Truyền nhân nghề gỗ làng Tiệm Rượu
Là cháu đời thứ tư của ông Nguyễn Văn Quý - thợ mộc nổi tiếng tại làng nghề Tiệm Rượu (thị trấn Nam Phước, H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Hạnh (Hùng) số 371, đường Điện Biên Phủ (Nam Phước) không chỉ là địa chỉ sản xuất đồ mỹ nghệ đơn thuần mà còn là nơi lưu giữ văn hóa của cả một gia tộc. Đặc biệt hơn, sản phẩm quạt gỗ của cơ sở gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Hạnh đã được đăng ký sản phẩm OCOP và đang trên hành trình trở thành sản phẩm nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam.
Cơ sở Gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Hạnh giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. |
Từ lâu, làng Tiệm Rượu (Nam Phước) đã nổi tiếng với nghề sản xuất gỗ mỹ nghệ. Theo lời kể của ông Hạnh thì hiện nay ông là người duy nhất trong làng còn giữ nghề truyền thống. “Ngày trước cả làng Tiệm Rượu có 7 gia đình tham gia làm nghề nhưng vì biến động của cuộc sống, sau này các hộ không còn mặn mà với nghề mộc. Đặc biệt, nghề điêu khắc không còn là sự ưu tiên của thanh niên trong làng, mọi người đi tìm kế sinh nhai khác, đến nay chỉ còn lại gia đình tôi theo nghề. Dù có rất nhiều khó khăn nhưng tôi quyết tâm không từ bỏ”, ông Hạnh thổ lộ.
Theo ông Hạnh, có hai yếu tố tiên quyết để trở thành người thợ điêu khắc gỗ giỏi là phải có hoa tay và cái tâm với nghề. Thừa hưởng “hoa tay” từ cha cùng với cái tâm, niềm đam mê với những thớ gỗ nên mỗi sản phẩm ông Hạnh tạo ra đều đảm bảo về mặt kỹ thuật, độ tinh xảo, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. Theo đó, năm 2018 gỗ mỹ nghệ của cơ sở ông Hạnh được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm công nghiệp- nông thôn tiêu biểu, ông được Nhà nước công nhận nghệ nhân. Những năm gần đây, cơ sở của ông Hạnh trên đà phát triển tốt với doanh thu bán hàng mỗi năm không dưới 3,5 tỷ đồng. Năm 2020, ông Hạnh dự kiến doanh thu của cơ sở đạt hơn 4,1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động.
Phát huy truyền thống gia đình, ông Hạnh không ngừng trăn trở, suy nghĩ sáng tạo sản phẩm mới. Đặc biệt, để tham gia Chương trình OCOP, ông đã nghĩ cách tạo ra sản phẩm mới lạ là chiếc quạt gỗ trên nền khắc họa bức tranh làng quê xứ Quảng với di tích Chùa Cầu- Hội An. Sau sự thành công của sản phẩm quạt gỗ này, năm 2020 ông tiếp tục cho ra đời sản phẩm quạt gỗ có tên “Ngũ phụng tề phi”. Sản phẩm quạt gỗ có tên “Ngũ phụng tề phi” của cơ sở Nguyễn Văn Hạnh là bức tranh khắc họa chân thực văn hóa, đời sống tinh thần con người xứ Quảng. Với hình ảnh những cánh chim loan phụng đang sải cánh uyển chuyển trên bầu trời gợi nhớ hình ảnh năm con chim phượng hoàng cùng bay. “Ngũ phụng tề phi” chính là danh xưng dùng để chỉ 5 người đồng hương cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi. Ở Việt Nam, danh xưng này được nhiều người biết đến nhất khi dùng để chỉ 5 danh sĩ người tỉnh Quảng Nam cùng đỗ đại khoa vào năm 1898.
Với ý nghĩa đó, sản phẩm quạt gỗ “Ngũ phụng tề phi” là món quà tặng đại diện cho tinh thần hiếu học, thể hiện mong muốn gia chủ có hậu vận hanh thông, con cháu học rộng tài cao, sự nghiệp phát đạt. Với quy trình thi công 3 bước gồm Ý tưởng- Gia công- Thành phẩm, mỗi bước lại chứa đựng những công đoạn nhỏ hơn như ý tưởng chi tiết, gia công thô, gia công hoàn chỉnh, hoàn thiện chi tiết, mỗi sản phẩm mỹ nghệ của cơ sở Nguyễn Văn Hạnh thực sự là một sáng tạo nghệ thuật của người nghệ nhân.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hạnh bên chiếc quạt gỗ do ông chế tác. |
Ông Hạnh giới thiệu: “Quạt gỗ được làm từ các vật liệu có sẵn trong vườn nhà, như gỗ mít với vân hoa, sớ gỗ vàng óng, gọn nên không chiếm nhiều không gian và thân thiện với môi trường”. Theo ông Hạnh, khách hàng có thể chọn chiếc quạt gỗ để trang trí trên bàn, phòng làm việc, quầy tiếp tân, phòng khách... Thông qua sản phẩm này, ông muốn có cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, đem đến cho mọi người một sản phẩm độc đáo của làng quê… qua đó góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống ở địa phương.
Ông Hạnh chia sẻ thêm, phát huy lợi thế của việc chiếc quạt gỗ của cơ sở đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào cuối năm 2019, ông đã đầu tư 300 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí) mua sắm máy chạm khắc gỗ CNC trong công đoạn đục thô. Việc đầu tư chiếc máy sẽ giúp ông giảm một nửa công lao động trong quá trình xử lý nguyên liệu, qua đó năng suất lao động tăng cao, số lượng sản phẩm làm ra nhiều hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Trong thời gian đến, cơ sở của tôi sẽ tiếp tục chú trọng hoàn thiện sản phẩm. Đồng thời tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ trong khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng gian hàng trưng bày. Cùng với đó, giúp đỡ tôi thực hiện việc đăng ký tem nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, tạo điều kiện cho tôi tiếp cận với những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để xây dựng sản phẩm OCOP một cách bền vững”, ông Hạnh nói.
Hà Dung
Cơ sở Gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Hạnh giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.