Từ làng dệt đến căn cứ lõm Bảy Hiền
(Cadn.com.vn) - Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, người dân ngã tư Bảy Hiền (P. 11 Q. Tân Bình, TPHCM), với hầu hết là người Quảng Nam – Đà Nẵng vào lập nghiệp đã lập nên hai kỳ tích tiêu biểu: xây dựng nên một làng dệt Bảy Hiền nức tiếng và căn cứ lõm che chở, nuôi giấu hơn 3.000 CBCS với nhiều đơn vị cách mạng hoạt động, góp phần cùng nhân dân thành phố mang tên Bác và quân dân cả nước làm nên chiến thắng vang dội mùa xuân 1975.
Trước năm 1975, ngã tư Bảy Hiền là cửa ngõ trấn thủ quan trọng đi vào nội thành Sài Gòn, nên chế độ Sài Gòn bố bố trí các căn cứ quân sự dày đặc. Phía Bắc có vành đai quân sự phòng thủ bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất, kế đó là bộ Tổng Tham mưu của quân đội ngụy, phía Tây có căn cứ quân sự của sư đoàn dù trại Hoàng Hoa Thám... Ngoài ra, còn nhiều đơn vị an ninh của Tổng nha cảnh sát, biệt khu Thủ đô, bót Hàng Keo, Cảnh sát Tân Bình, Tân Sơn Nhất... biến nơi đây thành vùng căn cứ liên hoàn nhằm bảo vệ Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất. Trong vòng vây dày đặc của kẻ thù, Bảy Hiền trở thành vùng lõm có nhiều điểm đặc biệt mà khó nơi nào có được.
Theo Bí thư Đảng ủy P. 11 Ngô Tùng Khương, Bảy Hiền là nơi khai cơ lập nghiệp của đa phần người dân quê hương Quảng Nam– Đà Nẵng, vốn là những người tham gia kháng chiến, hoặc có thân nhân tham gia kháng chiến, bị giặc ngoại xâm khủng bố, tàn phá xóm làng phải di cư vào Sài Gòn. Điểm nổi bật ở đây là bản chất cách mạng, tính cộng đồng của những người bà con xa quê sống trên đất khách, ra sức đùm bọc và giúp đỡ nhau, đoàn kết trong đấu tranh để sinh tồn và phát triển. Họ mong muốn có một cuộc sống bình an, lạc nghiệp trên vùng đất mới. Thế nhưng, khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng hy sinh bản thân, đánh đổi sự bình an, hạnh phúc của gia đình để chọn lấy lợi ích cách mạng, lợi ích đất nước. Đây là một bản chất tốt, là điểm cốt lõi để Đảng xây dựng thành “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền” nhằm phục vụ kháng chiến.
![]() |
Ngã tư Bảy Hiền hôm nay. |
Tại “ vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền”, nhiều gia đình và cơ sở cách mạng là nơi che chở, nuôi giấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ đến ngày toàn thắng 30-4-1975. Nhiều người dân Bảy Hiền bị địch tình nghi bắt giữ tra khảo dã man, thừa sống thiếu chết, nhiều người phải mang thương tật suốt đời, vậy mà chưa có cơ sở nào bị lộ, không có cán bộ nào bị bắt. “Vùng lõm chính trị - căn cứ cách mạng Bảy Hiền” có rất nhiều đơn vị, cơ sở cách mạng hoạt động, nhưng chưa bao giờ xảy ra sự chồng chéo dẫm chân nhau. Đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối kết hợp tác chiến đồng bộ. nhịp nhàng và phân định rõ ràng phạm vi ranh giới hoạt động: Quân sự, chính trị, binh vận, địch vận, thanh niên vận, ... kết hợp nổi dậy và tiến công, phối hợp nhịp nhàng đấu tranh chính trị với vũ trang giữa các lực lượng đóng trên địa bàn Bảy Hiền.
Nhiều đồng chí lãnh đạo đã từng chỉ đạo các đơn vị , cơ sở của Đảng về đây xây dựng phong trào, làm bàn đạp và là điểm xuất phát đánh vào trung tâm đầu não của Mỹ ngụy như đồng chí Trần Trọng Tân, Nguyễn Văn Thuyền, Hoàng Thị Khánh, Trương Mỹ Lệ, Đỗ Duy Liên, Lê Thanh Hải, Phan Tấn Thành, Huỳnh Huề,... có thể kể đến vài chục cơ sở, như cơ sở Tuyên huấn Y 4, cơ sở Phụ vận, cơ sở Binh vận, cơ sở Trí vận, cơ sở Thành đoàn, cơ sở Quân báo J90, cơ sở An ninh T4, cơ sở Liên quận 6, Liên quận 8, Liên quận 3, cơ sở Học sinh– Sinh viên, cơ sở Điệp Báo A10, cơ sở Biệt động thành 90c, cơ sở HT 159, Đoàn công tác xã hội Gia Định, nhóm văn nghệ Vừng Hồng, nhóm văn nghệ Hướng Dương, gia đình phật tử chùa Phổ Hiền,...'
![]() |
Đặc sản Quảng Nam tại chợ Bà Hoa. |
Mặc dù địch ra sức khủng bố, tàn sát muốn xóa trắng vùng căn cứ cách mạng Bảy Hiền, nhưng ngay trong lòng địch, ngọn lửa cách mạng vẫn cháy, các tổ chức cách mạng do Đảng lãnh đạo vẫn bí mật hình thành và không ngừng phát triển. Đặc biệt, trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 và Mùa xuân 1975, quân và dân vùng Bảy Hiền đã kết hợp một cách chặt chẽ giữa nổi dậy từ bên trong, tấn công từ bên ngoài giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.
Trong một hội thảo xúc tiến việc đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho P. 11, ông Trần Trọng Tân (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, từng là Phó ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định), khẳng định: “Lực lượng tuyên huấn và các đơn vị khác tồn tại và phát triển hoàn toàn nhờ sự chở che, nuôi dưỡng của nhân dân vùng lõm chính trị Bảy Hiền. Chưa một đơn vị nào bị lộ, chưa một cán bộ bị bắt nơi đây”.
Về ngã tư Bảy Hiền những ngày này, tiếng thoi đưa canh cách, gõ nhịp âm thanh quen thuộc như đang đưa chúng tôi đi giữa lòng quê hương đất Quảng. Phong cách, giọng nói của người dân nơi đây vẫn giữ nguyên hương vị con đất, con nước in bóng những triền dâu Giao Thủy, thấm vị phù sa Vu Gia, Thu Bồn hay lấp lánh văn hóa Phố Hội- chùa Cầu... Trải qua nhiều bước thăng trầm, với tinh thần lao động cần cù sáng tạo, làng dệt Bảy Hiền đã góp phần vinh danh nghề dệt truyền thống xứ Quảng nói riêng, Việt Nam nói chung với những con số ấn tượng: hơn 3.400 máy dệt (thời kỳ 1966-1967); 15-20 triệu mét vải/ năm (1977-1978); 30 triệu mét vải (1980)....
Mai Phúc