Tự chủ đại học để huy động, khai thác hết các nguồn lực
“Thực hiện tự chủ không chỉ tạo điều kiện cho các trường đại học (ĐH) nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ, hiệu quả nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, mà còn linh hoạt thực hiện đổi mới các chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tự chủ là bước đi đột phá, một giải pháp chiến lược cho sự phát triển, phát huy tối đa nguồn lực về con người và cơ sở vật chất, thu hút tốt hơn các nguồn lực xã hội”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) nhìn nhận.
Quyền lợi của người học được các trường ưu tiên quan tâm khi thực hiện tự chủ. |
Thúc đẩy đổi mới cơ chế hoạt động
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, từ ngày 1-1-2017, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) là một trong 16 trường ĐH trong cả nước và là trường ĐH đầu tiên khu vực miền Trung – Tây Nguyên được Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện đề án tự chủ. Với đề án, trường đã thực hiện tự chủ về bộ máy nhân sự; tự chủ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và các chức năng nhiệm vụ liên quan đến giáo dục ĐH; tự chủ về tài chính, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đối với các trường được Chính phủ giao quyền tự chủ thì có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, phát triển theo các chiến lược, đáp ứng nhu cầu từng vùng miền, khu vực trong từng lĩnh vực đào tạo. Gắn liền với quyền tự chủ, các trường có trách nhiệm giải trình trước xã hội, trước Chính phủ, trước người học về tất cả các lĩnh vực hoạt động, tăng cường sự giám sát của xã hội, sự công khai, minh bạch trong tất cả mọi hoạt động của nhà trường. Đồng thời, nhà trường có trách nhiệm đối với người học là xây dựng mức học phí phù hợp với nội dung, chương trình và chất lượng đào tạo.
Các trường tự chủ có mức học phí cao hơn, nhưng đổi lại người học được thụ hưởng hệ thống cơ sở vật chất, mỗi lớp chỉ 30-35 sinh viên trong những phòng học hiện đại; các chương trình đào tạo nhập khẩu và kế thừa từ những nước tiên tiến, được học tập với giảng viên người nước ngoài, được tăng cường các kỹ năng ngoại ngữ.
“Khi bắt đầu thực hiện thí điểm tự chủ, chúng tôi có băn khoăn về mối quan hệ với các cơ sở giáo ĐH thành viên trong ĐH Đà Nẵng. Nhưng sau thời gian triển khai, thực hiện cho đến nay, chúng tôi thấy rằng mối quan hệ với các trường vẫn rất tốt đẹp, hiệu quả. Trường ĐH Kinh tế vẫn thể hiện là một thành viên tích cực trong ngôi nhà chung ĐH Đà Nẵng. Theo đó, vai trò của Hội đồng trường trong công tác chỉ đạo, giám sát thể hiện hết sức sâu sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường phát triển”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn cho hay.
Lấy lợi ích người học làm đầu
Khi bắt tay vào thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tài chính, đối với khóa tuyển sinh năm 2017, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã có sự điều chỉnh tăng lên so với các khóa trước. Đây là điều kiện rất quan trọng để các trường ĐH tập trung nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng hội nhập, hiện đại; phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học để tiến tới hội nhập, cạnh tranh với thị trường lao động khu vực Đông Nam Á, thế giới.
Theo đó, Trường ĐH Kinh tế đã xây dựng và thực thi các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên. Trong đó, mức học phí đối với sinh viên thuộc diện gia đình chính sách được giữ nguyên như các khóa trước và giống như học phí của sinh viên các trường chưa thực hiện thí điểm tự chủ. Đồng thời, trường tiếp tục hỗ trợ cho các sinh viên thuộc diện chính sách này theo các hình thức miễn, giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định. Đối với sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ, ngoài các học bổng khuyến khích học tập, các nguồn học bổng tài trợ, từ năm 2017, nhà trường hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho các em khi các em phải vay tiền để trang trải chi phí học tập tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với mức hỗ trợ tối đa lên đến 8.910.000 đồng/sinh viên/khóa học. Trường ĐH Kinh tế sẽ thực hiện hỗ trợ trả lãi tiền vay tín dụng cho các em sinh viên sinh sống ở mọi miền đất nước đang theo học tại trường. Thời gian sinh viên được hỗ trợ vay vốn từ chương trình tín dụng trong thời gian 4 năm.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn chia sẻ: “Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của nhà trường để thực hiện mục tiêu không để sinh viên nghèo phải từ bỏ ước mơ theo đuổi việc học. Có thể nói, Trường ĐH Kinh tế là ĐH đầu tiên trên cả nước thực hiện hỗ trợ toàn bộ tiền lãi vay cho sinh viên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Chúng tôi tin tưởng đây là mô hình tốt, nếu được nhân rộng và phát triển sẽ có nhiều sinh viên thuộc diện gia đình nghèo vững tin để vay vốn trang trải chi phí học tập”.
KHẢI MINH