Trồng ngô thu... cùi!

Thứ bảy, 17/08/2013 12:48

(Cadn.com.vn) - Những cánh đồng ngô của người dân ở Kbang và Kong Chro (Gia Lai) lên xanh mướt ngỡ rằng sẽ có một vụ mùa bội thu, nhưng nông dân tá hỏa vì ngô không cho hạt mà toàn... cùi. Nông dân khẳng định 100% do giống, nhà sản xuất, cung cấp giống đổ lỗi cho nguyên nhân... khách quan. Sự việc vì vậy vẫn cứ lòng vòng mà chưa tìm ra câu trả lời vì đâu?

Ngô... không hạt!

Từ tháng 7, gần 100 hộ dân ở các xã Đông, xã Lơ Ku (H. Kbang) ruột gan như lửa đốt khi ruộng ngô của mình trổ bắp nhưng không kết hạt. Theo phản ánh của ông Trần Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND xã Đông thì vụ mùa năm nay nông dân trên địa bàn gieo trồng giống NK67, đại đa số ngô không có bắp, đến giai đoạn trổ cờ thì bị cháy lá, nghẹn cờ hoặc có trái nhưng chỉ có vài hạt. Đến thời điểm cuối tháng 7-2013, theo thống kê của UBND xã Đông thì có hơn 70ha của gần 100 hộ dân thuộc 9 thôn, làng trồng giống ngô lai NK67 đến thời kỳ ra trái bị nghẹn cờ, cháy lá, bị mất trắng và giảm năng suất. Trong đó thiệt hại dưới 70% là gần 38ha, thiệt hại trên 70% là 32ha (tổng thiệt hại gần 2 tỷ đồng). Bên ruộng ngô 2,2ha của mình, ông Trương Công Định (trú thôn 7, xã Đông) buồn lòng: Thấy chương trình khuyến nông quảng cáo nên vụ mùa này gia đình chọn giống NK67 để trồng. Thế nhưng, đến nay 80% số cây không có trái, có thì lác đác vài hạt. Hằng năm thu sản lượng 18-19 tấn, giờ chắc khoảng chưa được 4 tấn”.

Những bắp ngô giống NK67 không hạt.

Tin “dữ” về giống ngô... không hạt tiếp tục “lan” đến các xã Lơ Ku (H. Kbang) và Đăk Pơ Pho (H. Kong Chro) khi người dân kiểm tra đều cho kết quả: “cùi bắp”! Điều đáng nói là tất cả đều ở những ruộng ngô trồng giống NK67.

Lỗi tại ai?

“Với một xã có kinh nghiệm gần 20 năm trồng, phát triển cây ngô lai thì những người nông dân ở xã Đông đã gặp nhiều vụ mùa bị thiệt hại, có khi mất trắng nhưng chưa bao giờ đổ lỗi cho giống. Thế nhưng, lần này thì xảy ra chỉ riêng với giống ngô NK67, trong khi đó các giống khác được gieo trồng cùng lúc, cùng thời vụ, cùng một điều kiện đất đai, khí hậu và cách chăm sóc lại cho thu hoạch cao. Nên người dân xã có lý khi chỉ ra lỗi là do giống” - ông Thạch, Chủ tịch UBND xã Đông lập luận.

Qua phản ánh của người dân tại 2 huyện, giống ngô NK67 gieo trồng tại đây do Cty TNHH Syngenta Việt Nam (trụ sở số 16, đường 3A, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai) sản xuất và được phân phối bởi Cty CP bảo vệ thực vật An Giang. Tại các khu vực xảy ra tình trạng ngô... không hạt thì trên cùng một diện tích gieo trồng, cùng thời điểm và có chế độ chăm sóc tương đương nhau khi so sánh với các giống ngô khác như CP, NK7328, Bioseed... được trồng liền kề, xen kẽ với diện tích giống ngô lai NK67 thì các giống ngô này sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Sự việc đều được chính quyền địa phương, người nông dân tại 2 huyện Kbang, Kong Chro khẳng định lỗi cơ bản là do giống ngô NK67 có vấn đề.

Một nông dân tại xã Đăk Pơ Pho bên ruộng ngô thất bát vì giống NK67.

Trước tình hình trên, đại diện sản xuất cũng như nhà phân phối đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến Kbang, Kong Chro kiểm tra thực tế, đánh giá tình hình, nhưng việc chỉ ra nguyên nhân thì vẫn loay hoay “như gà mắc tóc”. Ngày 9-7, tại cuộc họp với UBND xã Đông, hàng loạt ý kiến của hộ dân trồng giống NK67 cũng như của chính quyền xã, huyện và các ngành có liên quan của tỉnh Gia Lai khẳng định lỗi là do giống. Tuy nhiên, đại diện phía Cty TNHH Syngenta Việt Nam không đồng ý với ý kiến này nhưng chấp thuận hỗ trợ 13,26 triệu đồng/ha/hộ có diện tích thiệt hại trên 70% và 6,63 triệu đồng/ha/hộ có diện tích thiệt hại từ 70% trở xuống.

Ngay sau đó, Syngenta Việt Nam có một động thái khác khi cử một đoàn cán bộ của mình cùng đại diện là Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Trung tâm Khảo nghiệm giống và sản xuất cây trồng vùng Nam Bộ phối hợp chính quyền địa phương đến xã Đông để kiểm tra, đánh giá lại tình hình.

Nhà khoa học Trần Quang Khuông vò trán trước câu hỏi “vì sao cho cùi bắp”!.

Oái oăm thay, tại “Biên bản kiểm tra đồng ruộng” được lập ngày 13-7 thì không có chữ ký của chính quyền, các ngành địa phương vì “không thống nhất ý kiến với phía Cty”. Ngày 18-7, bà Phạm Thị Hồng Nguyệt - quyền Tổng Giám đốc Cty TNHH Syngenta Việt Nam đã có công văn gửi UBND H. Kbang, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho rằng: “Không phải do giống mà do bệnh hoặc ngộ độc trong đất”.

Nông dân vẫn “mù tịt”!

Sự việc vẫn chưa đi đến thống nhất với tình trạng giống ngô NK67 tại xã Đông thì ngày 6-8, đại diện Syngenta Việt Nam và các nhà khoa học đến xã Đăk Pơ Pho kiểm tra tình hình. Nhà sản xuất, phân phối đều cam đoan 100% là không phải do giống. “Nếu nó bị thì bị hết rồi, tới gần 3.000 tấn giống trong thời gian qua chúng tôi cung ứng ra thị trường nếu bị thì sẽ bị hết chứ đâu phải chỗ được, chỗ không” - ông Bùi Ngọc Sơn - Giám đốc kinh doanh và Marketing Cty CP bảo vệ thực vật An Giang cho biết. Vậy là nhà khoa học Trần Quang Khuông phải “toát mồ hôi hột” trả lời những câu hỏi của nông dân. Song, khi ông Khuông đang giải thích thì ông Sơn “cướp” lời: “Chuyện sản xuất như thế nào anh không biết đâu, mà báo chí của mình cũng không nên hỏi cái đó làm gì!”. Ngớ người một lúc, ông Khuông bảo: “Không! Cái này là mình phải nói sự thật! Tôi phải nói!”.

Vậy nên vì sao ngô chỉ cho thu... cùi đến giờ vẫn đang “lộn xộn ngô khoai”, chỉ tội cho nông dân gánh nợ vì đã tin tưởng vào NK67.

Minh Tân