Từ nhật ký chiến trường đến lịch sử dân tộc

Thứ ba, 10/05/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - Bà Lê Thị Kinh (Phan Thị Minh)-người chị gái thứ hai của cố nhà văn Phan Tứ, cháu ngoại của nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, trước đây từng là Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. Bà là người dịch thuật, biên tập, hiệu đính 3 tập Nhật ký chiến trường dày 2.500 trang của nhà văn Phan Tứ, đã được Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt bạn đọc vào năm 2011. Gần đây, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với bà, nghe bà trải lòng về người em trai-nhà văn Phan Tứ khi dịch thuật bộ nhật ký và ghi chép về chiến trường của ông.

Bà Lê Thị Kinh dịch nhật ký chiến trường của nhà văn Phan Tứ vào năm 2007.

Thưa bà, có phải vì từ lòng nhiệt thành cách mạng  mà dù tuổi cao, sức yếu, bà vẫn  bỏ ra tới 5 năm dồn tâm lực vào việc dịch thuật, biên tập, hiệu đính 3 tập Nhật ký chiến trường đồ sộ này của nhà văn Phan Tứ? 

Bà Lê Thị Kinh: Khi tôi về nghỉ hưu, Phan Tứ đưa cho tôi hàng mấy chục cuốn sổ ghi chép viết tay của nó ở chiến trường, những trang viết ken dày chủ yếu bằng tiếng Pháp, có cả tiếng Nga, tiếng Lào, tiếng Anh. Ban đầu tôi cũng chỉ xem lướt qua vì nghĩ đây là gia sản Tứ để lại cho vợ là Phương Thảo. Nhưng sau khi Tứ lâm bệnh do ảnh hưởng chất độc da cam rồi mất, tôi xót xa thương nhớ đã đọc từng trang nó viết. Đọc tới đâu, xúc cảm vì tình máu mủ, ruột thịt đến đấy. Nhà có mỗi một mình nó là con trai, nó tốt lắm, được chị em trong nhà cưng chiều, nhưng bản tính nó không ỷ lại, luôn nghiêm khắc với chính mình. Nó thể hiện tính cách, nghị lực của mình ngay ở những trang viết trong hoàn cảnh khắc nghiệt phải đối phó với địch, nào đạn bom, nào sốt rét, đói khát. Tất cả những cảnh, những việc, những người ở chiến trường cứ hiện lên rõ mồn một. Thế là tôi quyết tâm bắt tay vào dịch 34 cuốn sổ với 4.000 trang ghi bằng nhiều thứ tiếng của Tứ. Phương Thảo không được khỏe bởi những lao tâm, lao lực chờ chồng, nuôi con trong chiến tranh, nhưng cô ấy cũng phụ giúp tôi hiệu đính những chỗ mất câu, mất chữ và phóng to các trang sổ ra giấy A4 để có thể đọc được. Sau khi tôi dịch xong từng tập nhật ký, Thảo đọc lại thích lắm, cứ khen: sao chị dịch mà cứ y như lời lẽ, giọng văn của Phan Tứ vậy! Sách mở đầu từ lúc Phan Tứ rời Ban tuyên huấn Khu 5 để về đồng bằng mở ra vùng giải phóng đầu tiên Tứ Mỹ (Nam Tam Kỳ-Quảng Nam), và kết thúc Phan Tứ chấm dứt hành trình 2 tháng rưỡi đi bộ gian khổ trên đường Hồ Chí Minh tại H. Lệ Thủy-Quảng Bình, về đến Hà Nội sau 5 ngày đêm đi xe tải dưới bom đạn.

Thành công ấy, trong dịch thuật bộ nhật ký và ghi chép văn học đồ sộ “Từ chiến trường khu 5” là xuất phát từ tình cảm cá nhân mạnh mẽ hay từ vốn tiếng Pháp và học thức uyên thâm của một người đã từng làm công tác đối ngoại nhiều năm, thưa bà?

Bà Lê Thị Kinh: Có lẽ là nghiêng ở sự đồng cảm. Mình đã diễn đạt đúng như kiểu suy ngẫm diễn đạt của Tứ. Nếp sống gia đình ăn sâu trong tính cách cậu em trai, hai chị em có điều gì cũng trao đổi với nhau. Tứ quý mình lắm, trong Nhật ký nó luôn nhắc tới chị mình, nó vẫn viết thư cho mình và Thảo. Mặc dù không lạ gì tính cách tỉ mỉ, cẩn thận của em mình, nhưng đọc những trang Nhật ký của nó, mình vẫn rất ngạc nhiên và khâm phục. Không ngờ vốn tiếng Pháp của Tứ lại khá đến như vậy. Có một người bạn Pháp khi đọc cũng phải thốt lên: “Đây là văn của nhà văn lớn viết bằng tiếng Pháp”. Mà nó lại viết trong điều kiện thiếu ánh sáng ở núi rừng, đôi mắt cận thị nặng, bàn tay và cột sống sớm bị cứng khớp, lại thêm nhiều ngày đói cơm lạt muối, luôn bị những cơn sốt rét, rừng, vắt, đỉa, muỗi hành hạ, chưa kể bom đạn và càn quét, phục kích của địch... 

Thưa bà, lớp thanh niên sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chống Mỹ như chúng tôi rất yêu thích tác phẩm “Mẫn và tôi” của nhà văn Phan Tứ. Được biết trong lễ tang ông, đã có vòng hoa mang dòng chữ “Mẫn và tôi sống mãi” do một số độc giả ngưỡng mộ mang đến viếng. Tôi xin hỏi tò mò một chút: có tin đồn cô Mẫn trong tác phẩm hiện đang tồn tại thật ngoài đời. Vậy, ở trong những cuốn sổ tay nhật ký của Phan Tứ thời gian ông hoạt động ở chiến trường liên khu 5, có bao giờ ông dành riêng mối thiện cảm cho một người phụ nữ tương tự như cô Mẫn trong tác phẩm hay không? 

Bà Lê Thị Kinh: Hình tượng cô Mẫn trong “Mẫn và tôi” là một hình tượng đẹp về người phụ nữ Nam Trung Bộ trong chiến tranh, có sự chắt lọc từ những vẻ đẹp của những người mẹ, người chị ngoài đời thực. Còn nhật ký lại là những ghi chép rất thật của Phan Tứ; ở những trang đầu mỗi cuốn sổ, Tứ đều ghi: "Mật-ghi chép riêng của Phan Tứ không ai được xem”. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy có cô nào được nhắc tới với một thiện cảm đặc biệt na ná như cô Mẫn trong tiểu thuyết. Tôi cho rằng, với một tác phẩm lớn nhận được đông đảo cảm tình của độc giả thì sự thêu dệt chỗ này, chỗ nọ âu cũng là lẽ thường tình.

Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện nhiều bổ ích và lý thú!

Nguyễn Thị Thúy Hồng