Trường học huyện đảo Lý Sơn kêu cứu
(Cadn.com.vn) - Trường, lớp ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều kiện KT-XH còn rất khó khăn nên địa phương chưa có nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy học cũng như tâm lý lo lắng với đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh.
Cả chính quyền và ngành GD-ĐT đang kêu gọi chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở Lý Sơn. |
Dạy học trong thấp thỏm
Dẫn chúng tôi đến xem thực trạng xuống cấp của các phòng học, thầy Phạm Văn Quang - Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Hải (xã An Hải, H. Lý Sơn) tỏ ra hết sức lo lắng khi tường, nền và hệ thống trụ đỡ các phòng học bị bong tróc nham nhở, nứt toác từng mảng lớn. Nhiều trụ đỡ hành lang phòng học bung bật để lộ rõ các thanh sắt bị hơi mặn ăn mòn, rỉ rét. Thầy Quang cho biết: Hai dãy phòng học gồm 12 phòng được xây dựng từ những năm 1990 đã xuống cấp, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được đầu tư sửa chữa. Tình trạng phòng, lớp xuống cấp kéo dài trong nhiều năm qua và có thể sập bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng học sinh và giáo viên của trường. Tuy nhiên, do điều kiện phòng học còn thiếu, nhà trường vẫn phải tổ chức dạy học ở các dãy phòng cũ nát này. Nhà trường đã báo cáo, kiến nghị với phòng GD-ĐT tham mưu với UBND H. Lý Sơn có phương án giải quyết kịp thời, nhưng hiện nay vẫn chưa được xử lý.
Không riêng gì Trường THCS An Hải, tình trạng trường lớp xuống cấp cũng xảy ra tại Trường tiểu học số 2 An Vĩnh (xã An Vĩnh). Theo lãnh đạo nhà trường, hiện nay nhiều dãy phòng học cấp 4 đã xuất hiện các vết sụt nứt, hư hỏng nặng. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được tu bổ, nâng cấp. Cùng với đó là điều kiện vật chất, trường lớp chưa được đồng bộ nên tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày còn thấp, tổ chức các hoạt động giáo dục còn nhiều hạn chế.
Theo ông Phan Văn Thảo - Trưởng phòng GD-ĐT H.Lý Sơn, hiện nay tỷ lệ trường lớp trên huyện đảo này chỉ mới đạt khoảng 70%. Nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là phòng học ở bậc mầm non và tiểu học còn rất lớn.
Trường THCS An Hải (xã An Hải, H. Lý Sơn) đang xuống cấp nghiêm trọng. |
Thiếu phòng hành chính, chức năng
Không chỉ trường lớp xuống cấp, nhiều trường học ở các bậc học đều chưa có hệ thống phòng hiệu bộ, phòng chức năng, phòng hành chính, nhà đa năng... Thầy Phạm Văn Quang - Phó Hiệu trưởng Trường THCS An Hải, bày tỏ: Mọi hoạt động từ công tác quản lý hoạt động chung, đến sinh hoạt chuyên môn đều chỉ gói gọn trong một căn phòng chung chưa đầy 40m2. Trước nhu cầu về thực hiện đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học thì vấn đề đầu tư xây dựng bổ sung hệ thống phòng hiệu bộ, hành chính, hội đồng cho nhà trường hết sức cấp thiết.
Đưa vào hoạt động từ năm 2008 nhưng đến nay Trường mẫu giáo Lý Sơn vẫn chưa có khu hiệu bộ, phòng hội đồng, hành chính. Mọi hoạt động của Ban giám hiệu, các bộ phận chức năng đều làm việc trong căn phòng chưa đến 10m2. Cô Nguyễn Thị Đầm - Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Lý Sơn cho biết: Hiện nay ngoài việc thiếu phòng học, phòng chức năng, khu nhà ăn phục vụ trẻ bán trú, Trường mẫu giáo Lý Sơn vẫn chưa có khu hiệu bộ, phòng hành chính. Thiếu hệ thống cơ sở vật chất ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tổ chức quản lý hoạt động của nhà trường.
Ông Phan Văn Thảo cho biết, những năm gần đây, thông qua nhiều nguồn vốn, hệ thống trường lớp ở huyện đảo Lý Sơn ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố, góp phần đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy và trò nơi đây. Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở đây chưa được đồng bộ, dẫn đến việc dạy và học vẫn còn rất nhiều khó khăn, chưa thể nâng cao chất lượng giáo dục như mong muốn.
"Trong thời gian qua, việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới trường lớp học trên đảo chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, còn ngân sách Nhà nước đầu tư hầu như không đáng kể. Điều kiện học tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên tại các trường TH và THCS còn hết sức khó khăn, thiếu thốn.Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ngành GD-ĐT cũng như UBND huyện đảo Lý Sơn mong muốn thời gian đến, cùng với sự nỗ lực của địa phương thì Nhà nước và các tổ chức xã hội cần có sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống cơ sở vật chất trường lớp; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nâng cao công tác tổ chức chăm sóc, giáo dục học sinh; đẩy mạnh đổi mới hoạt động dạy học theo hướng phát triển chất lượng giáo dục toàn diện cho con em huyện đảo", ông Thảo chia sẻ.
Khải Minh