Trung Quốc lộ rõ âm mưu lập Vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông

Chủ nhật, 08/06/2014 23:47

(Cadn.com.vn) - Ngay từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, bước tiếp theo của nước này chính là thực hiện âm mưu lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Giờ đây, âm mưu của Trung Quốc ngày càng lộ rõ. 

Tàu Trung Quốc dàn hàng bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép
trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: CSB

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một học giả và một chuyên gia hải quân Trung Quốc vừa cho biết Trung Quốc đang tìm cách mở rộng cơ sở lớn nhất của họ ở quần đảo Spartly (quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bắc Kinh gọi là Nam Sa) thành một đảo nhân tạo có hình dáng đầy đủ và trọn vẹn, bao gồm cả đường băng và cảng biển, nhằm triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự của họ ở Biển Đông.

Các chuyên gia phân tích nhận định rằng hoạt động mở rộng đã được lên kế hoạch ở đảo đá ngầm Fiery Cross tranh chấp (được biết đến với tên gọi Vĩnh Thử Tiêu ở Trung Quốc, Kagitingan ở Philippines, Việt Nam gọi là Đá Chữ Thập). Nếu được phê chuẩn, đây sẽ là một dấu hiệu rõ ràng hơn nữa về sự thay đổi chiến thuật của Trung Quốc trong việc giải quyết những tranh chấp chủ quyền kéo dài, từ thế phòng thủ chuyển sang thế tấn công.

ADIZ là gì?

ADIZ là vùng bầu trời do một quốc gia tự ấn định ra và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng, minh định vị trí, và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Vùng nhận dạng phòng không không đồng nghĩa với không phận nhưng được coi như khu vực song hành với an ninh quốc phòng.
Các máy bay bay ngang vùng nhận dạng của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung, chẳng hạn như các máy bay khi vào ADIZ đều phải nộp trước lộ trình bay; thiết lập liên lạc hai chiều đối đáp trong thời gian sớm nhất và chính xác nhất với nước quản lý ADIZ; thông báo vị trí, lắp thiết bị nhận dạng radar thứ cấp, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định, và khi bay qua các điểm báo cáo, bắt buộc đều phải báo cáo với cơ quan đang quản lý ADIZ. Nếu máy bay nào không tuân thủ các yêu cầu của quốc gia đặt ra vùng nhận dạng thì có thể chịu sự can thiệp của máy bay quân sự của nước lập ra ADIZ yêu cầu nhận dạng và buộc phải rời khỏi khu vực này ngay lập tức và chịu những biện pháp phạt khác. 

(Wikipedia)

Theo các chuyên gia, hành động đó được xem là một bước đi tiến tới việc tuyên bố thành lập một ADIZ. Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng việc lấn biển tại đảo san hô vòng Đá Chữ Thập – nơi Trung Quốc, Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền – sẽ càng làm căng thẳng hơn nữa các mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.

Giáo sư Kim Xán Vinh, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết đề xuất xây dựng một đảo nhân tạo ở khu vực đó đã được trình lên chính quyền trung ương Trung Quốc. Theo Giáo sư Kim Xán Vinh, đảo nhân tạo này ít nhất cũng sẽ có kích cỡ gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia, một đảo san hô vòng xa xôi có diện tích 44 km vuông nằm ở giữa Ấn Độ Dương. Đảo ngầm Đá Chữ Thập hiện có một số cơ sở do Trung Quốc xây dựng, bao gồm một trạm quan sát được ủy thác bởi Ủy ban Hải dương học Liên Chính phủ của UNESCO.

Trong khi đó Lý Kiệt, một chuyên gia hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, cho rằng hòn đảo mở rộng này sẽ bao gồm cả đường băng và cảng biển. Theo chuyên gia này, sau khi được mở rộng, hòn đảo này sẽ tiếp tục là nơi đặt trạm quan sát nói trên và là nơi cung cấp tiếp tế và hỗ trợ quân sự của quân đội Trung Quốc. Một Đại tá về hưu giấu tên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng cho rằng việc xây dựng một đường băng ở Đá Chữ Thập sẽ cho phép Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn cho việc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông.

Thu Thủy
(tổng hợp)