TT-Huế: Báo động gia tăng nạn nạo phá thai ở giới trẻ
(Cadn.com.vn) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) TT-Huế đã xử lý gần 500 trường hợp phá thai cho HS, SV và thanh niên trẻ (20-24 tuổi). So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên tăng hơn gấp đôi và độ tuổi thanh niên trẻ tăng 50%. Con số này mới chỉ ở Trung tâm CSSKSS, và thực tế tình trạng nạo phá thai ở TT-Huế còn lớn hơn nhiều.
Phát hiện mang thai khi đã quá muộn
Trung tuần tháng 7, em T.T.Y. (quê Hà Tĩnh), SV năm 3 Trường Đại học K. phát hiện cơ thể có dấu hiệu lạ nên đến Trung tâm CSSKSS TT-Huế nhờ tư vấn. Tại đây, Y. hốt hoảng khi biết kết quả mình mang thai 4 tháng. Khi được gặng hỏi, nữ sinh này cho biết, cái thai chính là hậu quả mối tình giữa Y. với một SV học trước một khóa. Điều trớ trêu là Y. và người yêu vừa chia tay cách đây một tháng. Y. đang hoang mang, lo lắng là không biết nên giữ thai lại hay phá đi. Theo Y. nếu giữ lại thì việc học hành sẽ dở dang, tương lai tăm tối, làm xấu mặt gia đình; mà nếu “giải quyết” thì lương tâm dằn vặt... Mấy ngày sau, Y. trở lại Trung tâm CSSKSS, gặp người bác sĩ khuyên Y. nên giữ lại vì thai đã lớn.
Mới đây, tại một cơ sở khám thai tư nhân trên đường Phan Châu Trinh (TP Huế), chúng tôi gặp một cô gái trong trang phục quần xanh áo trắng, mặt mày non choẹt nhưng xanh xao, một mình đến khám bệnh. Tìm hiểu được biết cô bé đang là học sinh lớp 10 một trường THPT ở Huế. Người mẹ trẻ này đến phòng khám để giải quyết cái thai đã quá 16 tuần tuổi. Cô y tá phụ giúp việc tại phòng khám kể lại, theo lời cô gái, đó là con của một người đàn ông đã có gia đình. Và, cô đã trót lỡ dại trong một lần đi dự sinh nhật của người quen.
![]() |
Sinh viên Đại học Huế tham gia trao đổi về sức khỏe sinh sản. |
Cũng tại một cơ sở khám sản phụ khoa tư nhân trên đường Tam Thai (TP Huế), một học sinh lớp 11 cũng đã tự mình đến giải quyết hậu quả khi cái thai đã quá lớn. Khi được hỏi, vì sao em không đến Trung tâm CSSKSS để “giải quyết” cho an toàn thì em nói: “Em cũng biết vào trung tâm sẽ an toàn hơn nhưng ở trung tâm khi nào cũng đông người, nếu không may gặp người quen, họ về kể lại với gia đình thì em chết mất”... Đó chỉ là một trong số ít trường hợp mà chúng tôi đã gặp tại các cơ sở khám sản phụ khoa. Một bác sĩ chuyên ngành phụ sản cho biết, tình trạng nạo phá thai ở nhiều cơ sở tư nhân không đảm bảo sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung hay vô sinh...
Giáo dục SKSS còn hạn chế
Bác sĩ Phan Đăng Tâm-Phó Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình TT-Huế cho rằng, việc mang thai ở lứa tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, lây nhiễm bệnh tật, mất cơ hội học hành, việc làm... Mang thai ở tuổi vị thành niên rất dễ xảy ra những tai biến như: sản giật, tiền sản giật... đe dọa tính mạng người mẹ. Đặc biệt, những người mang thai ở độ tuổi 18-19 dễ bị các tai biến thai nghén.
Mới đây, hơn 400 SV ĐH Huế đã có buổi giao lưu về SKSS, tình huống được đặt ra là SV nữ có thai. Nhiều ý kiến cho rằng, nên giữ lại cái thai, bởi phá thai gặp nhiều nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng về mặt tâm lý, tình cảm. Một số SV lại có ý kiến, nên phá bỏ bởi nếu giữ lại sẽ ảnh hưởng đến học tập cũng như danh dự của gia đình, hơn nữa tuổi thai còn nhỏ dễ giải quyết mà không để lại nhiều biến chứng... Bác sĩ Phạm Minh Đức, Giám đốc Trung tâm tư vấn SKSS Trường ĐH Y dược Huế cho rằng, đây là tình huống khó, nhạy cảm, do đó, người tư vấn chỉ có thể cung cấp thông tin, giúp SV đó biết rõ tình trạng của mình, hậu quả của việc phá thai hay giữ lại, từ đó bạn gái tự quyết định. Theo BS Đức, việc giữ hay phá thai đều để lại những hậu quả khá lớn, do đó các bạn trẻ nên tránh rơi vào tình huống oái oăm này, và mỗi SV phải trang bị cho mình kiến thức về tình dục an toàn, biện pháp tránh thai.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) Lê Cảnh Nhạc, hơn 1/3 thanh niên Việt Nam chưa được tiếp cận các phương tiện tránh thai. Tình trạng chưa được đáp ứng nhu cầu về các phương tiện tránh thai trong nhóm đối tượng 15-19 tuổi chiếm tới 35,4%, nhóm đối tượng 20-24 tuổi chiếm tới 34,6%. Một số chuyên gia tư vấn cho rằng, những sai lầm của các em phần lớn là do thiếu sự quan tâm của gia đình. Các bậc phụ huynh còn dè dặt trong việc trao đổi với con em về SKSS. Bản thân các em chưa có nhiều kiến thức nhưng lại ở độ tuổi tò mò. Một hạn chế nữa là chương trình học chính khóa ở nhà trường còn xem nhẹ việc giáo dục SKSS cho học sinh. Gần đây, ngành Giáo dục đã đưa nội dung này vào trường học. Hằng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh TT-Huế phối hợp xây dựng nhiều chương trình, đề án giáo dục giới tính và giáo dục kỹ năng sống cho HS- SV trên địa bàn. Mặc dù nhu cầu lớn nhưng các hoạt động vẫn hạn chế, chỉ mang tính phong trào...
Hải Lan
Nâng cao chất lượng sức khỏe bà mẹ và trẻ em QUẢNG NAM- Ngày 22-7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 2252/QĐ-UBND về việc tiếp nhận dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em thông qua việc tiếp cận với thông tin và dịch vụ tránh thai lâu dài và vĩnh viễn” do Tổ chức Marie Stopes International Vietnam tài trợ. Tổng giá trị viện trợ 1,2 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình dài hạn và vĩnh viễn; tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và dịch vụ về các biện pháp tránh thai lâu dài và vĩnh viễn có chất lượng, hiệu quả; tăng cường năng lực cho hệ thống cộng tác viên dân số và cán bộ cung cấp dịch vụ trên địa bàn; tăng cường giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2015 tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Bão Bình