Từ năm 2018 đến nay, không có dự án BOT giao thông mới được triển khai

Thứ năm, 15/08/2019 12:35

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của UBTVQH về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018. Một số vấn đề tồn tại liên quan BOT đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận.

Trạm BOT trên QL1A qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực tìm kiếm nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, nhưng vẫn còn một số mặt chưa đạt được như: Từ năm 2018 đến nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương không triển khai được các dự án mới thuộc lĩnh vực giao thông vận tải theo hình thức hợp đồng BOT.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chỉ thị, nhưng nhiều tồn tại của các dự án BOT đã đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 vẫn chưa giải quyết triệt để, khiến dư luận tiếp tục bức xúc như về mức phí, vị trí trạm thu phí, thông tin dự án... Hiện nay, hoạt động thu phí tự động không dừng từ năm 2019 đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước theo Nghị quyết Quốc hội vẫn chưa đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành. Về quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để sớm tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 9-8-2018 giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 5 quy hoạch ngành quốc gia bao gồm: Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2020 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 995/QĐ-TTg nêu trên. Ngoài ra, Bộ GTVT đang triển khai xây dựng các Đề án tăng cường kết nối giao thông trong một số khu vực trọng điểm, các Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác các hạ tầng giao thông trọng yếu hoàn thành trong năm 2019.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ dự kiến định hướng đối với công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 như sau: Tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn vốn ngoài ngân sách (bao gồm cả vốn đầu tư nước ngoài), tận dụng tối đa cơ hội sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi cho các dự án hạ tầng giao thông. Trên cơ sở rà soát hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong quá trình xây dựng các quy hoạch ngành quốc gia và các đề án về tăng cường kết nối giao thông trong các khu vực để xác định danh mục, thứ tự ưu tiên đầu tư của các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm có tính kết nối, lan tỏa cao hoặc công trình, dự án nâng cao được hiệu quả khai thác của các hạ tầng trọng yếu đã đầu tư tại mỗi khu vực.

Sau khi có chủ trương của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT lựa chọn danh mục các dự án cần ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với từng hình thức đầu tư dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng cũng như tính cấp thiết, liên thông trong cả quy hoạch hệ thống giao thông.

V.T