Trường nghề vắng học viên, doanh nghiệp thiếu lao động
Nhiều trường nghề ở TT-Huế được nhà nước đầu tư số tiền lớn theo lộ trình để xây dựng và đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN nhưng vẫn không tuyển được học viên. Thực tế này kéo theo nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn không tìm được nguồn lao động (LĐ) có chất lượng.
Cơ sở may Kimono tại TT-Huế rất khó tìm nguồn lao động. |
Doanh nghiệp "khát" lao động
Trên địa bàn tỉnh TT-Huế hiện có gần 5.000 DN các loại đang hoạt động, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Hằng năm, các DN có nhu cầu tuyển dụng gần 20.000 LĐ ở các cấp trình độ khác nhau nhằm thay thế cho những LĐ đến tuổi nghỉ hưu, biến động LĐ, mở rộng quy mô sản xuất… Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của các DN trên địa bàn, đồng thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại địa phương này đã tích cực, chủ động làm việc với các DN để ký kết hợp đồng đào tạo LĐ theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, việc làm này vẫn chưa được triển khai một cách rộng rãi, có hệ thống. Vì vậy, trong khi DN khó tuyển dụng được LĐ có kiến thức và kỹ năng nghề phù hợp thì các trường nghề lại khó tuyển được học sinh, sinh viên.
Theo thống kê từ Sở LĐ-TB&XH, TT-Huế có nguồn lao động khá dồi dào với hơn 600 ngàn người trong độ tuổi LĐ, trong đó, lực lượng LĐ trẻ chiếm tỷ lệ cao (từ 15 đến 34 tuổi chiếm 36,8%) và có gần 18.000 người bước vào tuổi LĐ mỗi năm. Tuy nhiên, số LĐ được giải quyết việc làm trên địa bàn chỉ khoảng 15.000 - 17.000 người/năm. Tại hội thảo "Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp" ở TT-Huế mới đây, ông Nguyễn Quốc Tuấn - Tổng giám đốc Cty CP XNK và Đầu tư TT-Huế cho rằng: Hiện nay, các DN tại TT-Huế vẫn khó tuyển dụng LĐ. DN luôn trong tình trạng "đói" lao động, còn trường nghề thì cũng "đói" học sinh, sinh viên. Ông Tuấn lấy ví dụ, Cty của ông hoạt động trong lĩnh vực may Kimono xuất khẩu Nhật Bản, nhưng hiện ở TT-Huế chưa có cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào đào tạo nghề may này. Vì vậy, DN phải đi tuyển dụng lao động "chay" ở vùng nông thôn về rồi tự tay đào tạo. "Để những lao động chưa qua đào tạo được học nghề, vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với Trường Cao đẳng nghề TT-Huế mở lớp dạy nghề may Kimono. Chúng tôi cũng đã trang bị máy móc, thiết bị đầy đủ cho lớp dạy nghề này nhưng trong vòng 1 tháng số học viên chúng tôi tuyển được chỉ có 6 người", ông Tuấn cho biết.
Cùng quan điểm, ông Michal Zitek - đại diện của Khu nghỉ dưỡng phúc hợp Laguna Lăng Cô ở H.Phú Lộc (TT-Huế), một trong những DN có nhu cầu thu hút nguồn nhân tài trong ngành du lịch lớn nhất tỉnh cũng cho rằng, với sự phát triển của ngành du lịch hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực để đáp ứng sẽ còn tăng cao trong tương lai. Tuy nhiên, ngay tại thời điểm này, việc tìm kiếm nhân viên có trình độ phù hợp để lấp đầy các vị trí tuyển dụng tại Laguna Lăng Cô đã là một thách thức, đặc biệt là về kỹ năng phục vụ và ngôn ngữ.
Nhiều đại diện các DN đều than rằng, chất lượng đào tạo nghề ở TT-Huế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của DN. Nguồn LĐ khi tuyển mới về từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều phải được đào tạo lại rồi mới làm việc được.
