Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng: Biểu tượng về cải cách hành chính
(Cadn.com.vn) - Là người tiên phong chắp bút cho nền hành chính một cửa liên thông của TP Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Trung tâm hành chính (TTHC) được xây dựng với mục đích là nơi làm việc tập trung của UBND TP và các cơ quan chuyên môn, hiện đại hóa quy trình quản lý hành chính...
ĐỘT PHÁ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Ông Đặng Công Ngữ cho rằng, tòa nhà TTHC được đưa vào vận hành sẽ hiện đại hóa công tác quản lý công chức, hiện đại hóa nền công vụ. Một môi trường làm việc hiện đại, năng động sẽ là tiền đề vững chắc để tạo ra một nền công vụ mới, năng động, tiên tiến, văn minh, lịch sự và hiện đại.
Ngoài ra, khi toàn bộ cán bộ công chức TP làm việc tập trung tại một cao ốc cũng sẽ góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính thông qua ứng dụng các thiết bị, công nghệ chuyên nghiệp của công tác quản trị và quản lý, góp phần đẩy lùi, xóa bỏ những tập quán, thói quen thiếu chuyên nghiệp.
Việc UBND và các cơ quan chuyên môn tập trung làm việc tại một tòa nhà là điều kiện tốt nhất để Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh, giữ vững ngọn cờ đầu về công tác cải cách hành chính trên cả nước, tiếp tục giữ thứ hạng đầu của các chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Sẵn sàng trong ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và trong tương lai áp dụng mô hình chính quyền đô thị.
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT Cty Xây dựng 55 (đơn vị thi công nhiều hạng mục tòa nhà) cho biết, tòa nhà TTHC ngoài những tiện ích về công năng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với một nền hành chính thân thiện và hiệu quả, thì nơi đây còn xứng tầm là điểm nhấn kiến trúc của TP gây ấn tượng cho du khách cũng như bạn bè bốn phương về một Đà Nẵng hiện đại, năng động, là minh chứng cho sự phát triển năng động, vượt bậc của TP trong suốt những năm qua.
TTHC thành phố là công trình 37 tầng cao 166,8m, 35 tầng nổi, 2 tầng hầm, khối đế 4 tầng, khối tháp hình trụ tròn thu nhỏ dần ở đáy và đỉnh. Tổng diện tích sàn toàn bộ tòa nhà là 65.234m2. |
TÒA NHÀ THÔNG MINH
Hệ thống quản trị tòa nhà xây dựng dựa trên mô hình của các văn phòng hiện đại, bao gồm quản trị hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống điều hòa – chiếu sáng –PCCC- thang máy được kiểm soát vận hành tại phòng kỹ thuật chính của tòa nhà; hệ thống quản trị tích hợp thẻ cảm ứng để kiểm tra, giám sát việc ra, vào tòa nhà.
Bộ não quản lý tòa nhà là hệ thống tích hợp quản lý tòa nhà (IBMS) của hãng Siemens (Đức) cung cấp bao gồm hệ thống cơ, hệ thống điện - năng lượng, hệ thống an ninh, hệ thống thông tin liên lạc và hệ thống quản lý chung cho phép người quản lý điều khiển, phối hợp hoạt động và giám sát từ trung tâm toàn bộ các hệ thống của tòa nhà nhằm bảo đảm quá trình vận hành của các hệ thống này một cách tối ưu, chính xác và hiệu quả.
Bên cạnh đó, một hệ thống quản trị công việc, văn bản và điều hành cũng sẽ được triển khai và đưa vào hoạt động, cho phép các cơ quan hành chính có thể trao đổi văn bản điện tử trực tiếp thông qua chữ ký số, chứng thư số, hỗ trợ lãnh đạo UBND TP trong việc giám sát tình hình xử lý các công việc quan trọng được giao tại các sở, ban, ngành…
Điểm đặc biệt là "lớp vỏ" tòa nhà được bao phủ bởi hơn 20.400m2 kính chống hấp thu năng lượng, tận dụng ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng. 13 thang máy thông minh (Cty Schindler của Đức sản xuất) từ tầng hầm lên tầng thượng. Sự độc đáo của hệ thống thang máy tại tòa nhà là khi có sự cố, các thang máy đồng loạt trả khách đến vị trí thoát nạn an toàn. Tất cả các ca-bin chở khách của thang máy đều gắn camera giúp quản lý lưu lượng người và giám sát an ninh tòa nhà.
Điểm khác biệt nữa là toàn bộ thiết bị sử dụng trong tòa nhà đều là thiết bị thông minh nhất hiện nay, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và được sản xuất sau năm 2010. Ông Nguyễn Hữu Hinh, Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án xây dựng Đà Nẵng (đơn vị điều hành dự án) cho biết, toàn bộ hoạt động của tòa nhà sẽ được điều khiển và quản lý bằng hệ thống điều khiển trung tâm.
Mọi tương tác của cơ quan công quyền và người dân đều được quản lý và vận hành bởi phần mềm thông minh. Một điều thú vị nữa ở công trình này là có thể nâng cấp hệ thống thiết bị điều khiển như nâng cấp máy tính. Chỉ cần “rút” thiết bị lỗi thời ra thay vào bằng thiết bị tiên tiến hơn mà không phải đụng đến hệ kết cấu công trình.
Có thể nói, TTHC đi vào hoạt động, là biểu tượng mới về công cuộc cải cách hành chính. Nơi đây sẽ thực hiện hiệu quả nền hành chính công thân thiện và toàn tâm toàn ý, tận tụy phục vụ nhân dân, đủ năng lực để đáp ứng các đòi hỏi của thực tiễn, thỏa mãn các yêu cầu hành chính của nhân dân, doanh nghiệp.
Xuân Đương