Tự phê bình và nêu gương
(Cadn.com.vn) - Nhìn lại quá trình từ khi Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Đảng ban hành, nhiều vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đề cập. Một trong những vấn đề dư luận và đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm là tự phê bình, phê bình và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu sẽ được làm và hiệu quả ra sao? Vấn đề mà nghị quyết đã nêu là T.Ư Đảng có nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng kết quả không đạt yêu cầu. Đây là câu hỏi lớn đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng và với từng cán bộ, đảng viên.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân chủ yếu là cấp trên và người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thật sự làm gương trong thực thi nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chính vì thế mà, một trong những cách làm mới và quyết liệt lần này là cấp cao nhất làm trước và làm gương để các cấp và toàn thể đảng viên làm theo. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư đã nêu cao tinh thần tự phê bình và thẳng thắn nhận khuyết điểm về việc triển khai, thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra kế hoạch cụ thể để kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, lấy ý kiến đóng góp xây dựng của các đồng chí tiền nhiệm, các đồng chí trung ương đã nghỉ công tác...
Tự nêu gương của tổ chức, cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt Đảng và trong cuộc sống là vấn đề cốt tử để giữ vững và nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải tự mình nêu gương cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Người chỉ rõ rằng: Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm ngày càng thêm.
Trong thực tế hoạt động, công tác Đảng, chúng ta nhận thấy rằng, những yếu kém trong chỉnh đốn Đảng hiện nay có nguyên nhân do tự nêu gương của tổ chức và cán bộ, đảng viên. Trong sinh hoạt Đảng, không ít cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy thiếu kiên quyết, thực hiện không đầy đủ các nội dung của sinh hoạt Đảng, sợ nêu những vấn đề nhạy cảm đối với khuyết điểm của cán bộ chủ chốt và gia đình họ, các vấn đề bức xúc, nổi cộm của địa bàn và cơ quan, đơn vị mình... sẽ gây ra mất “đoàn kết” mà không biết rằng làm như thế là thủ tiêu đấu tranh làm cho sức chiến đấu của Đảng bị suy giảm, là “đoàn kết một chiều”.
Cũng do người đứng đầu cấp ủy, tập thể cấp ủy không tự nêu gương phê bình và tự phê bình nên không phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Một khi tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, tập thể cấp ủy trong phê và tự phê yếu kém thì sinh hoạt Đảng trở nên hình thức, nhiều khi vi phạm các quy định và Điều lệ Đảng. Trong đó có không ít cán bộ, đảng viên còn làm những việc xấu, lợi dụng chức quyền để tham ô, đục khoét tài sản, tiền của Nhà nước và của dân, thậm chí làm trái nghị quyết của Đảng và luật pháp Nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích của nhân dân, làm cho nhân dân oán thán, kêu ca, khiếu kiện. Có những cán bộ, đảng viên sống buông thả, vi phạm vào đạo đức, lối sống, các quy định của Đảng... thật sự là làm mất tư cách của người đảng viên, làm ô danh Đảng nhưng lại giấu giếm, thậm chí còn tự “đánh bóng mình”, dùng mọi thủ đoạn, mánh khóe, kể cả hối lộ, nịnh nọt cấp trên để lên chức, thêm quyền.
Tự mình làm gương của cán bộ, đảng viên là phải vượt lên chính bản thân, tự mình nhìn nhận và sửa chữa những khuyết điểm, yếu kém và tự mình phấn đấu vươn lên phát huy những cái tốt, cái hay, cái đẹp, cái thiện trong con người mình. Đó chính là sự tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức chống lại chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Như Bác Hồ đã dạy, người cán bộ, đảng viên muốn trở thành người cách mạng chân chính thì không có gì khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào mình thì sẽ tiến đến chỗ chí công, vô tư. Người từng nói: Không ai bắt buộc ai vào Đảng cả. Đã vào Đảng thì phải làm tròn nhiệm vụ Đảng giao cho, phải giữ vững danh hiệu đảng viên, phải tự mình xung phong làm gương mẫu.
Hiện nay, học và làm theo tấm gương của Bác, cần gắn liền với quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 về xây dựng Đảng. Và, việc tự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy và của từng cán bộ, đảng viên là vấn đề có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Có thể nêu lên một số việc mà mỗi đảng viên, cán bộ, người đứng đầu cấp ủy cần suy nghĩ để tự làm gương mẫu:
- Tự giác kê khai tài sản của mình và gia đình (diện phải kê khai theo quy định); đề nghị T.Ư nên cho công khai tài sản của một số chức danh để các cơ quan giám sát và nhân dân biết;
- Thật thà thực hiện tự phê bình trước chi bộ và cấp trên;
- Tự kiểm điểm trước chi bộ và cơ quan quản lý trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tiêu chí: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;
- Tự giác nhận sai lầm, khuyết điểm nếu để xảy ra tham nhũng, thất thoát tài sản công, đơn vị, cơ quan mất đoàn kết hoặc để nhân dân trên địa bàn phụ trách khiếu kiện, kêu ca, oán trách; công khai nhận khuyết điểm, sai lầm và kế hoạch sửa chữa nếu những sai lầm, khuyết điểm làm tổn hại đến uy tín của Đảng, nhà nước và lợi ích của nhân dân;
- Tích cực tham gia sinh hoạt Đảng, nêu cao tinh thần đảng viên đi trước, chủ động đóng góp công sức, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện sáng tạo các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, góp phần vào việc nâng cao đời sống của nhân dân;
- Chăm lo xây dựng gia đình văn hóa tiêu biểu...
Làm được những việc trên đây là thiết thực làm theo tấm gương đạo đức của Bác và là cách đưa Nghị quyết Hội nghị T.Ư4 về xây dựng Đảng vào cuộc sống có hiệu quả, lấy lại lòng tin của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thật sự thấm nhuần lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trước lúc đi xa: Đảng ta là Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thật sự là người lãnh đạo và là đầy tớ trung thành của nhân dân.
TS Phạm Văn Khánh