Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng): 30 năm ươm quả ngọt cho đời

Thứ bảy, 15/10/2016 11:16

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (15-10), các thế hệ thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập. Suốt quãng thời gian 30 năm ấy, dưới mái trường mang tên nhà bác học, danh nhân văn hóa lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, các thế hệ thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bằng tài năng, trí tuệ, tâm huyết đã miệt mài, nỗ lực dệt nên những trang sử rạng rỡ, đáng tự hào, xứng đáng với truyền thống hiếu học của đất Ngũ phụng tề phi.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao tặng Bằng khen cho HSG Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Kỷ niệm không thể nào quên

Dù chính thức thành lập tháng 10-1986 với tên gọi trường Năng khiếu cấp 2-3 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN, cũ), tiền thân Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn ngày nay, nhưng từ trước đó 5 năm (1981-1986), đã có một đội ngũ học sinh giỏi (HSG) của tỉnh QN-ĐN được tuyển chọn để chuẩn bị cho sự ra đời này.

Là một trong những HS khối chuyên THPT đầu tiên tỉnh QN-ĐN ngày ấy, nhớ về thời kỳ đầu thành lập, anh Nguyễn Đức Nam (HS lớp chuyên Văn khóa 1982-1985; hiện là Phó Tổng biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng) không khỏi bùi ngùi xúc động: “Năm 1982, khi trúng tuyển vào lớp chuyên Văn của tỉnh, tôi cùng bạn bè khăn gói rời quê ra Đà Nẵng để học tập. Khóa học của chúng tôi có 4 lớp chuyên gồm: Toán, Lý, Văn và Ngoại ngữ, mỗi lớp nhiều nhất cũng không quá 20 người. Những ngày đầu còn nhiều khó khăn, do chưa có cơ sở vật chất riêng nên chúng tôi học tại Trường THPT Phan Châu Trinh. Lớp chuyên Văn của tôi học chung cùng một phòng với một lớp chuyên khác, được ngăn bởi một vách ván. Do cách âm không tốt nên mọi người thường đùa rằng chúng tôi gặp “hên” vì mỗi tiết được học cả hai thầy, hai môn. Học tập trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn như vậy, nên thấp thoáng trong chúng tôi là giấc mơ về một ngôi trường riêng. Hai năm đầu, tôi cũng như những bạn nhà ở xa thành phố đều ở nhờ nhà người quen. Đến năm cuối THPT, chúng tôi được bố trí ở tập thể tầng 2 dãy sau của trường tại số 47-Lê Lợi (cơ sở đầu tiên của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nay là cơ sở II Trường TH Phù Đổng)..., ăn tại bếp ăn tập thể Sở Giáo dục trên đường Lê Thánh Tôn, Đà Nẵng”.

Chợt nhớ đến lời tâm sự của cô Đoàn Thị Nhỏ trong tập san kỷ niệm 20 năm thành lập trường với tựa đề “Lời cho em” có đoạn nhắc lại chi tiết này: “Em nhớ không? Ngày cô về trường chuyên của mình, một đoạn đường thật ngắn từ Phan Châu Trinh qua Năng khiếu, vậy mà nước mắt cứ sụt sùi! Bốn năm ở nơi ấy với những đứa học trò chuyên tỉnh rồi chuyên trường, đã khiến cô không dễ dàng dứt áo!”. Cũng trong niềm xúc động ấy, nhà giáo ưu tú Lê Hoành Phò - nguyên Tổ trưởng tổ Toán Tin, người may mắn là nhân chứng trọn vẹn của ngôi trường 30 tuổi này, nhớ lại: “Ngày ấy, hơn 30 trước, thầy trò chúng tôi đều vô cùng mừng vui khi nghe tin sẽ lập trường chuyên riêng vì đã gần 5 năm, khối chuyên của tỉnh QN-ĐN đặt ở trường THPT Phan Châu Trinh từ năm 1981, đó là thế hệ tiền thân của trường với những thành quả ban đầu nổi trội về giải quốc gia và Quốc tế... Ngày khai giảng của năm học đầu tiên 15-10-1986 thật đáng nhớ...” (trích tập san kỷ niệm 30 năm thành lập trường).

Bùi Đức Thắng (đeo vòng hoa) đoạt HCV Olympic Vật Lý Quốc tế lần thứ 38
trong ngày vui trở về.

Những trang sử đáng tự hào

Lật lại những trang sử của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, có thể nói, các thế hệ thầy trò nhà trường có quyền tự hào với những gì đã nỗ lực dày công xây dựng, tạo nên một thương hiệu Lê Quý Đôn của ngày hôm nay. Không tự hào sao được khi từ ngày thành lập đến nay, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ tận tình của các thế hệ thầy cô giàu tâm huyết, tài năng và trí tuệ, các thế hệ HS của trường đã đoạt được 24 giải Olympic Quốc tế và khu vực gồm: 2 HCV, 12 HCB, 6 HCĐ và 4 Bằng khen; đạt 4 giải “Quả cầu vàng”, 1.030 giải HSG Quốc gia, 12.145 giải HSG cấp thành phố; 230 huy chương Hóa học Hoàng gia Australia. Trong các cuộc thi Olympic truyền thống 30-4 dành cho HS trường chuyên các tỉnh phía Nam, trường đã đạt 789 huy chương các loại và luôn xếp ở một trong ba vị trí đứng đầu. Ngoài ra, trường còn đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi như: Tin học trẻ toàn quốc, Giải toán trên máy tính cầm tay khu vực, Viết thư Quốc tế UPU và nhiều cuộc thi khác...

