Trung tâm Hành chính thành phố đi vào hoạt động: Góp phần chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của cán bộ công chức
(Cadn.com.vn) - Trung tâm Hành chính TP (TTHC) đi vào hoạt động đầu tháng 7 tới. Liệu khi các sở, ngành dọn về “ở chung” CBCC sẽ ít có cơ hội “trốn” việc công để giải quyết việc tư? Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng về vấn đề này.
Ông Chế Viết Sơn |
P.V: Có thông tin cho rằng, khi vào TTHC làm việc có sự giám sát chặt chẽ giờ giấc, đi lại. Một số CBCC có “chân trong, chân ngoài” bị gò bó về thời gian, không thể giải quyết được việc riêng. Do đó, sẽ có tình trạng CBCC nghỉ việc. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Ông Chế Viết Sơn: Theo Đề án hiện đại hóa thẻ công chức do Sở Nội vụ tham mưu, Sở Nội vụ cũng là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện trong thời gian đến. Thẻ công chức đồng thời là thẻ ra vào tòa nhà TTHC. Mỗi khi CBCC ra vào tòa nhà đều phải sử dụng thẻ cảm ứng có quét ảnh nhận dạng và thông tin cá nhân để kiểm soát họ tên, chức danh, đơn vị công tác, thời gian ra, vào tòa nhà. Bên cạnh đó, tất cả lãnh đạo và nhân viên các phòng chuyên môn đều cùng làm việc chung tại mỗi tầng của tòa nhà thông suốt, không có vách ngăn như trước đây; máy tính kết nối theo dây chuyền, nên việc kiểm tra, kiểm soát trạng thái và thời gian làm việc của cán bộ công chức là khá chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có thể có tình trạng CBCC vừa “chân trong, chân ngoài” làm ảnh hưởng đến thời gian, kết quả, chất lượng và hiệu quả công việc chung của Nhà nước. Khi vào làm việc tại TTHC thì có ba rào cản mà CBCC nào cũng phải nỗ lực vượt qua, đó là nhận thức, thói quen và lợi ích...
P.V: Vậy theo ông CBCC khi vào TTHC hạn chế được tình trạng “ăn gian” thời gian của Nhà nước hay nói cách khác là tình trạng “trốn” việc để giải quyết việc riêng sẽ hạn chế được và CBCC sẽ làm việc hiệu quả hơn?
Ông Chế Viết Sơn: Tình trạng “ăn gian” giờ công của CBCC là vẫn thường xảy ra và diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau như: giải quyết việc riêng, la cà hàng quán, đi muộn về sớm... Tuy nhiên, khi vào TTHC từng cá nhân sẽ bị ràng buộc chặt chẽ hơn bởi các hệ thống kiểm soát chung của tòa nhà, sự giám sát lẫn nhau của từng cơ quan, đơn vị, sự giám sát và kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, sự giám sát lẫn nhau giữa các nhân viên... Như vậy kết hợp việc giám sát, kiểm tra thông qua con người, thông qua các thiết bị CNTT, đồng thời với việc đánh giá công chức theo kết quả công việc hàng tháng được hỗ trợ bằng công cụ ứng dụng tiện ích đó là phần mềm đánh giá CBCC... sẽ rất thuận lợi, có hiệu lực và hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây. Nhưng tôi cho rằng, yếu tố quyết định vẫn là tinh thần trách nhiệm và ý thức tự giác của mỗi cá nhân trong quá trình thực thi công vụ.
Tóm lại, có thể khẳng định khi toàn bộ sở, ban, ngành về hoạt động chung tại TTHC ngoài việc TP sẽ tiết kiệm được đất đai, tiết kiệm được thời gian, chi phí của tổ chức và công dân, thì vấn đề quan trọng là CBCC sẽ có điều kiện tốt hơn để chấn chỉnh giờ giấc làm việc điều chỉnh phong cách, thái độ và lề lối làm việc. Qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, nâng cao được mức độ hài lòng của người dân và của doanh nghiệp góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP Đà Nẵng.
P.V: Vừa qua, UBND TP có giao cho Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các sở, ngành để nghiên cứu cơ chế hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo mô hình “một cửa điện tử tập trung” tại tòa nhà TTHC. Vậy sắp đến cơ chế một cửa điện tử tại Tòa nhà TTHC TP sẽ hoạt động như thế nào?
Ông Chế Viết Sơn: Tòa nhà TTHC TP Đà Nẵng được thiết kế xây dựng theo tiêu chí tòa nhà thông minh, là sản phẩm hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình cải cách hành chính của TP. Xây dựng mô hình một cửa điện tử tập trung tại TTHC nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, góp phần hiện đại hóa nền hành chính; các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông được trang bị mới, đầy đủ, đồng bộ; có hệ thống phần mềm một cửa điện tử hỗ trợ phù hợp với mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động trong quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ thủ tục khi các cơ quan, đơn vị vào làm việc tập trung tại TTHC. Dự kiến, đầu tháng 7-2014 sẽ có 7 cơ quan, đơn vị chuyển về hoạt động trước bao gồm Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Quản lý Khu công nghệ cao, Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực chất lượng cao và một bộ phận thuộc Văn phòng UBND TP. Vì vậy, trước mắt chưa thể áp dụng đồng bộ mà Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan, đơn vị nêu trên tạm thời hoạt động độc lập như lâu nay tại tầng trệt của tòa nhà. Sau một thời gian các sở, ban, ngành đã chuyển về hết TTHC mô hình một cửa điện tử tập trung tại TTHC sẽ chính thức hoạt động theo nguyên tắc “tập trung một đầu mối”, “liên thông - liên kết” và “trọn gói”: mở rộng phạm vi thực hiện cơ chế một cửa liên thông và triển khai các phương án liên kết giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, công dân và doanh nghiệp; Về lâu dài, hình thành Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chuyên nghiệp, độc lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Xuân Đương (thực hiện)