Trung Quốc điều máy bay chiến đấu đến khu vực giàn khoan

Thứ hai, 14/07/2014 12:53

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-7, thông tin từ đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Trong ngày, Trung Quốc đã điều một máy bay chiến đấu đến khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981. Cụ thể: Máy bay chiến đấu của Trung Quốc từ hướng Đông Bắc đến, độ cao 1.500- 2.000 mét, bay 3 vòng trên khu vực tàu Việt Nam hoạt động, sau đó bay ra khỏi khu vực theo hướng Đông.

Cũng theo Cục Kiểm ngư, phía Trung Quốc cũng điều một máy bay cánh bằng đến khu vực giàn khoan. Từ 9 giờ đến 9 giờ 5 phút, máy bay này bay vào khu vực tàu Việt Nam hoạt động từ hướng Tây Bắc, độ cao khoảng 1.500 – 2.000 mét, sau đó bay ra theo hướng Đông Nam. Từ 12 giờ 30 phút đến 12 giờ 40 phút, bay từ hướng Bắc Đông Bắc đến, độ cao khoảng 500- 600 mét, bay hai vòng trên khu vực tàu Việt Nam hoạt động , sau đó bay ra khỏi khu vực theo hướng Bắc Tây Bắc. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 110 - 115 tàu các loại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981; trong đó có 43 - 44 tàu Hải cảnh, 15 - 16 tàu vận tải, 16 -17 tàu kéo, 31- 33 tàu cá các loại và 5 tàu quân sự.

Tại hiện trường thực địa, các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam vẫn thực hiện các đợt cơ động tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 10 -11 hải lý để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, khi các tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền thì các tàu của Trung Quốc đã tăng tốc độ áp sát, ngăn cản, không cho các tàu Kiểm ngư của Việt Nam tiến vào gần giàn khoan. Trước tình hình đó, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển đã chủ động, điều khiển tàu vòng tránh, kiên trì bám trụ, đảm bảo an toàn cho lực lượng.

Các tàu cá của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt thủy sản ở phía Tây - Tây Nam, cách giàn khoan 42-48 hải lý. Trên khu vực tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản, toàn bộ tàu cá của Trung Quốc dưới sự bảo vệ của 2 tàu Hải cảnh và 2 tàu dịch vụ hậu cần của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, ép hướng, không cho các tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan. Mặc dù, gặp nhiều sự ngăn cản từ phía Trung Quốc nhưng dưới sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, các tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn bám sát ngư trường đánh bắt hải sản và đảm bảo an toàn.

B.T

Ngày 12-7 tại Hague, thủ phủ hành chính của Hà Lan, đông đảo sinh viên, lưu học sinh và cộng đồng người Việt đã tổ chức biểu tình tuần hành phản đối Trung Quốc. Đây là lần thứ hai, cộng đồng người Việt tại Hà Lan tổ chức hoạt động này kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981  tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong cuộc tuần hành kéo dài từ 13 giờ đến 15 giờ 30 phút (giờ địa phương), đoàn diễu hành với cờ đỏ sao vàng, băngrôn, biểu ngữ phản đối Trung Quốc bằng ba thứ tiếng Anh, Việt, Hà Lan, đã diễu hành từ nhà ga trung tâm thành phố Hague qua nhiều tuyến phố và các địa điểm nổi tiếng quốc tế như Tòa nhà Quốc hội, trụ sở các cơ quan chính quyền Hà Lan, Trụ sở Tòa án Quốc tế, trụ sở Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), trụ sở Tòa án Trọng tài La Haye, trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan...

Đoàn tuần hành đã hô vang khẩu hiệu phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS 1982), nhanh chóng rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam… Đoàn cũng đã phát hơn 500 tờ rơi lên án các hành vi vi phạm của Trung Quốc, khẳng định Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế tham gia cuộc tuần hành cũng đã ký vào Thỉnh nguyện thư phản đối Trung Quốc, gửi tới nhà cầm quyền nước này thông qua Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan.

TTXVN