Trùng tu tôn tạo nhà cổ Hội An: Vẫn là bài toán khó

Thứ hai, 12/05/2014 06:05

(Cadn.com.vn) - Nhu cầu vốn tu bổ di tích luôn là vấn đề thời sự tại Hội An, nhất là khi mới đây, thành phố tiếp tục bán trọn gói vé tham quan khu phố cổ, nhằm chống thất thu ngân sách, góp phần thực hiện công tác trùng tu tôn tạo.

Ngôi nhà cổ của bà Nguyễn Thị Thu, số 58/7, kiệt Lê Lợi, tổ 15, khối An Thắng, P. Minh An, thành phố Hội An nằm sâu trong một hẻm kiệt nhỏ. Trải qua hàng trăm năm với nhiều thế hệ sinh sống, đến nay, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Hệ ngói âm dương bị tụt với số lượng lớn, bà Thu đã phải tạm thời lợp một lớp tôn bên trong để tránh mưa, nắng. Hiện tại hầu hết kết cấu hệ khung gỗ trong nhà, mái nhà đang bị mục nát dần. Trong khi đó, hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, nhà lại ở trong hẻm kiệt nên bà Thu không thể buôn bán, chỉ tận dụng diện tích sân nhỏ hẹp để giữ xe tại nhà. Với giá hai ngàn đồng mỗi chiếc, bình quân mỗi ngày, bà thu nhập được 60-70 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi này khó có thể đủ sống, nói chi đến chuyện tu bổ ngôi nhà cổ với số tiền cả tỷ đồng.

Vài năm trước, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP đã khảo sát và phải chống đỡ tạm thời để nhà không sập đổ trong mùa bão lụt. Bà Thu nói: “Ông bà cố ngoại tôi ở đây, rồi đến cha mẹ tôi sinh tôi ra ở đây, giờ qua đời, đến đời tôi ở và con tôi ở đây. Gia đình tôi đơn chiếc, làm nghề giữ xe chỉ đủ sống qua ngày, làm chi có tiền mà tu bổ, sửa chữa được. Nhà xuống cấp nặng từ hơn 20 năm rồi. Cơn bão trước nhà tôi đã bay mất một mái ngói, tôi xin tiền về lợp tôn. Mong Nhà nước giúp đỡ giùm cho chúng tôi ở đỡ khổ. Mưa bão đến nơi rồi”.

Nhà cổ Hội An trước thách thức của bão lũ.

Ngôi nhà cổ của bà Phạm Thị Huệ, số 69/5, kiệt Phan Châu Trinh cũng xuống cấp nặng. Ngói bong tróc khiến nhà dột nát, gia chủ đã phải dùng bạt che tạm.

Được biết, theo kế hoạch, năm 2014 gia đình bà Thu, bà Huệ cùng 12 di tích khác sẽ được thành phố hỗ trợ tu bổ khẩn cấp theo Đề án Tu bổ 52 di tích khẩn cấp. Trong khi đó, với hàng trăm di tích đã và đang xuống cấp, từ năm 1999 đến nay, ngoài kinh phí của Chính phủ và tỉnh hỗ trợ, chính quyền thành phố và người dân tu bổ 462 di tích tư nhân và Nhà nước, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Bởi, khi mỗi ngôi nhà cổ xuống cấp nặng cũng đồng nghĩa với việc phải tìm kiếm nguyên vật liệu tương thích thay thế, đảm bảo tuyệt đối tính chân xác của di tích.

Trong khi đó, ngói âm dương và loại gỗ đặc biệt đã “ngốn” số tiền rất lớn, đó là chưa kể các chi phí kỹ thuật khác. Với những ngôi nhà quá “già nua”, xuống cấp nghiêm trọng, phải hạ giải hoàn toàn thì kinh phí đầu tư có khi lên đến gần 5 tỷ đồng. Để có kinh phí thực hiện, 17 năm qua, (từ khi Hội An bán vé tham quan đến năm 2012), địa phương đã trích vào quỹ trùng tu 211,3 tỷ đồng từ tổng số 281,7 tỷ đồng tiền vé bán được. Và trên thực tế, nhiều chủ hộ khó khăn kinh tế hoặc di tích nằm trong hẻm kiệt, không phát huy tác dụng kinh doanh nên có nhiều công trình, thành phố đã phải hỗ trợ gần như hoàn toàn kinh phí trùng tu. Và nếu như sử dụng toàn bộ tiền vé tham quan năm 2012 (khoảng 46 tỷ đồng) chỉ để trùng tu các di tích, (không chi phí gì khác) thì một năm, Hội An cũng chỉ sửa chữa được khoảng 10 di tích.

Ông Phạm Việt Tâm, Trưởng Phòng Tu bổ di tích, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cho biết:“Trong những năm qua, thành phố Hội An đã tham mưu cho tỉnh ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư đặc thù. Nhà nước cũng đã có sự quan tâm hỗ trợ theo tỷ lệ nhất định. Mặc dù vậy  nhưng với mức độ di tích xuống cấp như hiện nay thì nhu cầu vốn cho trùng tu di tích trong phố cổ rất lớn, nhất là khi vẫn còn nhiều nhà cổ xuống cấp nặng, cần được tu bổ khẩn cấp”.

Nhiều nhà cổ ở Hội An đang xuống cấp trầm trọng.

Rõ ràng, với quần thể hơn 1.000 di tích cổ, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện tại, nguy cơ đe dọa tính bền vững lớn nhất đối với đô thị cổ Hội An vẫn là những “cơn thịnh nộ” của trời đất. Mỗi năm, chính quyền và người dân thành phố luôn nơm nớp lo âu và gồng mình chống chọi với bão, lụt. Có ai dám chắc, sự “dẻo dai”, sức bền của Đô thị cổ này sẽ còn trụ vững được bao lâu, nếu như thành phố bị thất thu vé tham quan để bố trí 85% cho việc trùng tu, tôn tạo?  Đó là chưa tính chi phí nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa hiện đang tổ chức cả ngày và đêm trong khu di sản. Từ việc duy tu hệ thống loa phát nhạc, trang trí đèn lồng trên từng mái nhà, góc phố đến chi phí cho lực lượng cộng tác viên, nghệ nhân các chương trình văn hóa nghệ thuật và lực lượng đảm bảo an ninh trật tự theo đề án “phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” đều cần được thanh toán... bằng tiền?

Thu Hiền