Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ TP Đà Nẵng: Địa chỉ tin cậy của phụ nữ thành phố biển
(Cadn.com.vn) - Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ TP Đà Nẵng (Trung tâm) trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 20-10-1989. 25 năm qua, Trung tâm đã làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho cộng đồng xã hội, đặc biệt là hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp (DN) TP về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, góp phần ổn định an sinh xã hội, giúp đỡ, cải thiện đời sống cho nhiều gia đình hội viên.
Những năm đầu thành lập, Trung tâm gặp không ít khó khăn thử thách, từ đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm, trang thiết bị lạc hậu phải thuê mướn của tư nhân đến kinh phí hoạt động chủ yếu dựa vào cơ quan Hội LHPN TP. Trước thực trạng ấy, Trung tâm đã chủ động liên lạc với DN, phối hợp cung ứng nguồn nhân lực cũng như bắt đầu dạy nghề... để vừa có kinh phí để duy trì, ổn định Trung tâm vừa có nguồn để phát triển thêm các nghề mới.
Đến nay, Trung tâm đã có đội ngũ cán bộ, nhân viên và giáo viên khá đông đủ để tư vấn và giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng cho hơn 300 DN trên địa bàn với 10 ngành nghề chủ yếu và phù hợp cho lao động nữ như: kỹ thuật chế biến món ăn, may công nghiệp, may dân dụng, pha chế cocktail, trang điểm, trang trí bánh kem, cắm hoa, kỹ thuật cắt, tỉa và điêu khắc trên củ quả, dịch vụ chăm sóc gia đình, kỹ thuật nấu ăn mầm non...
Phụ nữ đến tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ TP Đà Nẵng. |
Ngoài hình thức tư vấn cá nhân tại văn phòng, Trung tâm tham gia tư vấn trực tiếp tại các lớp học, các hoạt động lớn do cơ quan hội phụ nữ tổ chức hàng năm như: lễ hội “Sống xanh”, ngày hội “Phụ nữ sáng tạo"... và các phiên chợ việc làm do Sở LĐ-TB & XH tổ chức, trong đó đáng chú ý là 6 hội chợ hoạt động dạy nghề và việc làm cấp thành phố, 12 phiên chợ việc làm cấp quận huyện và hàng chục phiên chợ việc làm tại Trung tâm. Trong 25 năm qua, Trung tâm đã tư vấn học nghề và tạo việc làm cho 69.156 người; 13.988 người được giới thiệu việc làm và đã có 7.877 người có việc làm.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn mở các lớp bồi dưỡng nấu ăn gia đình, cắm hoa Á Đông, cắm hoa phương Tây, hoa cưới, bánh các loại, pha chế biểu diễn... Từ năm 2000 đến nay, Trung tâm chiêu sinh dạy nghề miễn phí cho các đối tượng lao động chính sách, phụ nữ nghèo, lao động nông thôn, di dời giải tỏa mất đất sản xuất... với tổng số 2.566 chị em (chiếm 9,3 % tổng số học viên được đào tạo tại Trung tâm). Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề cho 66 trẻ khuyết tật, trong đó có 15 em của Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu học nghề xoa bóp (massage), 15 em học nghề may công nghiệp, 6 em học nghề may dân dụng, 10 em học nghề kỹ thuật kết hoa voan và 20 em học nghề pha chế thức uống.
Từ những kết quả trên Trung tâm được UBND TP Đà Nẵng khen ngợi và đánh giá cao về những hoạt động đào tạo và tư vấn việc làm cho người lao động có hiệu quả qua các năm 2004, 2005, 2006, 2007, 2009, 2011, 2012, 2013. Năm 2007 Trung tâm đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích dạy nghề và giới thiệu việc làm từ năm 2003 đến 2007. Thành phố đang có dự án đầu tư cho xây mới một phần tòa nhà của Trung tâm với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng và đưa vào hoạt động vào tháng 9 này. |
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Phó chủ tịch Hội LHPN TP kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ TP Đà Nẵng chia sẻ đầy trăn trở: “Hiện tại, hàng năm Trung tâm thường xuyên tuyên truyền tại 7 điểm cộng đồng về học nghề - việc làm ở các quận/huyện thành phố; tư vấn nghề - việc làm và giới thiệu việc làm: 5.500 lượt lao động nữ; cung ứng và giới thiệu việc làm: 2.200 lao động nữ; số người có việc làm: 120 lao động nữ. Hằng năm đào tạo nghề xã hội 700 người, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp: 300 người và bồi dưỡng: 400 người và đào tạo nghề miễn phí 200 người.
Tuy nhiên, Trung tâm vẫn còn những khó khăn và thách thức như sự kết nối với DN để tạo sự liên kết đồng bộ giữa Học viên – Trung tâm – Doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định; công tác nắm bắt thông tin, thị hiếu, nhu cầu việc làm – học nghề của lao động nữ cũng chưa kịp thời; trang thiết bị và một số ngành nghề dạy-học cũng chưa đáp ứng với nhu cầu xã hội hiện nay; số lượng giáo viên cho một số bộ môn vẫn còn thiếu,... Tuy nhiên, bà Lê Thị Mỹ Hạnh cũng tin tưởng rằng, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo và giáo viên Trung tâm sẽ cùng nhau sát cánh, mang hết năng lực và tâm huyết, tiếp tục kế thừa những thành tựu trong thời gian tới sẽ khắc phục khó khăn và thách thức hiện nay để đưa Trung tâm tiếp tục phát triển hơn nữa trong chặng đường sắp tới.
Lê Anh Tuấn