Từ ngày hội văn hóa dân gian đến “trường học thân thiện, học sinh tích cực”

Thứ sáu, 26/03/2010 00:00

 (Cadn.com.vn) - “Ngày hội Văn hóa Dân gian” là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhất hướng đến kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, 79 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 35 năm Ngày giải phóng TP Đà Nẵng của Trường Tiểu học Phù Đổng. Đây còn là hoạt động đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực", nhằm đem lại sân chơi lành mạnh cho học sinh từ những trò chơi văn hóa dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần khơi dậy những trò chơi truyền thống đang có nguy cơ dần bị mai một... Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Tăng Hoa- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng.

 

P.V: Hiện nay, bao phụ huynh học sinh than phiền về việc con em mình không biết chơi những trò chơi dân gian bổ ích, mà suốt ngày ngồi trước máy tính chơi điện tử, hoặc vào các quán Internet chơi game- loại hình giải trí tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ khiến trẻ hư hỏng, thậm chí vi phạm pháp luật. Vì vậy, việc nhà trường chuẩn bị tổ chức “Ngày hội Văn hóa Dân gian” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều phụ huynh học sinh. Thầy giáo có thể cho biết về sân chơi “Ngày hội Văn hóa Dân gian” này của nhà trường?

Thầy Nguyễn Tăng Hoa: “Ngày hội Văn hóa Dân gian” của trường sẽ được tổ chức vào hôm nay (26-3), có những trò chơi như rung chuông vàng, thi vẽ tranh chủ đề “Làng quê Việt” (chọn ra những bức tranh đẹp để bán gây quỹ phát quà cho học sinh nghèo của trường), vật tay, đổ nước vào chai, nghi thức múa hát... Bên cạnh đó, các gian hàng dân gian khơi dậy những trò chơi dân gian đậm nét văn hóa truyền thống như thư pháp, chuột đi tìm nhà, câu cá, tìm thú, đập niêu, ném lon, ném vòng, xổ số lô tô và trưng bày, bán các đồ chơi dân gian: chong chóng giấy, cào cào tết bằng lá dừa, tò he... Các gian hàng ẩm thực cũng được chú trọng với nhiều món ăn dân dã, truyền thống: bánh bèo, bánh đúc, bánh nậm, bánh lọc...

Đây là một trong những hoạt động thiết thực của phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích, mang đậm tính văn hóa truyền thống của dân tộc nên có ý nghĩa giáo dục cao. Qua đó, để các em giao lưu, chia sẻ, thân thiện hơn với bạn bè, thầy cô giáo và cũng là dịp rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (như chào hỏi, giao tiếp, nhất là đối với những học sinh còn rụt rè, nhút nhát trong các hoạt động tập thể...).

P.V: Được biết, trong thời gian qua, phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trên địa bàn Đà Nẵng đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dạy và học, nói không với tiêu cực trong thi cử và trong trường học. Phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả như thế nào đối với nhà trường- thưa thầy?

Thầy Nguyễn Tăng Hoa: Những năm qua, cơ sở vật chất của nhà trường đã được nâng cấp theo hướng tạo cảnh quan, môi trường sư phạm ngày càng thân thiện hơn, gần gũi hơn cho học sinh. Nhà trường đã làm nhiều pa-nô, báo tường về tiểu sử, lịch sử các anh hùng dân tộc qua các thời kỳ lịch sử; mô hình học tập ngoài sân trường (thư viện ngoài sân trường là nơi để các em học sinh vừa ngồi hóng mát dưới gốc cây, vừa  đọc sách báo...), bảng cửu chương dán ở các bậc cầu thang để các em có thể vừa chơi vừa học; tổ chức lễ ký cam kết “Trường học thân thiết, học sinh tích cực” và “Cổng trường bình yên” giữa phụ huynh học sinh và nhà trường... Đặc biệt, việc nhà trường tổ chức hộp thư “Điều em muốn nói” được đặt ở các phòng Đoàn, Đội, thật sự là “diễn đàn thân thiện” giúp các em mạnh dạn trao đổi, phản ánh và kiến nghị những điều mà các em muốn nói về cô giáo của mình, những cái được và chưa được từ các bữa ăn bán trú, về vệ sinh trường lớp, về bạn bè, thầy cô...).

Các em có thể giãi bày, tâm tình trên giấy tất cả những suy nghĩ, mong muốn của mình và Tổng phụ trách Đội đọc những lá thư đó, sẽ xem xét tùy theo từng vấn đề mà giải quyết ngay hoặc đề xuất Ban Giám hiệu nhà trường giải quyết chu đáo, kịp thời, để các em học sinh có được môi trường học tập thân thiện nhất. Trường học thân thiện không chỉ thể hiện ở cảnh quan thân thiện, trường lớp thân thiện, cô giáo thân thiện, bạn bè thân thiện... mà ngay cả nhà vệ sinh cũng thân thiện. Tâm lý học sinh thường ngại vào nhà vệ sinh, vì vậy, ngoài việc nhà vệ sinh luôn được dọn sạch sẽ, nhà trường còn treo tranh ảnh, cây xanh, quạt trang trí vào trong nhà vệ sinh để tạo cảm giác thân thiện, gần gũi cho các em...

P.V: Thầy có thể cho biết từ hiệu quả của phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đối với chất lượng dạy và học của nhà trường hiện nay, trong thời gian tới, nhà trường sẽ làm gì để phong trào hiệu quả hơn, chất lượng hơn?

Thầy Nguyễn Tăng Hoa: Phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Điều này đã thể hiện cụ thể ở những thành tích, kết quả dạy và học trong các năm học vừa qua, nhất là năm học 2009-2010, nhà trường luôn đoạt nhiều giải và dẫn đầu ở nhiều giải thi như thi học sinh giỏi thành phố đoạt 154 giải, nhất toàn đoàn cuộc thi viết chữ đẹp và Olympic tiếng Anh, thi tin học trẻ... Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh nâng cấp cơ sở vật chất, trường lớp, bàn ghế..., đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, tạo môi trường sư phạm tốt nhất, thân thiện nhất cho học sinh, giữ vững “thương hiệu” của trường Phù Đổng- một trong 3 trường tiểu học chất lượng của Q. Hải Châu.

P.V: Cảm ơn Thầy về cuộc trao đổi này!

Hồng Nhật

(thực hiện)