Trộm chó hoành hành

Thứ ba, 05/07/2016 11:10

(Cadn.com.vn) - Thời gian gần đây, các vụ trộm chó ở địa bàn nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) liên tục xảy ra, làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Đơn cử, 2 giờ ngày 3-7, lực lượng 8394 xã Hòa Phước tuần tra trên tuyến QL1A phát hiện, bắt quả tang Ngô Bá Duy (1984, trú P. Mân Thái, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) điều khiển xe máy BKS 43E1-278.32 đang thực hiện hành vi đánh bả chó trước Bến xe Đức Long thuộc địa phận thôn Quá Giáng 2. Tại đây, lực lượng tuần tra kiểm tra, thu giữ 6 cục bả đã tẩm chất độc cyanua, 1 bao tải. Duy khai nhận, cứ đều đặn 30 ngày trong tháng sống theo kiểu “ngủ ngày, cày đêm”, nghĩa là đêm nào Duy cũng chạy xe máy đi đánh bả chó. Hết trộm ở nơi mình cư trú thì sang khu vực giáp ranh P. Phước Mỹ (Q. Sơn Trà), hoặc ra vùng nông thôn Hòa Vang. Trung bình mỗi đêm, Duy trộm 1-2 con, bán lại cho đối tượng tên Nữa (trú P. Phước Mỹ) với giá 280-300 ngàn đồng/con…

Trước đó, rạng sáng 13-6, Nguyễn Văn Quý (1985, trú P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng), Lê Thị Hương (1985, trú xã Đại Cường, H. Đại Lộc, Quảng Nam) chạy xe BKS 43X6-7698 lên thôn Tân Ninh (xã Hòa Liên) trộm chó thì bị người dân địa phương vây bắt. “Vì thiếu tiền mua ma túy nên chẳng còn cách nào khác là phải đi trộm chó, mỗi lần trúng quả thì cũng đủ hút mấy ngày. May mà có các anh CA kịp thời giải cứu, nếu không…” - Quý hổ thẹn trình bày khi được lực lượng CA giải cứu kịp thời.

Mới đây nhất, rạng sáng 30-6, lực lượng tuần tra 8394 xã Hòa Khương phát hiện 2 đối tượng lạ mặt chạy xe máy trộm chó trong khu vực thôn Phước Sơn (xã Hòa Khương) liền truy đuổi thì bị các đối tượng sử dụng ớt bột ném cản đường. Đến khu vực Nam Thành (xã Hòa Phong), bất ngờ đối tượng ngồi sau dùng súng điện chống trả lực lượng làm nhiệm vụ, gây thương tích anh Đặng Lê Văn Mừng (Dân phòng xã Hòa Khương)…

Ngô Bá Duy và tang vật một vụ trộm.

Ông Nguyễn Ph. (trú xã Hòa Phong) bức xúc cho biết, ngoài các đồ nghề mang theo, các “cẩu tặc” còn trang bị thêm roi điện, bình hơi cay, mã tấu, gậy… chống trả người dân. Chúng chạy xe quanh xóm, nếu thấy đường vắng và phát hiện con chó nào thì điều khiển xe chạy chậm, bất ngờ dùng tuýp sắt đánh hoặc chích điện, con chó chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi đổ gục; hoặc chúng đi ngang thả bả trước mặt để chó ngửi, vài phút sau quay lại, nếu thấy con chó còn cựa quậy thì đổ nước vào miệng chó để thuốc ngấm nhanh hơn. Tận mắt thấy chúng trộm chó của mình, ông Ph. chưa kịp ú ớ thì tên ngồi sau còn quay lại hù dọa.

Được biết, vì giá trị con chó không lớn để ghép các đối tượng vào tội “Trộm cắp tài sản” nên chỉ phạt hành chính. Tiền phạt mỗi lần “cẩu tặc” sa lưới là từ 1-2 triệu đồng. Biện pháp xử lý hành chính này đối với các đối tượng như “nước đổ đầu vịt” nên nộp phạt xong, chúng lại tiếp tục hành nghề, như trường hợp “vợ chồng hờ” Đặng Văn Quý (1987), Lê Thị Đức (1978, cùng trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Từng bị CAX Hòa Châu xử lý về hành vi trộm cắp, nhưng vì mối lợi “ngon ăn” nên chỉ vài tháng sau, cặp đôi này tiếp tục đến địa phương tái phạm. Vì vậy, mỗi lần bắt được đối tượng trộm chó, người dân thường trút giận bằng những trận đòn hội đồng, đốt xe máy, khi CA nhận được thông tin đến hiện trường giải quyết thì mọi việc đã rồi. Mất con chó không chỉ khiến gia chủ phiền lòng vì mất con vật giữ nhà trung thành, mà đây còn là cơ hội để bọn trộm cắp tài sản lợi dụng hoạt động. Những vật dụng có giá trị như: máy bơm nước, xe máy đến gà, vịt… đều lọt vào “tầm ngắm” của bọn trộm. Tuy nhiên, cùng với các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng thì người dân cũng nên đề cao cảnh giác hơn nữa trong việc quản lý tài sản của mình.

Quý, Hương bị bắt quả tang.

Thiết nghĩ, nguyên nhân chính dẫn đến “cẩu tặc” hoành hành trong thời gian qua là do 2 yếu tố về hành lang pháp lý và về mặt xã hội. Về hành lang pháp lý, trộm chó là trộm cắp tài sản, do đó phải định giá giá trị của tang vật là những con chó. Thông thường, “cẩu tặc” thường bị bắt quả tang chỉ có 1 - 2 con chó. Xét về giá trị thì dưới 2 triệu đồng nên theo quy định chỉ bị xử lý về mặt hành chính. Về mặt xã hội, tình trạng nghiện hút, thiếu việc làm ngày một tăng nên dẫn đến việc phải đi trộm để có tiền hút chích, tiêu xài. Hơn nữa, thời điểm các nhóm trộm chó hoạt động thường diễn ra lúc người dân tập trung ra đồng canh tác hoặc đêm khuya nên lực lượng tuần tra rất khó phát hiện, ngăn chặn. Không những vậy, khi bị truy đuổi, những tên trộm này rất manh động, sẵn sàng dùng hung khí chống trả để thoát thân. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần quan tâm hơn đến tình trạng nhiều người dân địa phương tự phát tập trung thành nhóm phục kích “cẩu tặc”. Do quá bức xúc nên khi bắt được các tên trộm này, người dân đều muốn “dạy” cho chúng một bài học nhớ đời. Rất may, nhiều trường hợp được lực lượng CA có mặt kịp thời, nếu không tính mạng các “cẩu tặc” bị đe dọa thật sự trước những hành động bức xúc của người dân.

An Dương