Trương Minh Phương – nhạc sĩ, nhà viết kịch tài năng

Thứ sáu, 30/12/2016 10:06

(Cadn.com.vn) - Kỷ niệm 85 năm ngày sinh của nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương" nhằm tôn vinh nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương và những đóng góp của ông cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Đây là một sự kiện học thuật về một nghệ sĩ đặc biệt, một tài năng đặc biệt.

Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương (1931-2011), quê gốc ở Phú Mỹ - Bình Định, sinh ra ở Đà Lạt và cuộc đời sáng tạo nghệ thuật lại gắn với "Bình - Trị - Thiên khói lửa". Khi 15 tuổi, Minh Phương là đội viên của Đội Tuyên truyền lưu động Trung Bộ, rồi Thiếu sinh quân thời chống Pháp ở Liên khu IV, Trưởng toán tuyên truyền xung phong Quảng Bình và là Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT Bình - Trị - Thiên. Cuộc đời ông, 65 năm theo Đảng, 60 năm sáng tác đã để lại một tài sản khá đồ sộ: 160 tác phẩm âm nhạc, 80 kịch bản sáng tác sân khấu gồm cả kịch nói, kịch thơ, kịch dân ca, ca cảnh, kịch thông tin, tiểu phẩm và một số truyện ngắn cùng 5 công trình nghiên cứu nghệ thuật dân gian...

Nhạc sĩ, nhà viết kịch Trương Minh Phương và tuyển tập tác phẩm đồ sộ mang tên "Rừng hát".

Hội thảo với 20 bài tham luận viết về Trương Minh Phương, tập trung vào ba nội dung chính: âm nhạc; tác phẩm sân khấu và những công trình nghiên cứu của Trương Minh Phương. Các tham luận và ý kiến phát biểu của các văn nghệ sĩ tên tuổi như: GS Hoàng Chương-TGĐ Trung tâm NCBT&PVHVHDT; nhà thơ Đỗ Quý Doãn-nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT; nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; nhà văn Hữu Ước; nhà văn Đặng Vương Hưng;... đã phân tích khá sâu những giá trị trong các sáng tác của Trương Minh Phương.  Nói về các sáng tác của Trương Minh Phương, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khẳng định: "Minh Phương là nhạc sĩ của đời thường". Giữ những quan niệm hàn lâm cho rằng âm nhạc phải cao sang, rằng âm nhạc chỉ để ca ngợi tình yêu đôi lứa, có những nhạc sĩ lại chọn con đường đến với đời thường cần lao. Bởi thế suốt đời mình, Minh Phương đã khước từ sự nổi tiếng bằng truyền thông, bằng tung hô ồn ào, cứ thế trong trẻo ào ra cảm xúc của mình trên các nẻo đường Tổ quốc. Ông để lại một sự nghiệp âm nhạc khiêm nhường với hơn 100 ca khúc hợp xướng và ca cảnh, nhạc sĩ của đời thường Minh Phương thật đáng được trân trọng như một người lặng lẽ lao động, lặng lẽ dâng hiến...

Nhìn vào bề dày sáng tác âm nhạc với khối lượng cả trăm ca khúc có thể cho thấy một quá trình hoạt động nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng một cách nghiêm túc của nhạc sĩ Trương Minh Phương. Không quá khi nói rằng, những tác phẩm của tác giả Trương Minh Phương có vai trò nhất định trong "ngôi nhà chung" âm nhạc cả nước. Nó đáp ứng nhu cầu của thời đại, được công chúng đón nhận. Một số tác phẩm của ông đã góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của âm nhạc mới Việt Nam nói chung, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nói riêng.  Tại Hội thảo, GS Hoàng Chương cho rằng: Nhà viết kịch Trương Minh Phương là một hiện tượng đặc biệt trong nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một khối di sản nghệ thuật lớn, hiếm có mà một một nghệ sĩ, một người hoạt động nghệ thuật có thể để lại cho đời không chỉ ở số lượng mà cả ở sự đa dạng của hiện thực cuộc sống được phản ánh, sự phong phú về đề tài, sự vững vàng về bút pháp, sự dồi dào của cảm xúc và chiều sâu nhân văn của tác phẩm. Những tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất đánh giá rất cao về sự cống hiến nghệ thuật của nhạc sĩ, nhà văn, nhà viết kịch Trương Minh Phương và khẳng định Ông xứng đáng được coi là nghệ sĩ hàng đầu thành công về sáng tác ở cả hai thể loại âm nhạc và sân khấu.

L.P