Trở lại “Đồi hài cốt” ở bán đảo Sơn Trà (2)

Thứ năm, 22/04/2010 00:00

>>Trở lại “Đồi hài cốt” ở bán đảo Sơn Trà

Kỳ cuối: Thăm lại "Đồi hài cốt"

(Cadn.com.vn) - Nằm sát mặt đường phía gần cuối cảng biển Tiên Sa, trên một triền đồi cao, với hình dáng gần giống một ngôi nhà nguyện nhỏ, nên hầu như ít ai biết rõ, đó là khu mộ Tây (người Pháp gọi là “Đồi hài cốt” (Ossuaire), còn người dân địa phương thường gọi là “mả Tây Ban Nha” hay “mả Y Pha Nho”) - nơi chôn cất của hơn 1.500 lính liên quân Pháp - Tây Ban Nha tử trận thuộc hạm đội của tướng Rigault de Genouilly người chỉ huy bắn phát súng đầu tiên tại Đà Nẵng (1858-1860), dẫn  đến  cuộc xâm lược Việt  Nam.

Để nhận biết khu nghĩa trang, người ta phải bước lên các bậc tam cấp bằng đá, qua cánh cổng sắt nhỏ có khóa. Ngoài tấm bia bằng đá ghi những dòng chữ tiếng Pháp đặt bên tay trái bức tường trong ngôi nhà nguyện: “Á la mémoire des combattants Francsais et Espagnols de l’Expédition Rigault de Genouilly. Mort en 1858 – 59 – 60 et ensevelissement en lieux“ (Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigaud de Genouilly bị chết trong những năm 1858-59-60 và được an táng ở đây), người ta còn nhìn thấy 32 ngôi mộ có gắn thánh giá xếp chồng lên nhau. Người địa phương còn cho biết thêm, không xa Đồi hài cốt, cũng có một số mả Tây, không xây hầm mộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mở tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc, những ngôi mộ này được chuyển lên chôn cất ở tại xã Hòa Nhơn. Cảnh quan nơi đây vắng lạnh, với những đám cỏ dại cao ngút lấp đầy, cho thấy chẳng mấy khi có người lui tới khu mộ Tây độc nhất vô nhị - một chứng tích hùng hồn về sự chiến đấu kiên cường của quân dân ta trước cuộc xâm lược đầu tiên hùng mạnh của phương Tây.

Theo Việt Nam Pháp thuộc sử của Phan Khoang (NXB Khai Trí, 1961), dưới triều Napoléon III, Ủy ban Nghiên cứu vấn đề nước Nam (Commission de la Cochichine) do Nam tước Brenier làm Chủ tịch, đã đệ trình lên nhà vua ý kiến nên đánh chiếm Việt Nam vì 3 lợi ích: tinh thần (tôn giáo), chính trị và kinh tế. Ngày 15-7-1857, Phó Đô đốc Hải quân Rigault de Genouilly được chỉ định tiến hành cuộc viễn chinh này. Tác giả Phan Khoang ghi rõ: “Năm Mậu Ngọ (1858 Tự Đức 11) tháng 7, Trung tướng Genouilly đem 15 chiếc tàu, 1.500 lính, cùng 850 lính Phi Luật Tân của nước I Pha Nho sai Đại tá Lazrote từ Manille đưa vào cửa Đà Nẵng, bắn phá các đồn lũy (1-9-1858). Vua Tự Đức được tin liền sai Đào Trí và Nam-Nghĩa Tổng đốc Trần Hoằng bắt lính hạ ban hơn 2.000 dùng để cự đánh; hai ông đến nơi thì thành An Hải, Điện Hải đã bị vây hãm...”.   

Chiều 1-9-1858, toàn bộ bán đảo Tiên Sa bị giặc Pháp chiếm. Ngày 6-10-1858, quân Pháp tấn công các đồn của ta ở hữu ngạn sông Hàn, vây hãm đồn Mỹ Thị. Thống chế Lê Đình Lý dẫn quân chống trả, chiến đấu dũng cảm, nhưng vì trang bị vũ khí thô sơ, nhiều binh sĩ trúng đạn. Thống chế Lê Đình Lý cũng bị thương nặng, và mấy ngày sau thì mất.

Trước  những  tổn  thất và  khó khăn tại Đà Nẵng, vua Tự Đức quyết định cử Thống chế Nguyễn Tri Phương làm Thống chế quân vụ và Tổng đốc Phạm Thế Hiển làm Tham tá quân vụ. Rút kinh nghiệm từ các trận Nại Hiên và Hóa Khuê, Thống chế Nguyễn Tri Phương cho xây thành đắp lũy kiên cố và Tham tá Phạm Thế Hiển cho đắp phòng tuyến Liên Trì vào tháng 12-1858. Chính nhờ vậy mà quân Pháp nhiều lần tấn công các đồn Nại Hiên, Hóa Khuê, Thạc Gián đã bị các tướng Tống Phước Minh, Nguyễn Duy và Phan Khắc Thận đánh lui. Để yên tâm, Thống chế Nguyễn Tri Phương cho xây thêm một đồn mới ở Liên Trì vào tháng 1-1859. Đồng thời cho đắp một lũy đất khá dài bao quanh thành Điện Hải, các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, bên ngoài lũy làm những hố chông, phía sau lũy luôn luôn có quân mai phục, sẵn sàng nổ súng đánh trả.

 Nhiều bia mộ của các sĩ quan Pháp còn nguyên vẹn tên tuổi, quê quán.

