Truyền cảm hứng, tình yêu thương cho trẻ khuyết tật
Cô Trần Thị Minh Yến - GV dạy lớp C1A tâm sự rằng, dạy một HS khuyết tật, nhất là trẻ tự kỷ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã được đào tạo. Nhưng nếu GV nản lòng thì gia đình các em ấy cũng bỏ cuộc, tương lai phía trước của các em sẽ mờ mịt. Với suy nghĩ ấy, nên các thầy, cô giáo nơi đây luôn động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn, kiên trì, nhẫn nại, truyền cảm hứng, tình yêu thương cho các em qua những bài giảng, qua từng hành động, cử chỉ uốn nắn cho các em mỗi ngày…
27 năm gắn bó với mái trường Chuyên biệt Tương Lai này, hơn ai hết, cô Yến là người hiểu rõ tâm sinh lý của trẻ khuyết tật trí tuệ. Chia sẻ về phương pháp dạy học với nhóm trẻ này, cô Yến cho hay: “Các em đều là những đứa trẻ kém may mắn, bản thân không có kỹ năng tự phục vụ bản thân. Đa số các em chưa được quan tâm đúng cách để được can thiệp sớm, nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em rất ngây ngô, kỹ năng học tập cũng như giao tiếp rất hạn chế. Cùng đó, nhiều phụ huynh không thừa nhận sự thật con mình là trẻ khuyết tật nên né tránh, khiến trẻ không được hỗ trợ kịp thời và không được hưởng chính sách riêng dành cho HS khuyết tật”. Để thay đổi quá trình nhận thức, sinh hoạt của một HS khuyết tật về trí tuệ, theo cô Yến, đó là cả một quá trình dài, lặp đi lặp lại nhiều lần trong ngày, có thể kéo dài cả năm trời. Điển hình như em V.H (TP Đà Nẵng), khi vào trường em không có ngôn ngữ nói, có thói quen uống sữa bằng thìa và đi vệ sinh vào 1 chiếc ca. Nếu không có chiếc ca quen thuộc em sẽ không đi vệ sinh hoặc là "đi" ngay trong quần; uống sữa cũng vậy, rót vào cốc em không uống, chỉ uống bằng thìa. Bằng sự tận tâm và tình thương như một người mẹ, cô Yến cùng các đồng nghiệp trong trường đã đồng hành cùng bé, tận tình chỉ bảo, uốn nắn, bày vẽ…. Sau một năm trời, thói quen của bé V.H đã được thay đổi, chịu uống sữa bằng cốc, ở trường hay về nhà đều biết tự vào nhà vệ sinh để giải quyết việc cá nhân... Cũng theo cô Yến, trẻ khuyết tật từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển khó khăn. Trẻ nhận thức chậm, tư duy kém, nên việc tiếp thu kiến thức hết sức khó khăn, học trước quên sau. Tại lớp học, các em có độ tuổi nhập học khác nhau, các dạng tật khác nhau, mức độ tật và tâm sinh lý của HS phát triển không đồng đều. Do vậy, khi nhận lớp, GV phải nắm chắc bệnh lý, tâm lý của mỗi HS, sau đó sử dụng các biện pháp giáo dục, truyền đạt riêng cho mỗi em mới phát huy hiệu quả.
Hành trình 13 năm gắn bó với mái trường Chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng, thầy Phan Văn Tính chia sẻ: Dạy một HS bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người GV phải kiên trì, nhẫn nại, luôn phải rèn giũa bản thân sự nhã nhặn, không nóng nảy, đặc biệt là sự cảm thông, sẻ chia. Theo đó, GV dạy trẻ khuyết tật không đơn thuần dạy chữ mà còn phải là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng với các em. Để giúp HS giao tiếp, học tập đạt kết quả cao, người GV cần tôn trọng nhu cầu của từng em; thường xuyên động viên, khích lệ và khen ngợi; chăm chú lắng nghe khi chuyện trò; lựa chọn cách nói phù hợp; kết hợp giữa lời nói và cử chỉ, điệu bộ để tạo ra sự hấp dẫn; luôn vui vẻ hòa nhã trong giao tiếp để tạo tâm thế thoải mái, tự nhiên cho trẻ.
Cũng theo thầy Tính, ngoài lời nói, GV còn phải biết sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và hiểu ngôn ngữ ký hiệu khi giao tiếp với các em khiếm thính; nhiều lúc phải tự biến mình thành khiếm thính như các em để được chấp nhận, được gần gũi, vừa học vừa chơi. "Đến với các em bằng tình thương và tấm lòng, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều"- thầy Tính chia sẻ thêm.
Có thể nói, với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với nghề, đặc biệt là bằng tấm lòng thương yêu trẻ hết mực, các thầy cô Trường Chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng đã, đang thầm lặng góp phần xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Họ xứng đáng được xã hội tôn vinh.
Xuân Sơn