Trống ếch
Trung Thu ngày ấy... |
Mỗi năm cứ đến những ngày gần Rằm tháng tám, tức là Tết Trung thu của trẻ con, một cảm xúc nào đó trong tôi lại nao nao trào dâng khi nghe tiếng trống “cắc tùng tùng” đây đó lúc đầu hôm, lúc giữa ban trưa và cả trong những cơn mưa thu kéo về đầm đậm những hạt nước rớt rơi trên cây lá như kéo không gian bước vào một mùa đông sớm hơn mọi bận.
Về đêm, trăng dần lên cao, sáng tỏ, những đội múa lân, múa sư tử lại rồng rắn kéo qua các ngõ xóm, mang theo cả “không gian tết trẻ”. Ông bạn hàng xóm của tôi bảo: “Bọn trẻ bây giờ sướng thật, ngày xưa cũng vui Tết Trung thu nhưng làm gì được như bây giờ”.
Còn nhớ, để đón Tết Trung thu, lũ trẻ làng tôi đã chuẩn bị tinh thần và một núi công việc trước đó hàng tháng trời. Công phu nhất phải kể đến đầu tiên là làm trống. Những buổi chiều chăn thả bò, tụm năm tụm bảy chúng tôi đã dỏng tai nghe tiếng ếch dưới bãi đầm, góc ruộng. Căn cứ tiếng kêu giọng trầm, bè to nhỏ ở mức độ như thế nào là có thể hình dung tấm da của mặt trống.
Những con ếch có thể lấy da làm mặt trống thường rất khó câu. Ếch được câu về khi thịt lấy da phải căng ngay ra để da khỏi bị khô nước. Lon sữa bò dùng xong được trưng dụng làm thân trống. Việc phơi trống cũng phải khéo léo công phu. Thường thì trống được phơi nơi bóng râm ban ngày, phơi sương ban đêm để da ếch khô từ từ, nếu bị khô hóp thì coi như hỏng...
Việc sắm sửa quần áo, mặt nạ cho đội múa lân, múa sư tử hầu như tất cả đều dùng đến giấy màu. Diễn viên cho đoàn múa lân, múa sư tử được “bầu chọn” với sự tín nhiệm cao của nhóm. Ông địa trong mỗi nhóm múa tuy không phải luyện tập nhiều nhưng anh chàng này phải ưu tiên chọn hình thể. Tuổi thơ tôi lúc đó tìm một cu cậu “có da có thịt” một tí phải nói là khó. Chính vì vậy mà giữa các nhóm múa lân, múa sư tử nhóm múa nào có ông địa bề thế coi như đã nắm chắc “tiếng lành đồn xa”, một phần không nhỏ của sự thành công...
Sau những đêm rồng rắn, phá cỗ trăng Rằm là phần bánh gạo tẻ gói bằng lá chuối hoặc lá dong theo hình nắp chùa, gọi là bánh nắp chùa; năm ba cây kẹo làm từ đường bánh thủ công bọc giấy màu cẩn thận được người lớn phân phát là phần thưởng và là bữa đại tiệc khó quên, khắc ghi trong tâm trí lũ trẻ chúng tôi cho đến tận mùa trăng Rằm tháng tám năm sau.
Tết Trung thu tuổi thơ của tôi thật nhiều niềm vui và cũng xen lẫn sự thất vọng, nuối tiếc như chiếc trống ếch công phu chuẩn bị cả tháng trước đó đã không theo được đến hết đêm vui vì những “tay dùi” nghiệp dư mải vui lỡ tay đánh thủng, hay chuyện đến giờ chót ông địa ưng ý được cả nhóm bình chọn đã bị ngã bò sứt đầu, u trán, cha mẹ không cho tham gia vai độc diễn ưỡn bụng, phẩy quạt mo làm phúc khi đoàn múa lân, múa sư tử đến từng nhà.
Thật ngẫu nhiên cái ông địa ngã bò thuở ấy của chúng tôi giờ đã đề huề vợ con, mặc dù đi cùng trời cuối đất bây giờ về quê lại mở hàng bán đồ chơi con trẻ. Và cũng như tôi bây giờ, mỗi khi nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ, tiếng trống ếch đêm Rằm Trung thu đã xa năm nào còn như vọng vang ngoài đình, cuối xóm.
Ngày nay, Tết Trung thu vẫn vẹn nguyên ý nghĩa ngày tết trẻ con, vẫn không khí náo nức, rộn ràng niềm vui khó tả của trẻ nhỏ, nhưng không phải khó nhọc tìm chiếc trống ếch như chúng tôi ngày trước. Bây giờ, mọi thứ được bày bán khắp nơi, đủ các kích cỡ...
Dễ hiểu bởi cuộc sống ngày một đổi thay. Nhưng cứ mỗi dịp tròn trăng tháng tám, đâu đó tiếng trống múa lân, múa sư tử rình rang lại gợi về trong tôi một mùa Trung thu xa lắc nơi làng quê nhỏ...
Tạp bút của VÕ VĂN TRƯỜNG