Trường THPT Phan Châu Trinh tròn 60 tuổi: 60 năm ấy biết bao ân tình...
(Cadn.com.vn) - Cách đây 60 năm, thể theo đề nghị của Thị trưởng Đà Nẵng và Giám đốc Học chánh Trung Việt, Thủ hiến Trung Việt thời bấy giờ đã có Công văn số 3214 về việc cho mở một lớp Đệ Thất (lớp 6) để bắt đầu thiết lập bậc trung học công lập đầu tiên tại Đà Nẵng. Theo đó, ngày 15-9-1952, lớp học tiền thân của Trường THPT Phan Châu Trinh chính thức khai giảng, bước vào năm học đầu tiên. Trải qua 60 năm với bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, thầy và trò Trường THPT Phan Châu Trinh đã tạo nên một bề dày đáng tự hào về thành tích dạy-học, xứng đáng với truyền thống hiếu học của vùng đất Ngũ phụng tề phi. Đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng phong trào HS-SV trong những năm tháng đất nước sục sôi cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc...
Trường mới Phan Châu Trinh.
Rằng đây cùng một chữ “Hoài”…
Cầm cuốn đặc san nhân kỷ niệm 60 năm thành lập trường của thầy Lê Phú Kỳ- NGƯT-Hiệu trưởng, cũng là cựu HS của trường, tặng, lật từng trang giấy, những cái tên vừa quen, vừa lạ cuốn hút tôi. Nước mắt chực rơi khi đọc những dòng tâm tư của các bậc tiền bối- đồng môn đi trước. Càng thấy tự hào vì mình cũng từng được ngồi học dưới mái trường này. Mới hiểu vì sao ông Trần Đình Liễn- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Phó GĐ Sở GD-ĐT TP, cựu HS niên khóa 1966-1973- cho rằng, được vào học ở Trường THPT Phan Châu Trinh là vinh dự vô cùng đến vậy: “Vào Trường THPT Phan Châu Trinh ngày ấy (và chắc bây giờ cũng vậy) là một vinh dự lớn lao. Bởi sự tranh đua học tập quyết liệt để có tên trong danh sách trúng tuyển. Bởi ngày ấy số trường công lập còn ít, trường tư nhiều hơn trường công. Bởi Phan Châu Trinh là trường trung học công lập toàn cấp có truyền thống dạy-học tốt”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói, đời người ai cũng như ai, cũng đi qua những buồn vui của cuộc đời, chỉ khác nhau một chữ thôi. Đó là chữ Hoài. Trong niềm nôn nao hoài niệm về trường cũ, tôi tâm đắc với lời bộc bạch của ông Bùi Văn Tiếng- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cựu HS trường niên khóa 1965-1972: “... hoài niệm trường xưa của các anh chị khóa đầu tiên không hoàn toàn giống với thế hệ chúng tôi. Tương tự như thế, hoài niệm trường xưa trong chúng tôi dường như không giống với cựu HS mới rời trường ngay trong năm 2012 này... Nhưng có lẽ hoài niệm trường xưa trong các thế hệ cựu HS Phan Châu Trinh chúng ta đều có một điểm chung: niềm tự hào về ngôi trường trung học của đời mình...Đó là niềm tự hào của những người được tuyển chọn vào học trong ngôi trường danh giá bậc nhất ở Đà Nẵng- hay nói theo ngôn ngữ thời thượng là được tuyển chọn vào học trong ngôi trường có thương hiệu nổi tiếng này...”.
Thầy Hiệu trưởng Lê Phú Kỳ gắn bảng tên cho HS mới vào trường nhân ngày khai giảng.
Biên niên sử tự hào
Những trang biên niên sử của trường thể hiện Trường THPT Phan Châu Trinh là một ngôi trường đặc biệt, có bề dày truyền thống đáng tự hào: “Từ khi ra đời đến nay, Trường THPT Phan Châu Trinh gắn liền với hai mốc thời gian lịch sử: trước và sau năm 1975. Trong 23 năm trước 1975, ngôi trường bước trên chặng đường đầy biến động của hoàn cảnh đất nước bị chia cắt cùng cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. 37 năm sau ngày đất nước thống nhất, ngôi trường lớn lên cùng với thời kỳ đất nước thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước của tỉnh QN-ĐN và của TPĐN trực thuộc trung ương...Dù ở cột mốc lịch sử nào, trường cũng luôn xứng đáng với cái tên mà trường vinh dự được mang: nhà chí sĩ CM yêu nước, nhà Duy tân “Khai dân trí” Phan Châu Trinh”.
