Trở về từ Hoàng Sa

Thứ bảy, 26/05/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Đang đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, 14 ngư dân trên 2 tàu cá ở Quảng Ngãi đã bị Trung Quốc bắt giữ. Chiếc tàu cá của Trần Thế Anh bị tịch thu, tàu của ông Nguyễn Thành Nhất trở thành phương tiện vận tải đẩy đuổi 14 ngư dân trở về.

BÁM BIỂN

Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố cấm đánh bắt cá tại biển Đông trong vòng 2 tháng rưỡi, từ 12 giờ ngày 16-5-2012 đến 12 giờ ngày 1-8-2012. Biết vậy, nhưng ngư dân Việt Nam cho rằng tuyên bố trên là ngang ngược, phi lý, nên cương quyết bám biển, đánh bắt hải sản trên vùng chủ quyền của Việt Nam. Ngày 16-5-2012, các ngư dân đi trên tàu QNg 55003 TS, do Trần Thế Anh làm thuyền trưởng đang đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị tàu tuần tra Trung Quốc mang số 306 săn đuổi. Các ngư dân quyết định cho tàu chạy đua với tàu tuần tra. Tiếc số hải sản trị giá 200 triệu đồng sau nhiều ngày lao động, ngư dân Nguyễn Văn Teo (1978) quê Ninh Thuận, vào ca bin thay thế thuyền trưởng cầm lái và quyết tâm bỏ chạy.

Teo kể lại: “Em là dân Ninh Thuận, ra Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi làm biển 5 năm và làm rể ở đây. Lần đầu tiên đi biển với mấy anh trong nhà, tàu em bị chiếc tàu Trung Quốc đuổi 4 tiếng đồng hồ. Em khiếp sợ nên chui vào ca bin, thò đầu ra quan sát. Cả 2 chiếc tàu chạy vòng tròn để ép nhau, húc ầm ầm. Có nhiều lúc, nước tràn qua be làm tàu sắp chìm. Cuối cùng, chiếc tàu tuần tra Trung Quốc phải chịu thua chiếc tàu ngư dân Việt Nam nên bỏ đi. Ngư dân mình coi vậy chứ chì dữ lắm”.      

 Tàu QNg-5003TS đưa các ngư dân về đến cảng Sa Kỳ  (Bình Châu, Quảng Ngãi) ngày 23-5.

Nắm được kinh nghiệm, cầm lái con tàu lần này, Teo cho chiếc tàu to xác đang đuổi theo phải hụt hơi vì lối chạy lắc léo, vốn là lợi thế của tàu nhỏ, gọn. Chiếc tàu tuần tra tức tối kéo ống vòi rồng, phun nước xộc thẳng vào ca bin để làm chết máy tàu. Đến khi tàu tuần tra thả 2 ca nô ép bên mạn trái, tàu tuần tra ép bên mạn phải, Teo buộc phải cho tàu dừng lại. Lúc này, ngư dân trên tàu QNg 55003 TS rớt nước mắt than trời. Bởi nếu tàu tuần tra thu cá thì vợ con chuyến này coi như bị đói. Chưa kể tổn phí hơn 100 triệu đồng.    

Ngư dân Nguyễn Văn Teo - người cho tàu đua với tàu tuần tra Trung Quốc 

THỨC TRẮNG Ở HOÀNG SA

Cũng trong ngày 16-5, các ngư dân trên tàu QNg 50003 TS của ngư dân Nguyễn Thành Nhất (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng chạy đua với tàu tuần tra Trung Quốc. Các ngư dân như những con kình ngư, cho tàu chạy xé sóng. Sau khi liều mạng cho tàu lọt vào vùng rạng cạn, lướt trên bãi nước thấp, nơi tàu tuần tra to xác không thể chạy vào... Tuy nhiên, sau nhiều giờ chạy hết ga, ông Nhất buộc phải cho tàu vào đảo Phú Lâm, trong sự kèm sát của tàu tuần tra Trung Quốc. Các ngư dân bị bịt mắt đưa vào nhà giam. Tại đây, họ gặp đồng hương là ngư dân trên tàu của ông Trần Thế Anh. Các ngư dân xác định, tiền phạt không nộp, cố gắng đấu tranh để được thả vô điều kiện. 

