TT-Huế: Khi ngành "công nghiệp không khói" chững lại

Thứ hai, 15/06/2015 11:13

(Cadn.com.vn) - Những năm trước đây, TT-Huế luôn là địa phương dẫn đầu về số lượt khách du lịch (DL) trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thế nhưng, đến nay tình hình đã thay đổi. Tại hội nghị định hướng phát triển tỉnh TT-Huế dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế và doanh nhân được tổ chức ngày 12-6, cho thấy: Trong những năm qua, DL TT-Huế có sự phát triển tương đối ổn định với tốc độ tăng trưởng về khách DL 9,8% năm.

Tuy nhiên, nếu so với tăng trưởng về khách DL, đặc biệt về số lượt khách DL đến Đà Nẵng và Quảng Nam thì mức độ tăng trưởng và số tuyệt đối của DL TT-Huế còn thấp hơn. Năm 2014, Đà Nẵng đón 3,8 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 1,1 triệu; Quảng Nam đón 3,7 triệu lượt khách, khách du lịch quốc tế là gần 1,8 triệu lượt. Trong khi đó, ở TT-Huế, chỉ đón hơn 2,9 triệu lượt khách, khách quốc tế hơn 1 triệu khách.

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương của Viện Nghiên cứu Phát triển DL, mặc dù TT-Huế có tiềm năng DL, đặc biệt là DL di sản; hạ tầng đã được cải thiện với việc nâng cấp sân bay Phú Bài, xây dựng cảng Chân Mây, nâng cấp đường QL1A và đường Hồ Chí Minh... Song những yếu tố đó chưa có những tác động tích cực đến sự phát triển mang tính đột phá của DL TT-Huế tương xứng với vị thế và tiềm năng trong phát triển KT-XH của địa phương cũng như trong chiến lược phát triển DL Việt Nam.

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó là trong thời gian dài, hệ thống sản phẩm DL ít có sự thay đổi, trong khi sản phẩm DL chính của TT-Huế là DL di sản thì được xem là đã phát triển đến giai đoạn “trưởng thành”, nếu không có sự đầu tư làm mới thì tính hấp dẫn của sản phẩm này sẽ đi xuống theo quy luật và theo đó là sự giảm sụt về lượng du khách đến với TT-Huế. Mặc dù TT-Huế đã hết sức nỗ lực tổ chức sự kiện thường niên Festival; tuy nhiên nỗ lực này chỉ đem lại sự tăng trưởng về lượng khách DL trong một thời gian rất ngắn trong thời gian diễn ra sự kiện mà không thể giúp DL TT-Huế có được bước phát triển mang tính đột phá...

Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, PGS-TS Trần Đình Thiên nói, TT-Huế có vị trị lợi thế đặc biệt không tỉnh nào có, là tỉnh cuối cùng của vùng kinh tế Bắc Trung Bộ và cũng là tỉnh tiếp giáp vùng duyên hải Bắc Trung Bộ; là địa phương giao thoa giữa các tỉnh duyên hải miền Trung, tọa độ kết nối của Hành lang Kinh tế Đông Tây (từ Myanmar, qua Thái Lan, Lào đến Việt Nam; qua Lao Bảo đến Huế, Chân Mây-Lăng Cô đến Đà Nẵng). Huế nằm trên trục giao thông quốc gia... Vì thế muốn định hướng phát triển TT- Huế là dựa vào vị trí địa lý, kinh tế và các lợi thế khác.          

Tại hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên đưa ra đề xuất: Cần quán triệt quan điểm di sản của loài người để phục vụ loài người nhằm xác lập tầm nhìn phát triển, quy hoạch vùng-liên kết, quy hoạch và hướng tới đẳng cấp cao, ưu tiên phát triển du lịch. TT-Huế phải nhắm tới các nhà đầu tư chiến lược.

Khâu mấu chốt là đổi mới cách phục vụ doanh nghiệp, phục vụ dân, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng đặc khu kinh tế du lịch dựa trên tam giác phát triển cố đô Huế và Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, vườn Quốc gia Bạch Mã với sự ưu tiên kết nối và liên kết Đà Nẵng-Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha-Kẻ Bàng, Sơn Đoòng. Hạn chế đi đến đầu tư dàn trải, tập trung vào các trọng điểm của vùng và từng tỉnh. Hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển nông nghiệp, đặc sản, công nghệ cao.

H.L