Trung Quốc lại “dậy sóng” biển Đông

Thứ hai, 29/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong một động thái sẽ làm gia tăng căng thẳng biển Đông, Trung Quốc hôm 26-10 tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng tại cái gọi là “Thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý bao trùm toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; bãi đá ngầm Scarborough của Philippines.

Dự án tham vọng của Bắc Kinh là xây dựng 7 hệ thống đường sá với tổng chiều dài 5km, mạng lưới giao thông liên đảo, hậu cần và xử lý chất thải, thủy sản, du lịch và dầu khí.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thông báo về kế hoạch gây quan ngại này. Vào cuối tháng 9, Tân Hoa Xã - Cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đưa tin tương tự. Họ thậm chí còn vô lý khi công bố việc thiết lập quân đội đồn trú tại Tam Sa xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, động thái mà cộng đồng quốc tế cáo buộc đe dọa đến an ninh tuyến thương mại quan trọng ở biển Đông.

Trong gần hai thập kỷ qua, Philippines thực sự quan ngại khi Trung Quốc củng cố yêu sách của mình ở biển Đông. Năm 1995, chỉ 3 năm sau khi Mỹ đóng cửa các căn cứ ở Philippines, Trung Quốc nắm quyền kiểm soát của rặng đá ngầm Mischief từ các lực lượng của Manila. Kể từ cuộc đối đầu vũ trang đó, Trung Quốc đưa ra cách tiếp cận tinh vi hơn để củng cố tuyên bố của mình, kết hợp cả phương thức ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” theo kiểu ngoại giao đa phương và đánh “bài ngửa” về yêu cầu chỉ đàm phán song phương với các nước tranh chấp.

 Philippines và Mỹ hồi tháng 7 vừa có cuộc tập trận để ứng phó với tình huống ở biển Đông.
Ảnh: Reuters

Từ năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), trong đó kêu gọi các giải pháp hòa bình và ngoại giao cho những tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, thỏa thuận này không nghiêm cấm việc xây dựng cơ sở quân sự trong khu vực, động thái mà Trung Quốc liên tục thúc đẩy trong thời gian qua.

Có thể thấy rằng, việc liên tiếp xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc là nhằm củng cố yêu sách của họ ở cấp quốc tế. Theo một số chuyên gia pháp lý, giả định khi vấn đề chủ quyền lãnh thổ lên bàn trọng tài quốc tế như Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), việc xây dựng và chiếm đóng của Bắc Kinh sẽ phát huy hiệu quả hơn là “yêu cầu lịch sử”. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn từ chối “trọng tài quốc tế” trong tranh chấp chủ quyền biển Đông trên cơ sở tuyên bố thật vô lý  rằng, đó là khu vực “cố hữu” và “không thể tranh cãi” của Bắc Kinh(!?).

Vì vậy, người ta đang chờ đợi Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) sẽ sớm được ký kết. Sau khi Indonesia hoàn thành dự thảo đầu tiên của COC và chuyển đến các thành viên trong khối, nhiều quốc gia ASEAN tỏ ra hy vọng là toàn khối có thể nhanh chóng khởi sự đàm phán với Trung Quốc để văn kiện này sớm được ký kết, có thể là ngay vào tháng 11 tới đây, khi lãnh đạo ASEAN họp Hội nghị Thượng đỉnh. Tuy nhiên, mọi việc có vẻ không được suôn sẻ khi ngày 28-10, trả lời phỏng vấn kênh ABC của Australia, Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết, khó có hy vọng ký kết COC sớm. Tổng thư ký ASEAN cũng cho biết, ông không thể đưa ra dự kiến về ngày ký kết hiệp ước ràng buộc, cho phép quản lý và tránh không cho xung đột bùng lên tại biển Đông này.

Không những quyết liệt ở biển Đông, Trung Quốc cũng liên tục dòm ngó ở biển Hoa Đông khi tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà lâu nay Nhật Bản vẫn cai quản.  Ngày 28-10, 4 tàu Hải giám Trung Quốc lại kéo ra biển Hoa Đông tiến gần đến quần đảo tranh chấp này.

Khả Anh