Từ đâu có đường từ Thanh Chiêm tới Cửa Đại?

Thứ sáu, 12/03/2021 15:38

Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà Nguyễn Lành (89 tuổi) dẫn tôi tới vị trí  tấm bia đá hình trụ nằm sát bên đường Phạm Phán, tổ 22 khối Nam Diêu, P. Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ông cho biết đây là tấm bia đã trở thành di tích văn hóa, ghi lại sự kiện mở con đường từ Thanh Chiêm (Cái Quan- QL1A) đến Cửa Đại vào thời vua Minh Mạng thứ 5.

Nghệ nhân Nguyễn Lành bên tấm bia đá.

Tấm bia đá cao chừng 70 cm từ mặt đất trở lên, khắc 4 dòng chữ Hán hiện nay đã mờ, một số chữ bị thời gian tàn phá, sứt mẻ. Theo tài liệu khảo cứu của ông Nguyễn Cường- Phó trưởng phòng Quản lý di tích thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, nội dung của tấm bia này như sau: “Tháng 5 năm Minh Mạng thứ 5 vâng đắp đường mới về phía đông một ngàn ba trăm bốn mươi tầm bốn xích đến phố chợ Hội An, hai ngàn sáu trăm sáu mươi sáu tầm đến Đại Chiêm hải khẩu. Đường về phía tây hai ngàn một trăm mười hai tầm ba xích bốn thốn đến Dinh thành nối lý lộ (đường Cái Quan) một ngàn tám trăm tầm đến Vĩnh Điện hà khẩu”. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, lý do mà vua Minh Mạng cho mở con đường này là nhằm mục đích giải quyết tình hình trật tự trị an ở vùng biển cửa Đại Chiêm, ngày nay là Cửa Đại. Theo sử sách, vào thế kỷ XVII, XVIII, Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất của Đàng Trong, nhiều tàu buôn của thương nhân nước ngoài ra vào tấp nập. Do tàu bè đến và đi đêm ngày nhộn nhịp nên nạn cướp biển cũng hoành hành. Nói về nạn cướp này, sách Đại Nam thực lục, quyển 121, năm Minh Mạng thứ 15 có ghi: “Bọn thuyền người nhà Thanh cứ  quen thói cũ, thường lảng vảng ở ngoài biển mua lậu gạo rồi gặp chỗ vắng người nhân kẻ sơ hở đón cướp thuyền buôn… gần đây, ở hải phận Nam- Ngãi cũng có 2, 3 chiếc thuyền giặc bị quân đánh đuổi tìm đường lẩn trốn. Hiện nay gió bấc đang lộng thế, tất chúng còn ẩn nấp quanh các hải đảo, chưa thể đi xa được. Vậy truyền dụ cho các tỉnh từ Quảng Nam trở vào tới Bình Thuận phải nghiêm sức các bộ tiểu tuần dương và các tấu sở, thủ sở phải ngày đêm đi lại tuần tra thoăn thoắt như thoi, nếu gặp thuyền lạ người Thanh có vẻ khả nghi, xét không phải là thuyền buôn thì lập tức bắt giải để xét trị…”. Quyển 200, sách Đại Nam thực lục, năm Minh Mạng thứ 20 cũng có chép: “Cứ cách vài ngày, giặc lại ở cửa Đại Chiêm đón cướp thuyền công giả của kho Quảng Ngãi. Suất đội (một chức quan võ) Nguyễn Văn Trí ra sức đuổi bắt, đâm chết 4 tên giặc, cứu được 2 thuyền buôn. Vua nghe tin ngợi khen thưởng cho quan quân ở chuyến đi ấy được kỷ lục và tiền có từng bậc…”.

Tình hình trên biển bất an, đường sá từ Dinh trấn Quảng Nam đóng tại xã Thanh Chiêm (nay là xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) về cảng biển Hội An còn quá nhỏ hẹp… nên có người cho rằng, nhằm  kết nối Dinh trấn Thanh Chiêm với Hội An, đồng thời để có lực lượng đối phó nhanh với bọn cướp biển, vua cho mở con đường từ Cái Quan xuống cửa Đại Chiêm. Cũng có ý kiến khác rằng nhằm chuẩn bị cho việc tuần du của vua Minh Mạng nên năm 1824, Dinh trấn Thanh Chiêm huy động sức dân để mở con đường ven sông cho rộng thêm ra. Con đường vừa hoàn thành thì năm 1825, vua Minh Mạng đã có chuyến tuần du trên con đường này để về Hội An.

Biển cấm xâm phạm di tích (bia đá).

Đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định sự ra đời của con đường từ Cái Quan chạy xuống cửa Đại Chiêm xuất phát từ nhu cầu trấn áp bọn cướp biển hay để phục vụ cho chuyến tuần du của vua Minh Mạng năm 1825. Tuy nhiên, giả thuyết tạo tuyến giao thông huyết mạch từ Dinh trấn Thanh Chiêm tới cửa Đại Chiêm vẫn có tính thuyết phục hơn bởi vua Minh Mạng rất quyết liệt trong việc diệt trừ cướp biển để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của các thương gia trong nước và cả tàu bè buôn bán quốc tế, một tư tưởng giao thương, hội nhập rất sớm. Con đường này sẽ đáp ứng kịp thời tính cơ động nhanh chóng của quân binh từ Dinh trấn tới Hội An mỗi khi có sự việc khẩn cấp xảy ra.

Bây giờ, đoạn đường này trên địa phận TP Hội An có tên đường Phạm Phán, đoạn thuộc địa phận thị xã Điện Bàn là đường Nguyễn Du. Tấm bia đá thời Minh Mạng đứng ven đường Phạm Phán của Hội An được coi như “bảng lý trình con đường” chứ không toát lên được hai giả thuyết về nguyên nhân như đã đề cập ở phần trên. Chính điều này nên đến nay lý do về sự hình thành con đường vẫn còn một ẩn số cực kỳ thú vị để cho các nhà nghiên cứu tiếp tục sưu tầm, khám phá.

THÁI MỸ