Trùng tu tháp Mỹ Sơn: Còn nhiều thách thức

Thứ ba, 21/11/2017 10:27

Dự án trùng tu, tôn tạo các nhóm tháp K, H, A tại khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) thời điểm này đã hoàn thành giai đoạn 1. Ngoài kết quả khả quan cùng những tín hiệu tích cực đạt được khi đã góp phần "đánh thức" những miền di sản Chăm, vẫn còn đó những nỗi lo vì nhiều nhóm tháp có nguy cơ đổ bất cứ lúc nào, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Thánh địa Mỹ Sơn thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tín hiệu tích cực

Dự án trùng tu, tôn tạo các  nhóm tháp xuống cấp tại Mỹ Sơn được Ấn Độ hỗ trợ kéo dài trong vòng 5 năm bắt đầu từ năm 2016. Trong quá trình thực hiện, Ấn Độ cử 5 chuyên gia là kiến trúc sư, kỹ sư; nhà khảo cổ học, nhà bảo tàng học, họa sĩ kỹ thuật và nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm tiến hành khảo sát, thực hiện. Đến nay, giai đoạn 1 đã hoàn thành với nhiều ý kiến đánh giá tốt khi các nhóm tháp đã dần lấy lại hình dáng vốn có ban đầu. Về phương hướng trùng tu, mới đây nhất, trong buổi tọa đàm về "Di sản văn minh chung Việt Nam - Ấn Độ" tổ chức tại Đà Nẵng với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn Chăm, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: "Việc triển khai trùng tu nhằm bảo tồn các đền tháp tại Mỹ Sơn là cần thiết bởi thực trạng nhiều khu tháp đã bị tàn phá cùng thời gian. Trong đó, điều đáng lưu ý nhất là làm sao giữ vững các giá trị văn hóa, lịch sử vốn có đồng thời nâng tầm, phát huy hiệu quả thu hút đầu tư du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế".

Thực tế, khi các chuyên gia Ấn Độ tiếp xúc với nhóm tháp K và H thì hai nhóm tháp này đã xuống cấp nặng. Cụ thể, tại nhóm tháp K (thế kỷ XII) chỉ còn hai mảng tường phía Bắc và Nam cao khoảng 4m, chân tháp bị sụt lún, ngã đổ, tường rạn nứt, lõi tường bong tróc toàn bộ; trong khi nhóm tháp H (thế kỷ XIII) trước đây gồm 4 tháp nhưng cũng bị đổ sập, chỉ còn duy nhất mảng tường tháp H1 cao khoảng 7m. "Nhiều khu tháp qua thời gian đã hư hại nặng, thậm chí nhiều vết tích văn hóa mang giá trị lịch sử bị vùi lấp. Thực trạng đó là điều dễ hiểu khi các khu đền tháp đều được dựng bằng gạch thời gian sẽ bị phân hủy, sụt lún chân tháp", ông Phan Hộ, Giám đốc Ban quản lý di sản (BQLDS) Mỹ Sơn cho biết. Cũng theo ông Hộ, trong thời gian 3 tháng triển khai giai đoạn 1 của dự án, tổng diện tích phát lộ, khai quật tại hai khu tháp hơn 1.000m2, phát hiện thêm 170 hiện vật có giá trị. "Tất cả các tháp đều được phục dựng, bảo tồn dựa theo yếu tố gốc. Trong đó, chất vữa sử dụng lớp bề mặt là keo dầu rái và bột gạch; lớp dưới, lõi tường dùng vôi, cát và bột gạch. Ngoài ra, các tháp đều sử dụng gạch mới thay thế gạch cũ đã hư hại phù hợp với từng vị trí. Những mảng tường bị nghiêng chưa khắc phục được đã tiến hành chống đỡ, tạo các khe thoát nước, sắp xếp trưng bày các hiện vật là thành phần kiến trúc tạo lối đi phục vụ du khách tham quan", ông Hộ giải thích.

