Trở lại câu chuyện phát triển du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp ở Hòa Vang (Kỳ 2: Thực tế ở những mô hình du lịch sinh thái bị “tuýt còi”)

Thứ tư, 15/06/2022 16:32
Ngoài mô hình du lịch thí điểm của anh Đinh Văn Như, ở Hòa Bắc còn 4 mô hình du lịch khác cũng bị “tuýt còi” vì sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.
Một số mô hình du lịch ở Hòa Bắc bị “tuýt còi” vì sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.
Một số mô hình du lịch ở Hòa Bắc bị “tuýt còi” vì sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.

3/4 mô hình bị “tuýt còi” đều có giấy phép kinh doanh

Qua cung cấp của ông Trương Thanh Nhân - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, được biết, trong 4 mô hình du lịch sinh thái bị “tuýt còi” đó, có 3 mô hình được cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đảm bảo ANTT, vệ sinh môi trường… hẳn hoi.

Mô hình đầu tiên có giấy phép kinh doanh là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Làng Yên Retreat ở thôn Nam Yên do ông Bùi Đức Tuấn làm chủ, với diện tích 39.000m2, vốn đầu tư 6 tỷ đồng được hình thành từ năm 2018. Tại đây, ông Tuấn cho lắp ghép một gian nhà chính bằng gỗ, sườn sắt diện tích 100m2 làm nơi phục vụ ăn uống cho khách, 10 lều tạm bằng vải để khách nghỉ ngơi, mỗi lều diện tích 10m2. Du khách đến đây được cắm trại, trải nghiệm làm nông trại, lò nấu đường mía truyền thống, thưởng thức ẩm thực truyền thống, tham gia vào các hoạt động văn hóa địa phương của đồng bào Cơ Tu. Kế đến là mô hình Khu du lịch sinh thái kết hợp sản xuất nông nghiệp Làng Mê, hình thành từ năm 2019 cũng ở thôn Nam Yên, do ông Ngô Quốc Bình trú trong thôn làm chủ, có diện tích hơn 4.400m2 với tổng đầu tư 1,8 tỷ đồng. Trên diện tích này, chủ đầu tư xây dựng một gian nhà vật liệu tre, sườn sắt có diện tích 170m2 để phục vụ ăn uống cho du khách, 10 căn lều bằng vải bạt để du khách nghỉ ngơi, mỗi lều 10m2, diện tích còn lại trồng cây nông nghiệp ngắn ngày… Đến đây, du khách được trải nghiệm thiên nhiên, sinh hoạt văn nghệ tập thể, ẩm thực, trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp địa phương. Mô hình du lịch có giấy phép kinh doanh còn lại là Khu ông Hoàng Đô do ông Hoàng Đô, thường trú tại thôn Nam Mỹ đứng tên, trên diện tích 1,5 ha. Trên khu đất này sẵn có ngôi nhà cũ xây dựng từ năm 2009, diện tích 40m2, chủ hộ tận dụng diện tích ao hồ sẵn có xây dựng 4 sạp bằng tre, khung sắt, lợp lá, mỗi chòi 25m2 để kinh doanh, phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho khách. Diện tích còn lại chủ nhà nuôi heo rừng giống. Du khách đến đây được trải nhiệm câu cá tại ao hồ nuôi cá nước ngọt, tham quan khu sản xuất chăn nuôi heo và thưởng thức ẩm thực từ thực phẩm chăn nuôi tại chỗ.

Mô hình chưa có giấy phép kinh doanh là mô hình du lịch Làng CoCo tại thôn Lộc Mỹ do ông Nguyễn Đức Vinh, người địa phương đầu tư lắp ghép, sản xuất trên đất nông nghiệp từ năm 2019 trên diện tích 1,4 ha. Quy mô của mô hình này trên diện tích 100m2 được ông Vinh lắp dựng một gian nhà bằng tre, sườn sắt để phục vụ du khách đồ ăn uống, 4 chòi lắp ghép bằng sắt, lợp lá, mỗi chòi diện tích 10m2 để khách ngồi chơi, nghỉ ngơi. Du khách đến Làng CoCo sẽ được trải nghiệm thiên nhiên, ẩm thực, nông sản, các sản phẩm nông nghiệp.

Qua khảo sát của phóng viên, điểm đặc biệt của các mô hình này là đều nằm dọc triền sông Cu Đê nên chỉ hoạt động vào mùa nắng. Mùa mưa lũ do có nhiều điểm bị ngập, bị bồi lấp nên không thể hoạt động…

Địa phương nói gì về những mô hình bị tuýt còi?

Liên quan đến vấn đề một số mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Hòa Bắc bị “ tuýt còi”, ông Trương Thanh Nhân cho biết, tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang với UBND xã Hòa Bắc về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh ngày 11-5 vừa qua, Chủ tịch UBND huyện đã có kết luận và “giao cho UBND xã Hòa Bắc tổ chức họp các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất kinh doanh dịch vụ du lịch, ăn uống…; thống nhất các trường hợp cho tiếp tục, các trường hợp dừng hoạt động…”, đồng thời giao “UBND xã Hòa Bắc chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan chọn các trường hợp đảm bảo tiêu chí thực hiện mô hình thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 82 của HĐND TP Đà Nẵng”.

Ngay sau đó, UBND xã Hòa Bắc đã có báo cáo về vấn đề này. Báo cáo nêu rõ: Thời gian gần đây, một số hộ đã tự phát kinh doanh theo hướng làm nơi ăn uống, vui chơi giải trí cuối tuần. Vị trí các mô hình này là đất nông nghiệp không sản xuất được, người dân tự lắp ghép các lều lán tạm trước năm 2020, trước khi Nghị quyết 82 HĐND TP ban hành. Tuy không xây dựng kiên cố, nhưng không đúng với quy định pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, xét thấy hoạt động kinh doanh ăn uống, giải trí cuối tuần trên đất nông nghiệp cũng đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao, làm đẹp địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động người địa phương, giúp thoát nghèo bền vững, vì vậy, UBND xã Hòa Bắc đề xuất tạo điều kiện cho 2 trường hợp sử dụng đất nông nghiệp làm cơ sở kinh doanh dịch vụ được tiếp tục hoạt động là Homestay A Lăng Như do ông Đinh Văn Như đầu tư xây dựng từ năm 2019 và Khu làng CoCo tại thôn Lộc Mỹ, do ông Nguyễn Đức Vinh làm chủ đầu tư.

Cũng trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện Hòa Vang, qua phối hợp các đơn vị liên quan để chọn lựa các trường hợp đảm bảo tiêu chí, UBND xã Hòa Bắc đề xuất chọn 3 mô hình du lịch thí điểm theo Nghị quyết 82 HĐND TP gồm: Mô hình Du lịch Cộng đồng Yên Retret, do ông Bùi Đức Tuấn làm chủ đầu tư; mô hình Khu du lịch sinh thái kết hợp sản suất nông nghiệp Làng Mê, do ông Ngô Quốc Bình làm chủ đầu tư; mô hình Khu ông Hoàng Đô, do ông Hoàng Đô làm chủ.

Đề xuất này đã được UBND xã Hòa Bắc gửi UBND huyện, UBND TP Đà Nẵng và ngành chức năng xem xét…

Hồng Thanh (còn nữa)