Trung Quốc lập biên bản và quy kết các ngư dân Quảng Ngãi này hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển của Trung Quốc. Trong phòng giam, 14 ngư dân nhìn ra ngoài qua 2 lớp cửa. Phòng giam được gắn camera và có lính canh gác thường xuyên. Cơm ăn không đủ, nước uống trong nhà tù bốc mùi hôi hám. Suốt 3 ngày, các ngư dân mới nài nỉ xin được chút nước sạch. Những ngày trong nhà giam, các ngư dân mong muốn người thân ở Việt Nam phán đoán được tình hình để thông báo cho Bộ Ngoại giao, đấu tranh thả các ngư dân trở về.   

 Các ngư dân trên tàu ông Trần Thế Anh với tờ biên bản phía Trung Quốc xử phạt.

“Cắt thông tin liên lạc” là thủ đoạn mới nhất của Trung Quốc đối với ngư dân. Những vụ bắt giữ vào tháng 3-2012, Trung Quốc còn cho ngư dân điện về Việt Nam đòi tiền. Còn lần này, họ nhảy sang tàu cắt đứt mọi thông tin liên lạc. Ngư dân Nguyễn Văn Teo nhức nhối cả người vì bị lính tuần tra bắt giữ, châm dùi cui điện 4 lần vì đã can đảm lái thuyền chạy đua với tàu tuần tra...

TRỞ VỀ

Vợ chồng ông Trần Phương, bà Nguyễn Thị Thuộc, mẹ của thuyền trưởng Trần Thế Anh đêm ngày cầu mong cho con bình yên trở về. Gia đình bà vừa thế chấp sổ đỏ ngân hàng để huy động tiền mua tổn phí ra khơi. Tổng cộng chiếc tàu và phí tổn hơn 500 triệu đồng, sổ đỏ cắm ngân hàng. Trong khi đó, đến ngày 21-5-2012, phía Trung Quốc mới tuyên bố thả 14 ngư dân đang giam giữ ở Hoàng Sa. Tất cả các ngư dân bị bịt mắt, chia thành hai hàng, người đứng sau đặt tay lên vai người đứng trước. Đoàn người dẫn nhau kéo ra cảng và nghe đọc quyết định. Các ngư dân trên tàu choáng váng khi nghe thông ngôn thông báo sẽ tịch thu tàu của ông Trần Thế Anh, tất cả 14 ngư dân về Việt Nam bằng tàu của ông Nguyễn Thành Nhất.  Tàu của ông Nhất đã bị vơ vét tất cả lương thực, dầu mỡ, ngư lưới cụ, trở thành chiếc tàu trống rỗng. Trung Quốc chỉ ném xuống vài thùng mì tôm và vài can dầu, đủ nhiên liệu để ngư dân chạy về Việt Nam. Hai chiếc ca nô kè theo con tàu để quay phim, chụp ảnh “làm bằng chứng” cho Trung Quốc phóng thích ngư dân Việt Nam “xâm phạm”... chủ quyền của Việt Nam!     

Trên bãi biển xóm Ghành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, mẹ con thuyền trưởng Trần Thế Anh ôm chặt nhau sau bao ngày thấp thỏm. Tài sản duy nhất để mưu sinh của gia đình họ đã bị tịch thu, vậy nhưng, khi được hỏi về tương lai, ngư dân Trần Thế Anh vẫn sang sảng: “Nếu được chính quyền hỗ trợ, tui tiếp tục đóng mới tàu, lại cùng anh em ra khơi...”.

Lê Văn Chương