Từ ngày 1-7: Xử phạt người điều khiển xe máy điện không đăng ký
(Cadn.com.vn) - Theo Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) CATP Đà Nẵng, tính đến đầu tháng 4-2016, toàn thành phố có 785 xe máy điện đã đăng ký tại CA các quận huyện. Đây là con số rất thấp so với lượng xe máy điện mà người dân đã mua và tham gia giao thông hàng ngày. Từ 1-7, người điều khiển xe máy điện nhưng chưa đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định.
Trong số 785 xe máy điện đã đăng ký, Q. Hải Châu có 280 chiếc, Thanh Khê 202 chiếc, Cẩm Lệ 82 chiếc, Sơn Trà 78 chiếc, Liên Chiểu 70 chiếc, Ngũ Hành Sơn 48 chiếc và H. Hòa Vang 25 chiếc. Theo Trung tá Phan Văn Thương- Phó trưởng Phòng CSGT, năm 2014, Bộ CA có thông tư quy định về việc đăng ký xe điện. Đến tháng 10-2015 Bộ tiếp tục có thông tư bổ sung tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đăng ký, kết hợp với việc nhắc nhở, vận động đến 30-6-2016.
Rất nhiều học sinh điều khiển xe máy điện chưa đăng ký (ảnh chụp trưa 26-4 tại đường Hải Phòng). |
Tại Đà Nẵng, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo Sở GD & ĐT, Sở TT-TT, UBND các quận, huyện tăng cường tuyên truyền để người dân chấp hành các quy định của pháp luật. Lực lượng CA cũng đã có văn bản gửi Sở GD & ĐT chỉ đạo các trường học, quán triệt học sinh và phụ huynh khẩn trương đăng ký xe máy điện theo quy định. Hiện tại, trong khi làm nhiệm vụ hàng ngày, nếu phát hiện người dân điều khiển xe máy điện lưu thông nhưng chưa đăng ký thì lực lượng CSGT sẽ nhắc nhở, hướng dẫn người điều khiển khẩn trương làm thủ tục đăng ký. Sau thời gian tuyên truyền, vận động tới các tầng lớp nhân dân, từ 1-7, Phòng CSGT sẽ đồng loạt triển khai các lực lượng trên toàn địa bàn, kiểm tra, nếu phát hiện các trường hợp xe máy điện lưu thông không đăng ký sẽ xử phạt, tạm giữ phương tiện giống như xử phạt mô- tô thông thường. Bên cạnh đó, Giám đốc CATP cũng chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm các lỗi như người điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe chạy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, điều khiển xe đi sai làn đường, phần đường, đi ngược chiều...
Ngày 26-4, trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Bích Thuận- Phó Giám đốc Sở GD & ĐT TP Đà Nẵng cho biết, Sở đã có văn bản đề nghị các Phòng GD & ĐT, các trường lồng ghép vào chương trình học, chương trình ngoại khóa để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không đi xe máy đến trường, đội mũ bảo hiểm khi ngồi sau xe phụ huynh, nếu đi xe máy điện thì phải chấp hành các quy định. Ngay từ đầu năm học, tất cả học sinh đều ký cam kết với nhà trường về những nội dung liên quan đến việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông. Theo bà Thuận, để nâng cao ý thức và tạo ra thói quen tự giác trong học sinh thì điều cơ bản nhất vẫn là sự hợp tác giữa phụ huynh với nhà trường, đây vẫn là hạn chế từ lâu nay không chỉ riêng ở Đà Nẵng.
Ngành Giáo dục kết hợp rất nhiều biện pháp tuyên truyền với tâm niệm mưa dầm thấm lâu. Bản thân phụ huynh học sinh cũng hiểu được vấn đề này nhưng thỉnh thoảng vì công việc gia đình, khó khăn trong việc đưa đón nên một bộ phận vẫn chưa thực sự chặt chẽ, nghiêm túc trong việc yêu cầu, định hướng con em mình chấp hành các quy định của pháp luật. “Ngoài nhiệm vụ của mình, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ nhận được sự cộng tác hiệu quả hơn từ phụ huynh để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các em, góp phần trong công tác đảm bảo TTATGT và quan trọng hơn là hạn chế, ngăn ngừa những hậu quả không đáng có”, bà Thuận cho hay.
Bảo Nam