Không tự hào sao được, khi từ 1 lớp Đệ Thất cấp (lớp 6) khóa đầu tiên đến niên khóa 1974-1975 đã lên đến 68 lớp Đệ Nhất cấp (THCS ngày nay) và Đệ Nhị cấp (THPT). Và đến năm học 2012-2013, trải qua 60 năm hình thành và phát triển đã lên đến 98 lớp với 4.800 HS (thuộc trường THPT công lập lớn nhất TPĐN, là trường có số lượng HS lớn nhất Việt Nam), góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo học vấn phổ thông, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội... Sẽ có nhiều HS thế hệ hôm nay không biết ngôi trường khang trang mình đang học, những ngày đầu thành lập chỉ là một phòng học tận dụng tại trường tiểu học Đà Nẵng (có tên gọi là École Franco- Vietnamiene de Tourane, nay là Trường TH Phù Đổng).
Mãi đến ngày khai giảng năm học 1954-1955, HS của trường được chuyển về cơ sở chính mới tại 167- Lê Lợi trên khuôn viên rộng bốn mặt tiền: Lê Lợi, Thống Nhất (nay là Lê Duẩn), Duy Tân (nay là Nguyễn Chí Thanh) và Nguyễn Hoàng (nay là Hải Phòng)... Sẽ có không ít HS hôm nay không biết rằng, cách đây hơn 30 năm trước, các lớp chuyên đầu tiên của tỉnh QN-ĐN được thành lập và đặt tại Trường THPT Phan Châu Trinh với các giải Toán, Vật lý quốc tế liên tiếp từ 1981 đến 1986 gắn với những cái tên nổi tiếng như: Lê Văn Hoàng KK Vật Lý Quốc tế 1981, Trần Hữu Huấn giải III Vật lý Quốc tế 1982, Trần Nam Dũng, giải nhì Toán quốc tế 1983, Nguyễn Văn Hưng, giải nhì Toán quốc tế 1984, Võ Thu Tùng giải ba Toán quốc tế 1984, Lâm Tùng Giang giải nhất Toán quốc tế 1985 và Nguyễn Hùng Sơn, giải nhì Toán quốc tế 1986... Ngoài các giải quốc tế, thành tích học tập cũng như các phong trào hoạt động khác của nhà trường trong suốt 37 năm sau ngày giải phóng cũng thật tự hào: Cờ luân lưu Đơn vị thi đua dẫn đầu ngành GD của Hội đồng Bộ trưởng tặng (1981), Huân Chương Lao động các hạng III(1983), II (1996) và nhất (2003), Cờ luân lưu Đơn vị tiên tiến xuất sắc ngành GD do Chính phủ tặng (1996) cùng nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua khác...
Những năm trước 1975, bên cạnh việc chú trọng chất lượng, Trường THPT Phan Châu Trinh cũng là nơi nuôi dưỡng cái nôi của phong trào CM trong HSSV ở miền Nam những thập niên 60-70. Trong những năm tháng không thể nào quên ấy, tuổi trẻ học đường Trường THPT Phan Châu Trinh luôn thao thức cùng vận mệnh và sự tồn vong của dân tộc, đóng góp to lớn vào công cuộc khai dân trí và đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà... Sự cống hiến to lớn ấy đã được Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Trung Trung Bộ lúc bấy giờ trao tặng danh hiệu Huân chương Giải phóng hạng Ba và danh hiệu trường Anh Dũng. Từ ngôi trường nằm giữa lòng đô thị miền Trung, biết bao thế hệ HS đã thành danh, trở thành những nhà chính trị, nhà khoa học, lãnh đạo của các ngành, trường học, là nhà thơ, nhà văn, nhà báo...
60 năm qua, vì tương lai đất nước và thực hiện đúng tinh thần lấy “Khai dân trí” làm mục tiêu hàng đầu, thầy và trò nhà trường sẽ tiếp tục tô sáng thêm bảng vàng thành tích ngôi trường vinh dự, tự hào mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh.
P.Thủy