Theo ông Nguyễn Công Khiết, Phó Giám đốc BQLDS Mỹ Sơn, quá trình trùng tu cũng là một lợi thế thu hút khách du lịch khi thông qua đây, nhiều du khách có cơ hội tìm hiểu, khám phá thêm nhiều điều thú vị về nguyên tắc cũng như phương pháp tạo nên các khối đá, nhóm tháp mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm. "Quá trình khai quật còn phát hiện tháp K có hai cửa với những bậc cấp bằng gạch một xoay về hướng đông, một xoay về hướng tây, điều mà trước giờ chưa phát hiện. Với nhóm tháp H trên ngọn đồi cao, các chuyên gia khai quật hơn 700m2, chiều sâu từ 60-80cm trong quá trình thực hiện cũng nhận thấy được thành phần kiến trúc, trang trí độc đáo mà nhiều du khách rất quan tâm, hào hứng", ông Khiết nói.

Ngoài các tháp đã được trùng tu, đưa vào phục vụ tham quan...

Vẫn còn nhiều tháp có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Còn nhiều nỗi lo

Theo BQLDS Mỹ Sơn, nỗi lo lớn nhất đối với các nhóm tháp bây giờ là nguy cơ sụt lún, đổ vỡ. Nhiều nhóm tháp trong quá trình chờ trùng tu giai đoạn 2 đang được chống đỡ bằng nhiều cách để tránh hệ quả xấu nhất xảy ra. Hiện nay, sự nghiên lún và phân rã của hai tháp B3, và B1 đang rất nghiêm trọng. Riêng với tháp B3 đã nghiêng đến 8 độ về phía nam. Ngoài ra, các vết nứt tường cũng xuất hiện nhiều hơn trong lòng kiến trúc, có những vết nứt kéo dài từ 8 -12 cm. Theo các chuyên gia nghiên cứu về di tích, trường hợp nếu các đền tháp đổ sập thì việc trùng tu là rất khó bởi để thực hiện xây thành các khối đá, tạo nên tháp là dễ nhưng làm sao phải tôn trọng giá trị kiến trúc, từng viên gạch phải được đặt đúng vị trí, chi tiết toát lên đặc trưng của một nền văn hóa Chăm là không dễ dàng. Nhận định về vấn đề đó, ông Tịnh cũng cho rằng, những khu tháp như B3 và F1 nếu được giữ nguyên hiện trạng, tiến hành trùng tu cũng là một thách thức không nhỏ cho các chuyên gia vì muốn thực hiện phải hạ giải xuống hết.

Về nguyên nhân các tháp sụt lún, ngoài yếu tố tàn phá qua thời gian, các chuyên gia cũng cho rằng do dòng Khe Thẻ chảy trong khu di tích dẫn đến hiện tượng ngấm nước khiến nhiều chân tháp sụt lún sâu. "Giải pháp trước mắt cũng chỉ là ngã đến đâu, đỡ đến đấy vì không có biện pháp nào phù hợp hơn. Những khu tháp B, C, D đều đã được chèn chống cẩn thận tránh sập, tuy nhiên đó cũng là tạm thời. Hiện, chúng tôi cũng đã có báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh, Bộ VH-TT&DL và các đơn vị liên quan sớm có biện pháp hữu hiệu nhất đối với nỗi lo hiện hữu này. Dự kiến, tháng 1-2018, các chuyên gia Ấn Độ sẽ quay trở lại tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án theo lộ trình 3-4 tháng/năm kéo dài đến năm 2021", ông Hộ trao đổi.

 

PHI NÔNG

Khu di tích đền tháp Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm chính của Ấn Độ giáo tại khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Rất nhiều công trình tại đây đã được trùng tu, phục dựng thông qua sự trợ giúp của nhiều đơn vị quốc tế khác nhau kể đến như: Lerici, ILO, MAG, JICA, văn phòng UNESCO... Hiện nay, chính phủ Ấn Độ và Việt Nam cũng đã ký biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn do viện khảo cổ Ấn Độ tiến hành. Nguồn kinh phí khoảng 2,5 triệu USD sẽ do Ấn Độ viện trợ với thời gian triển khai thực hiện trong vòng 5 năm.