Trưởng thành từ Cách mạng tháng Tám
(Cadn.com.vn) - Quê tôi ở xã Phong Phú, H. Phong Điền, phía đông sông Vĩnh Định, nối liền phía bắc phá Tam Giang, cách Huế chừng 30 cây số đi bộ. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, cơ sở ở đây khá mạnh. Đầu năm 1945, phong trào tập luyện quân sự của nam nữ thanh niên và đội thiếu niên của chúng tôi rất sôi nổi tuy chỉ trang bị gậy, giáo, mã tấu, kiếm ai nấy rất say mê.
CCB Nguyễn Đình Ngật thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5. |
Thông thường chúng tôi chỉ tập buổi chiều và buổi tối trên 3 bãi cát trắng. Sáng ấy tôi không nhớ rõ 20 hay 21-8-1945, chúng tôi được lệnh tập trung ở sân đình làng, ở đây khí thế nhộn nhịp khác thường, ai cũng cảm thấy cái gì đó mới mẻ sắp xảy ra. Khi đội ngũ đã chỉnh tề, anh Nguyễn Thiện Hoàng đứng lên tuyên bố: “Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh đứng lên khởi nghĩa”. Tiếng hô: “Đả đảo Nhật-Pháp, đả đảo chính quyền Trần Trọng Kim, ủng hộ Việt Minh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc muôn năm” vang lên không ngớt. Hô xong khẩu hiệu, đoàn người diễu hành thị uy đi cướp chính quyền ở xã, đứng đầu là một đội tự vệ, đi sau là đội thiếu niên chúng tôi, kế đó các đội tự vệ còn lại và mấy trăm nam nữ thanh niên vừa đi vừa giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ hô to các khẩu hiệu. Đến nhà lý trưởng, đoàn người áp sát vây chặt vòng trong, nam nữ thanh niên đông nghịt bao bọc vòng ngoài. Người chỉ huy tự vệ hô to: “Tất cả sẵn sàng”. Lời đáp “Sẵn sàng” của hàng nghìn người vang lên long trời lở đất. Anh Nguyễn Thiện Hoàng đứng lên ghế cao, trước cửa nhà, diễn thuyết nói rõ Nhật- Pháp xâm lược Việt Nam gây nhiều tội ác, nay Mặt trận Việt Minh do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đứng lên lật đổ đế quốc phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân.Vừa nói xong lý trưởng dâng ngay con dấu, giấy tờ của chế độ cũ cho cách mạng. Anh Nguyễn Tư Chương nhân danh Chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời đứng ra thu các tang vật đó và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân. Hàng nghìn cánh tay, rừng giáo, gươm giương cao khẩu hiệu: “Đả đảo giặc Pháp xâm lược, đạp đổ chính phủ bù nhìn, nước Việt Nam độc lập muôn năm. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc muôn năm”. Cứ thế từ nhà lý trưởng kéo đến nhà hương bộ, hương kiểm, càng về sau quần chúng nhập vào đoàn biểu tình mỗi lúc một thêm đông.
Sau khi cướp chính quyền ở xã xong, một nửa lực lượng ở lại, một nửa kéo lên mít-tinh khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện. Huyện đường tuy có đội lính lệ nhưng trước làn sóng cách mạng của quần chúng từ tên tri huyện, đề lại, đến lính lệ đều khăn áo chỉnh tề, khúm núm xin nộp các dấu ấn, tài liệu và giao công đường cho cách mạng, nên việc khởi nghĩa giành chính quyền ở H. Phong Điền diễn ra nhanh gọn.
Từ một chú bé 16 tuổi, cảm nhận được niềm tự hào của nước nhà độc lập, tôi tiếp tục tham gia cách mạng ở địa phương rồi vào Đảng, đến năm 1949 thì đi bộ đội. Khi vĩ tuyến 17 cắt ngang dòng Bến Hải, tôi là chính trị viên đại đội, bảo vệ giới tuyến tạm thời. Sau năm 1964, tôi vào Nam chiến đấu ở Mặt trận Tây Nguyên rồi làm cán bộ tổ chức của Quân khu 5, Chính ủy Sư đoàn 2 những năm ở chiến trường K, sau đó là Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trước khi nghỉ hưu. Suốt những năm trong quân ngũ, được làm việc, gần gũi Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tôi càng thêm kiêu hãnh về quân đội ta và cố gắng cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước và đồng đội. Hiện nay tuy đã 87 tuổi, tôi vẫn tham gia Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 2 ở Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh P. Hòa Thuận Tây suốt 10 năm; hướng dẫn, lên lớp câu lạc bộ Hán- Nôm của Q. Hải Châu và là Phó Giám đốc Trung tâm Hán - Nôm của thành phố Đà Nẵng, được Thành ủy, UBND thành phố tặng 3 bằng khen về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
71 năm trôi qua, từ cậu thiếu niên tham gia cướp chính quyền, nay đã trở thành một cán bộ lão thành, nhưng khí thế khởi nghĩa năm nào vẫn trào dâng trong tôi, truyền cho tôi sức mạnh để sống khỏe, sống có ích cho đời.
Hồng Vân
(Ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Đình Ngật số nhà 402- Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng)