Trộm lộng hành tại các nơi thờ tự

Thứ sáu, 30/11/2018 21:00

Tại Bình Định, thời gian gần đây tình trạng mất trộm tài sản liên tục xảy ra tại các chùa, cơ sở thờ tự gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT, cũng như gây tâm lý lo lắng cho người dân địa phương. Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Định, các vụ mất trộm ở chùa, cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh rộ lên từ giữa năm 2018 đến nay, tổng cộng đã ghi nhận được 24 vụ mất trộm ở các chùa và khu thờ tự, thiệt hại tài sản hàng trăm triệu đồng.

Nhiều lần bị trộm khoắng nên Tịnh xá Ngọc Nhơn phải dùng xích sắt khóa chuông.

Đơn cử như tại chùa Minh Tịnh (TP Quy Nhơn, Bình Định) là một trong nhiều ngôi chùa từng xảy ra mất trộm tài sản thời gian gần đây. Kẻ gian vào chùa rồi lấy trộm bất cứ thứ gì có giá trị, từ xe máy của Phật tử, tiền trong thùng công đức, cho đến những pho tượng bằng đồng trong chánh điện.

Còn ở các cơ sở thờ tự vùng nông thôn, tình trạng trên còn phức tạp hơn, thậm chí cuối tháng 10-2018, kẻ gian còn táo tợn khi nhốt ni cô của một ngôi chùa ở H. Tuy Phước (Bình Định) để thỏa sức lục tìm tài sản. Hay như Tịnh xá Ngọc Nhơn (H. Hoài Nhơn, Bình Định) chỉ trong vòng một năm đã 5 lần bị kẻ trộm “viếng thăm”, lấy trộm nhiều tài sản giá trị. Mới đây nhất vào 3 giờ ngày 29-10-2018, sư cô trụ trì Tịnh xá lên chánh điện tụng kinh thì phát hiện tất cả 5 bộ đồ thờ cúng bằng đồng, trị giá gần 50 triệu đồng đã biến mất. Hoặc nhiều cơ sở thờ tự tại các xã Phước Quang, Phước Thành (H. Tuy Phước) cũng bị kẻ gian đột nhập. Cụ thể, tối 1-9, kẻ trộm vào chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang) lấy 3 bộ đèn đồng và 2 bộ ngũ đồng. Tối 18-11, chùa Thiên Quang (xã Phước Quang) cũng bị mất thùng công đức cùng toàn bộ số tiền bên trong. Hay ngày 20-10, kẻ gian đột nhập chùa Bình Ân (thôn Cảnh An 1, xã Phước Thành) lấy 1 xe máy, 1 bộ loa và tất cả tiền trong 4 thùng công đức.

Đối tượng thường nhằm vào những ngôi chùa nhỏ, chùa do sư cô trụ trì hoặc chùa đang sửa chữa để trộm cắp. Có vụ đối tượng trà trộn như Phật tử đi viếng chùa để xem tình hình nếu thấy sơ hở thì ra tay trộm cắp. Hầu hết các cơ sở thờ tự như miếu, đình, chùa... đều có cổng ngõ và có khóa cổng ngõ, khóa cửa chánh điện, nhưng các khóa không chắc chắn. Ngoài ra, nhiều cơ sở thờ tự không có người trông coi thường xuyên, chỉ thỉnh thoảng lui tới thắp nhang. Đây chính là kẽ hở mà kẻ trộm đã lợi dụng để hoạt động.

Thượng tá Huỳnh Văn Còn- Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự CA tỉnh Bình Định, cho biết: “Nhiều đối tượng vờ đi viếng chùa nhưng thực chất là xem sơ hở của chùa, quan sát chỗ để thùng phước sương để sau đó quay lại trộm cắp. Trước thực trạng trên, bên cạnh nâng cao ý thức phòng ngừa, nhiều cơ sở thờ tự đã chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ tài sản. Công an các địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, thông tin cho chức sắc tôn giáo, tu sĩ, quần chúng nhân dân biết thủ đoạn, phương thức của kẻ gian để nâng cao ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản, vật dụng thờ cúng có giá trị”. Bên cạnh đó, Thượng tá Còn cũng lưu ý các cơ sở thờ tự cần xây dựng tường rào bảo vệ, khóa cửa chắc chắn; khi phát hiện đối tượng khả nghi kịp thời báo cho CA địa phương kiểm tra, xử lý. Việc chủ động ngăn ngừa trộm cắp là hết sức cần thiết, nhất là trong thời điểm mưa bão. Việc chủ động ngăn ngừa tội phạm trong các cơ sở thờ tự, không chỉ để bảo vệ an toàn tài sản mà còn đảm bảo sự tôn nghiêm tại các địa điểm sinh hoạt tôn giáo.

QUÝ HIỀN