Thời gian này, tại Quảng Nam nắng nóng kéo dài, tiếp đến là mưa dầm dề làm phát sinh dịch bệnh kiết lỵ, dịch tả, sốt nhiệt đới trong đoàn quân viễn chinh làm cho quân địch chết gấp nhiều lần so với số lượng tử vong do chiến sự. Mặt khác, ở mặt trận Đà Nẵng, nhân dân thực hiện “vườn không, nhà trống” bất hợp tác với địch. Trước tình hình này, ngày 2-2-1859, Genouilly rời Đà Nẵng dẫn quân vào Nam để đánh Gia Định.

Từ tháng  2-1859  trở đi, quân Pháp  dưới sự chỉ huy của  Faucon  vẫn  không ngừng  đánh vào  nhiều  đồn trại Đà Nẵng với cường độ dữ dội hơn. Trong đó có trận quân ta thu hồi đồn Hải Châu, nhưng đã hy sinh gần 1.000 binh sĩ.

Ngày 15-4-1859, sau khi vào Nam Bộ chiếm được thành Gia Định, Genouilly lại  trở ra Đà Nẵng lần thứ hai và tổ chức tấn công dữ dội chiếm thành Điện Hải.  Tuy nhiên, sau nhiều trận đánh liên tục vẫn không thay đổi cục diện nhiều, ngoài số chết và bị thương, chết bệnh, quân Pháp kiệt quệ về sức khỏe và chán nản tinh thần. Tướng Genouilly đề nghị Triều đình Huế đàm phán với 3 yêu sách: tự do truyền đạo, tự do thương mại và được chiếm hữu một lãnh thổ để bảo đảm việc thi hành hòa ước, nhưng không đi đến kết quả. Genouilly đệ đơn về Paris xin từ chức. Thiếu tướng Page thay thế và đến Đà Nẵng ngày 19-10-1859. Song chẳng bao lâu, Page bị khiển trách và giáng cấp vì đã tự ý gây ra những trận chiến sai mục đích, gây thiệt hại cho quân Pháp. Page rời Đà Nẵng vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới.

Quân Pháp chỉ còn đóng giữ Sơn Trà, An Hải, Điện Hải và chẳng làm được gì hơn. Ngày 23-3-1860, đoàn quân viễn chinh Pháp đóng tại Đà Nẵng dưới quyền của đại tá Toyon được lệnh rời khỏi Đà Nẵng để tham chiến ở Trung Hoa. Như vậy, suốt thời gian đoàn quân xâm lược của Rigault de Genouilly đến Đà Nẵng tất cả 1 năm 6 tháng 22 ngày (1-9-1859 đến 23-3-1860), họ chẳng để lại dấu vết gì ngoài một nghĩa trang với 1.500 ngôi mộ của lính Pháp và Tây Ban Nha.

Để giành được những chiến tích lẫy lừng, bảo vệ  chủ  quyền cho đất nước, trong những năm kháng chiến chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha, hàng nghìn nghĩa binh của ta cũng đã anh dũng hy sinh. Chính vì vậy, Lễ tế nghĩa sĩ  tại TP Đà Nẵng hằng năm được tổ chức vào rằm tháng 3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ những người đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến nói trên.

Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29-4 (tức 14 đến 16 tháng 3 âm lịch) với nhiều  hoạt động văn hóa đa dạng, phong phú... tại Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang  (được Bộ VH-TT công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1999) cùng với các nghi lễ rước nước, xoay chầu, đọc văn tế Ngũ Hành, đêm dâng hương tưởng niệm và lễ cầu siêu cho các nghĩa sĩ.

Dịp này, nên chăng, Ban tổ chức lễ hội cũng đưa di tích Đồi hài cốt trở thành một điểm viếng trong chương trình? Điều này, vừa giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sát hơn ý nghĩa sự hy sinh dũng cảm của tiền nhân, đồng thời thể hiện lòng vị tha của một dân tộc yêu chuộng hòa bình dành cho những linh hồn lưu lạc yên nghỉ ở đất khách quê người.

Sau khi TP Đà Nẵng hoàn tất việc mở đường Nguyễn Văn Linh đến  Bạch Đằng (để nối liền với  cầu  Rồng), Nghĩa trủng Phước Ninh đã lộ diện, sau một thời gian dài bị lãng quên. Tại đây, có tấm bia bằng đá sa thạch, cao 1,2m, rộng 0,8m ghi công ơn các Anh hùng liệt sĩ cùng mộ phần của hai vị tướng, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận ngày 16-11-1988 và gắn bia di tích ngày 25-8-1998. Trong quá trình quy hoạch thành phố, các nấm mộ được di dời lên Nghĩa trủng Hòa Vang, riêng mái đình, tấm bia cùng mộ của hai vị tướng vẫn giữ nguyên. Hiện nay, cả khuôn viên Nghĩa trủng trở thành một công viên nhỏ với cây xanh, thảm cỏ, đèn chiếu sáng mỹ thuật, ghế đá cho người dân và du khách vãn cảnh sau khi dâng hương...     

Cùng với Nghĩa trủng Hòa Vang,  di tích Nghĩa trủng Phước Ninh là nơi quy tụ hơn 1.500 nấm mộ chôn cất chiến sĩ, đồng bào Quảng Nam – Đà Nẵng, Bình Trị Thiên, Quảng Ngãi, Bình Định hy sinh trong cuộc chiến đấu chống liên quân Pháp-Tây Ban Nha chống quân Pháp ngay từ khi nổ những phát súng xâm lược đầu tiên vào cửa Hàn (1858 – 1860).

 Cảnh quan Nghĩa trủng Phước Ninh hiện nay.

Trần Trung Sáng