Trong niềm nôn nao của những ngày chuẩn bị lễ kỷ niệm trường tròn 30 tuổi, thầy Lê Vinh- Hiệu trưởng mới về trường, không khỏi xúc động nhắc đến những thế hệ thầy cô, cán bộ lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ: “30 năm không phải là dài đối với sự phát triển của một ngôi trường nhưng cũng ngót một đời người dạy học. Khoảng thời gian ấy đủ để đong đầy bao ân tình, kỷ niệm, của nhiều thế hệ nhà giáo, học sinh với mái trường thân yêu. Trong suốt chặng đường 30 năm lịch sử ấy, có biết bao kỉ niệm vui buồn với bao thăng trầm, khó khăn không thể kể hết bằng lời. Các thế hệ Hiệu trưởng như thầy Nguyễn Tiến Hành, thầy Nguyễn Tâm Tháp, thầy Huỳnh Văn Hoa, thầy Lê Phú Kỳ, thầy Đặng Thanh, thầy Vũ Đình Chuẩn, thầy Lê Trung Chinh, thầy Nguyễn Đình Vĩnh đã cùng các Bí thư chi bộ (nay là Đảng bộ) Nguyễn Thị Vĩnh, Trần Thị Ngọc Điền, Huỳnh Nhứt cùng BGH, BCH Công đoàn, BCH Đoàn Thanh niên, Hội đồng sư phạm nhà trường qua từng thời kỳ đã dốc tâm huyết, tài năng lãnh đạo để vượt qua mọi thử thách và trở ngại, xây dựng trường ngày một trưởng thành như hôm nay”.

Là phóng viên phụ trách mảng giáo dục gần 20 năm, tôi không tài nào nhớ hết  đã bao nhiêu lần cùng thầy trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có mặt tại sân bay để đón chào học sinh đoạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế trở về. Trong đó, có lần đi đón chàng trai vàng Bùi Đức Thắng vào cuối tháng 7-2007, khi em vừa đoạt HCV cuộc thi Olympic Vật Lý Quốc tế lần thứ 38 tổ chức tại Iran. Vừa bước xuống sân bay Đà Nẵng, Thắng gần như bật khóc trong vòng tay của người thân, thầy cô, bạn bè và lãnh đạo thành phố. Em là học sinh đầu tiên của trường đoạt cú đúp 2 huy chương tại kỳ thi Olympic Quốc tế và Olympic Châu Á. Trong đó, đối với giải Quốc tế là HCV, Châu Á là HCB. Không vui mừng, hạnh phúc sao được khi sau 32 năm đất nước giải phóng, lần đầu tiên ngành GD-ĐT tỉnh QN-ĐN nói chung và TP Đà Nẵng ngày ấy mới có được tấm HCV quốc tế... Trong niềm vui ngày trở về vinh quang đó, Bùi Đức Thắng đã xúc động chia sẻ rằng: “Một chút thành tích hôm nay em có được, bên cạnh nỗ lực của bản thân là sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của lãnh đạo thành phố, Sở GD-ĐT, của các thầy cô, cha mẹ và bè bạn. Với em, phần thưởng có được này là nhờ vào sự dạy dỗ tận tình của các thầy cô”. Sau em, Huỳnh Minh Toàn là học sinh thứ hai của trường cũng đoạt đúp HCV và HCB tại kỳ thi Olympic Quốc tế và Châu Á môn Vật Lý.

Như những dòng sông luôn vươn ra biển lớn, qua 30 năm ươm mầm, dưới sự dìu dắt dạy dỗ của nhiều thế hệ thầy cô, các thế hệ học trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã bay xa, bay cao, đóng góp trí tuệ và sức mình vào công cuộc xây dựng thành phố nói riêng, đất nước nói chung.  Trong đó, có gần 500 tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư góp mặt ở các mặt trận, ở các trường đại học, trên các lĩnh vực thuộc mọi miền đất nước. Nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ của Đảng,  Nhà nước, những nhà khoa học, những nhà kinh tế giỏi.

Từ nơi ươm mầm xanh này, hy vọng các thế hệ thầy, trò nhà trường của hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục làm rạng danh, tiếp tục tiến những bước cao hơn để theo kịp thời đại mới.

P.Thủy

Qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; Cờ thi đua, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ GD-ĐT; Cờ thi đua, Bằng khen của UBND TP Đà Nẵng cùng nhiều cờ, bằng khen khác. Nhà trường có 8 Nhà giáo ưu tú, 40 huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, 4 giáo viên được nhận Bằng lao động sáng tạo. Nhiều CBGVNV đạt danh hiệu  GV giỏi, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp TP và bằng khen, giấy khen các cấp...