Trở về sau ảo mộng ở xứ người

Thứ bảy, 05/09/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Chỉ vì nghe lời dụ dỗ của một số kẻ xấu, một số người dân đồng bào DTTS ở xã Tân Sơn (TP Pleiku, Gia Lai) đã vượt biên bỏ trốn sang nước ngoài với mơ mộng hão huyền về một cuộc sống sung sướng ở phương trời Tây. Chỉ đến khi bị lừa hết tiền, phải lao động cực khổ, lang bạt nơi xứ người họ mới thấu hiểu được không nơi nào bằng quê hương.

Vỡ mộng nơi xứ người

Hơn 2 năm bỏ trốn qua Thái Lan, sống chui nhủi và phải lao động cực khổ, Ksor Eli (1988, trú làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, TP Pleiku) cùng vợ là H'Ngọc (1987) đã bồng bế 3 đứa con trở về với căn nhà cũ của mình. Dù căn nhà của vợ chồng còn đó, nhưng kế sinh nhai là 2,5 sào đất rẫy, vợ chồng Eli đã bán để lấy tiền đi nước ngoài vì nghe lời kẻ xấu dụ dỗ. "Mình nghe lời người ta nói qua bên Thái Lan không phải lao động vẫn có cuộc sống sung sướng, được đi Mỹ có nhà tầng ở, có ô-tô để đi. Thế nhưng, 2 năm qua bên đó mới biết cực khổ như thế nào. Không biết tiếng, không có giấy tờ toàn bị chủ ép tiền công", Eli phân trần.

Niềm vui, hạnh phúc hiện trên gương mặt gia đình Eli, H'Ngọc khi về lại với quê hương.

Eli kể: tháng 6-2013 vì nghe một người đàn ông tên Men dụ dỗ Eli bỏ trốn sang Thái Lan. Tin lời kẻ xấu, Eli rút hết tiền dành dụm được 7 triệu đồng rồi, bỏ vợ con dại ở lại nhà, tìm đường bỏ trốn sang Thái Lan. Eli còn rủ thêm em họ là Nai (1995) đi vào "con đường tối". Chiếc xe máy vật dụng quí giá của Nai cũng đem bán để lấy tiền bỏ trốn. Sau khi đưa cho người đàn ông tên Men 18 triệu đồng, Nai và Eli được đưa sang đất Thái Lan. Thế nhưng, không như mộng tưởng, Eli và Nai phải lao động cực khổ để có tiền ăn uống. "Đi làm phụ hồ cho người ta, do mình không có giấy tờ, không biết tiếng người ta nên ngày làm 8 tiếng cũng chỉ có 150.000 đồng tiền Việt Nam. Sống 4-5 người trong một căn phòng chật chội. Rồi phải bỏ trốn khi thấy bóng dáng cảnh sát, mình không có giấy tờ họ bắt liền", Eli kể tiếp.

Eli bỏ trốn được một thời gian, H'Ngọc vì nhớ chồng, nghe lời bà H'Um (1970, trú làng Tiêng 1, xã Tân Sơn, hiện đang bỏ trốn tại Thái Lan) rủ trốn sang Thái Lan và muốn đi phải đưa tiền để H'Um đưa đi. Không những thế, H'Um còn vẽ ra một viễn cảnh về cuộc sống giàu sang nơi xứ người khiến H'Ngọc tin. Mặc dù Eli điện về cho vợ không được bỏ trốn vì còn con nhỏ và bên này cuộc sống cực khổ, nhưng miệng lưỡi của H'Um như con rắn độc khiến H'Ngọc ma mị tin theo. Cuối tháng 6-2013, bằng sự giúp sức của một số đối tượng, H'Um đã đưa trót lọt H'Ngọc cùng 2 đứa con nhỏ sang đất Thái. "Mình bán 2,5 sào đất được 160 triệu đồng nhưng người ta chỉ mới đưa trước 100 triệu đồng. Sau đó đưa cho H'Um 95 triệu đồng, còn 5 triệu mang theo. Thế nhưng, qua bên đó thì H'Um bảo bị người ta lừa lấy hết tiền, sống khổ cực, đói khát. Mình ở nhà chăm con, còn chồng mình nó làm không đủ cho cả nhà ăn, có ai giúp gì đâu! Chỉ tội cho 3 đứa con nhỏ, ốm đau không có thuốc uống, không được học hành", H'Ngọc nói.