Đầu tư nhiều nhưng học viên vẫn quay lưng
Mặc dù các trường nghề ở TT-Huế được nhà nước đầu tư số tiền lớn theo lộ trình để xây dựng và đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực ASEAN nhưng vẫn không tuyển được học viên. Nếu năm 2010 toàn tỉnh có 44 cơ sở dạy nghề thì cuối năm 2015 chỉ còn 29 cơ sở có đào tạo nghề với những nghề theo nhu cầu thị trường lao động.
Trường cao đẳng nghề TT-Huế là một trong 45 trường được đầu tư để trở thành trường chất lượng cao, nhận được gói kinh phí gần 27 tỷ đồng đầu tư cho nghề hàn (nghề trọng điểm cấp quốc gia) và nghề kỹ thuật lắp đặt điện tử và điều khiển trong công nghiệp (nghề trọng điểm cấp khu vực ASEAN). Vì đào tạo theo chuẩn quốc tế và khu vực nên trang thiết bị hiện đại, rất tốn kém. Hằng năm, trường cử giáo viên đi đào tạo trong và ngoài nước. Trường đã hoàn thiện đưa vào sử dụng 3 xưởng thực hành, hoàn chỉnh 2 xưởng hàn, 2 phòng thí điểm vật liệu và vật lý… để phục vụ cho lộ trình trường chất lượng cao quốc gia và khu vực. Dù làm đủ cách để chiêu sinh nhưng nghề hàn cũng chỉ đào tạo được 14 người có trình độ cao đẳng, 183 người có trình độ trung cấp. Riêng lắp đặt điện và điều khiển trong công nghiệp thì không có người theo học trình độ cao đẳng; trình độ trung cấp có 263 người. Ông Trần Nam Lực - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TT-Huế nói: "Rất nhiều nghề của trường sau khi tốt nghiệp có đến 90% có việc làm, mức thu nhập ổn định, nhất là lao động có tay nghề bậc cao. Tuy nhiên, nhiều DN đến tuyển dụng LĐ ở các nghề hàn, điện... nhưng trường không cung ứng đủ vì không có sinh viên theo học".
Tương tự, Trường Trung cấp nghề Quảng Điền được chọn nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ là nghề trọng điểm quốc gia. Trường đã quy hoạch diện tích đất, mặt nước gần 5 ha để phục vụ cho việc đào tạo nghề nhưng người học cũng quay lưng. Hơn 5 năm, Trường này chỉ đào tạo được 64 người theo học trình độ sơ cấp. Hay Trường Trung cấp nghề Huế được chọn 2 nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ và thiết kế gia công sản phẩm mộc làm nghề trọng điểm cấp quốc gia với tổng mức đầu tư được phê duyệt trên 78 tỷ đồng, nhưng trong quá trình triển khai, tuyển sinh không hoàn thành chỉ tiêu được giao nên phải sáp nhập với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên TP. Huế.
Bên cạnh cơ sở vật chất trường nghề được đầu tư quy mô thì năm 2017, học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu. Nếu các em khó khăn trong học văn hóa và không có nhu cầu liên thông thì chọn học tập trung về chuyên môn. Những người có nguyện vọng học liên thông sau này có thể chọn chương trình đào tạo vừa học nghề, vừa học bổ túc văn hóa để khi tốt nghiệp vừa có bằng trung cấp vừa có bằng tương đương bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, các trường nghề còn triển khai nhiều chính sách riêng nhằm thu hút học sinh như: miễn giảm học phí, học bổng đối với những ngành nghề độc hại, khó tuyển sinh, nghề trọng điểm quốc gia… Thế nhưng, học sinh đến với trường nghề vẫn thấp hơn năm ngoái.
Theo một số chuyên gia, các trường nghề nên chủ động thay đổi phương thức đào tạo, kết hợp gắn kết chặt chẽ với DN và đào tạo theo đặt hàng của DN đang là một hướng đi mới thay vì thụ động ngồi chờ sinh viên như trước đây.
H.LAN