỗi năm bán thu 2 triệu đồng?
(còn nữa)
Hồng Thanh