Cũng như Eli, Nai cũng tưởng rằng sẽ có cuộc sống giàu sang nơi xứ người, được đi nước thứ 3 sống sung sướng mà không phải lao động vất vả. Nhưng ngược lại, Nai phải sống trong căn nhà chật chội, đi làm đủ nghề để kiếm cái ăn, cái mặc, vất vả, cực khổ nơi xứ người. Thế là Nai, vợ chồng Eli cùng những người khác tìm cách trở về quê hương.

Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, vợ chồng Eli đang chăm sóc lại vườn cà-phê
của mình.

Không đâu bằng quê hương!

Giữa tháng 6-2015, Eli và Nai gọi điện về cho ông Phạm Phụng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn xin được về lại quê nhà sinh sống. Qua điện thoại, Eli kể về cuộc sống ở xứ người vất vả, khổ sở nên Eli, Nai và nhiều người khác rất muốn về Việt Nam nhưng sợ chính quyền bắt và xử lý theo pháp luật. Ngay sau cuộc điện thoại, ông Phụng đã động viên Nai, vợ chồng Eli cũng như những người có nguyện vọng quay về quê hương làm ăn sinh sống và sẽ tạo điều kiện cho những người này hòa nhập cộng đồng. CATP Pleiku cũng có thư ngỏ gửi các gia đình có con, em bỏ trốn đang ở Campuchia, Thái Lan nhằm kêu gọi gia đình sớm liên lạc với con em mình sớm quay trở về Việt Nam. Đầu tháng 7-2015, Nai, vợ chồng Eli và 3 đứa con cùng 8 người dân đồng bào DTTS khác được thân nhân và chính quyền mở rộng vòng tay đón về với mảnh đất quê hương...

Căn nhà nhỏ của vợ chồng Eli giờ lại trở nên ấm cúng, đầy ắp tiếng cười của trẻ nhỏ. Ngày chúng tôi đến thăm, 2 đứa con lớn của Eli và H'Ngọc lại được cắp sách đến trường sau 2 năm không biết đến mặt chữ. "Vợ chồng mình về đây được chính quyền xã giúp đỡ cho cái ăn ban đầu, con cái được đi học trở lại, mình không bị bắt giữ hay gì cả. Được chính quyền khoan hồng, dân làng không bỏ mặc, vợ chồng mình vui lắm! Đi đâu cũng không bằng về với nhà của mình, làm ăn sinh sống trên mảnh đất cha ông mình", Eli vui vẻ khoe. Rẫy cà-phê bỏ bê không ai chăm sóc quanh vườn cũng được đôi vợ chồng dọn sạch cỏ, những hạt cà- phê cũng không phụ công người đang dần chín đỏ.

Cách nhà Eli không xa, bà Alăm (mẹ của Nai) cái bụng vui lắm, miệng cười, khoe liên tục: "Nó bỏ đi mình không biết, khóc hết nước mắt vì tưởng nó mất tích ở đâu rồi. Giờ nó về đây, được chính quyền quan tâm không xử lý nó mình mừng lắm! Nó vừa cưới vợ rồi! Giờ nó biết chăm chỉ làm ăn để nuôi vợ nó nữa chứ!". Nai cười bẽn lẽn khi mọi người hỏi về cô vợ mới cưới của mình, "giờ mình không đi đâu nữa hết, ở nhà chăm lo cho gia đình của mình thôi. Làm gì có việc không làm cũng có cuộc sống sung sướng, mình cũng phải làm việc còn cực khổ hơn cả ở nhà nữa mà còn không đủ ăn. Ở nhà vẫn sướng hơn nhiều chứ! Mình không nghe lời kẻ xấu dụ dỗ nữa đâu!". Có lẽ giờ đây, vợ chồng Eli, Nai hay như những người khác trở về trong vòng tay rộng mở, bao dung của chính quyền, dân làng mới thấu hiểu hết giấc mơ về một cuộc sống giàu sang ở phương trời nào chỉ là ảo vọng.

Thượng tá Nguyễn Minh Hải, Phó trưởng CATP Pleiku cho biết: Trong năm 2012, 2013 trên địa bàn thành phố có nhiều người nhẹ dạ, cả tin bị các đối tượng lôi kéo, lừa phỉnh trốn đi Campuchia, Thái Lan. Thế nhưng, cuộc sống của họ ở nước ngoài gặp khó khăn, cực khổ. Trước tình hình trên, lực lượng Công an cùng các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền, vận động bằng nhiều biện pháp để người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn sự việc. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP đã không còn người bỏ trốn sang Campuchia, Thái Lan. Đối với những người đang còn ở Campuchia, Thái Lan chúng tôi kêu gọi gia đình sớm liên lạc với con, em mình quay trở về địa phương làm ăn sinh sống. Chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện làm ăn, lao động sản xuất.

Minh Tân