Lợi thế bất ngờ đối với Ukraine khi ông Trump "thất vọng" với Nga

Thứ ba, 15/07/2025 11:30

Một số nhà quan sát cho rằng, Ukraine đang hưởng lợi từ sự thất vọng gần đây của Tổng thống Donald Trump đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg đã đến Kiev vào ngày 14-7. Ảnh: Telegram
Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg đã đến Kiev vào ngày 14-7. Ảnh: Telegram

Bất ngờ chuyển hướng

Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức. Nhưng đến nay, sau hơn 4.000 giờ tại vị, sự kiên nhẫn của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin - người mà mới tháng trước ông còn gọi là "rất tử tế", dường như đang cạn dần.

Quan hệ hai bên đã rơi vào bế tắc khi Nga tiếp tục tăng cường các đợt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các thành phố của Ukraine, đồng thời nhiều lần dường như phớt lờ các nỗ lực của ông Trump nhằm làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn. Ông Trump từng nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, ngay cả khi các điều kiện được cho là quá ưu ái với Moscow. Tuy nhiên, mọi đề xuất của ông đều bị phía Nga từ chối thẳng thừng.

Trên thực tế, hai vòng đàm phán ngừng bắn gián tiếp do ông Trump làm trung gian đều thất bại. Sau nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Trump dường như đang điều chỉnh lại quan điểm và cả hành động với Nga. Tổng thống Trump, người từng được coi là "người bạn chính trị" của Tổng thống Nga Putin, giờ đây đang công khai chỉ trích Điện Kremlin. Sự chuyển hướng bất ngờ này không chỉ đặt dấu chấm hết cho hy vọng tái khởi động quan hệ Mỹ - Nga mà còn làm dấy lên lo ngại về một chu kỳ leo thang căng thẳng mới giữa hai siêu cường hạt nhân.

Tại cuộc họp nội các diễn ra tại Nhà Trắng ngày 8-7 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump không giấu được sự giận dữ khi nhắc đến Tổng thống Nga Putin. Ông tuyên bố: "Tôi không hài lòng với ông Putin. Tôi nói thẳng điều đó ngay bây giờ, bởi số binh sĩ Nga và Ukraine thiệt mạng là quá nhiều. Chúng tôi chỉ nhận được toàn những lời nói suông từ ông ấy. Ông ta luôn tỏ ra thân thiện, nhưng rốt cuộc tất cả chỉ là vô nghĩa".

Cung cấp vũ khí cho Ukraine

Theo hãng tin TASS ngày 14-7, phát biểu tại Washington, Tổng thống Trump cho biết Washington sẽ tiếp tục chuyển giao nhiều loại vũ khí quân sự hiện đại cho Ukraine, trong đó có các hệ thống phòng không Patriot, với cam kết Liên minh châu Âu (EU) sẽ thanh toán toàn bộ chi phí. Kiev không phải chịu bất kỳ chi phí nào. "Về cơ bản, chúng tôi sẽ gửi cho họ nhiều loại vũ khí tối tân. Họ sẽ trả cho chúng tôi 100% chi phí", ông Trump nói, đồng thời cho biết nội dung này sẽ được thảo luận trong cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Washington ngày 14-7.

Trả lời câu hỏi về khả năng chuyển giao hệ thống phòng không Patriot, Tổng thống Trump cho biết ông chưa quyết định số lượng cụ thể nhưng xác nhận Ukraine sẽ nhận được một số tổ hợp tên lửa này. "Tôi chưa thống nhất về con số, nhưng họ sẽ có một số vì họ cần được bảo vệ. Liên minh châu Âu sẽ chi trả cho số vũ khí này. Chúng tôi không phải trả bất cứ khoản nào, nhưng chúng tôi sẽ gửi đi. Đây sẽ là công việc kinh doanh của chúng tôi", ông Trump nói thêm.

Ngày 14-7, Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg, đã tới thủ đô Kiev, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Washington sẽ cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine. Đây được xem là một bước ngoặt trong lập trường của ông Trump đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, thể hiện sự thay đổi rõ rệt so với quan điểm thận trọng trước đó liên quan đến hỗ trợ quân sự cho Kiev.

Trước đó, hôm 11-7, Ngoại trưởng Mỹ Rubio cho biết một số loại vũ khí do Mỹ sản xuất mà Ukraine đang cần hiện đang được triển khai tại các đồng minh NATO ở châu Âu. Các vũ khí này có thể được chuyển cho Ukraine, trong khi các quốc gia châu Âu sẽ mua vũ khí thay thế từ Mỹ. "Việc vận chuyển một thứ gì đó từ Đức sang Ukraine nhanh hơn nhiều so với việc đặt hàng từ một nhà máy ở Mỹ rồi vận chuyển sang", ông Rubio nói với các phóng viên vào tuần trước trong chuyến thăm Malaysia.

Trừng phạt Nga

Ông Trump cũng đang nhận được những lời kêu gọi từ cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, cũng như các đồng minh châu Âu, yêu cầu ủng hộ một dự luật tại Thượng viện nhằm làm "tê liệt" ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga cũng như các biện pháp trừng phạt khác. Dự luật này đề nghị áp mức thuế 500% đối với các hàng hóa nhập khẩu từ các nền kinh tế đang tiếp tục mua dầu, khí đốt, uranium và các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga. Dự luật này được cho là sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, vốn chiếm khoảng 70% thương mại năng lượng của Nga.

Dự luật này nhận được sự ủng hộ áp đảo tại Thượng viện, nhưng ban lãnh đạo đảng Cộng hòa vẫn đang chờ động thái "bật đèn xanh" của Tổng thống Trump trước khi có thể thúc đẩy. Tuy vậy, Nhà Trắng đã bày tỏ một số quan ngại về dự luật này.

Trong một diễn biến khác, nhiều nguồn tin ngoại giao cho CBS News biết Tổng thống Trump đang cân nhắc phê duyệt một gói viện trợ mới cho Ukraine lần đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức vào hồi tháng 1. Các nguồn tin cho biết khoản viện trợ mới này có thể nhằm mục đích gửi đi thông điệp cứng rắn hơn tới Nga. Các quan chức Mỹ nói với CBS News rằng ông Trump có sẵn 3,85 tỷ USD từ thẩm Quyền rút vũ khí khẩn cấp (PDA) còn lại từ thời cựu Tổng thống Biden, có thể được sử dụng để tiếp tục gửi thiết bị quân sự của Mỹ cho Ukraine. Các cựu quan chức cũng cho biết ông Trump cũng có quyền tịch thu khoảng 5 tỷ USD tài sản Nga ở nước ngoài và chuyển các khoản tiền này cho Ukraine, dù chính ông và cựu Tổng thống Biden đều chưa sử dụng quyền này.

AN BÌNH

Ukraine dọa tấn công tầm xa vào Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới vào sâu bên trong lãnh thổ Nga, chỉ vài ngày sau khi Mỹ cam kết nối lại viện trợ quân sự cho Kiev.

Theo RT, đây là tuyên bố của ông Zelensky sau cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Aleksandr Syrsky và Tổng tham mưu trưởng Andrey Gnatov hôm 13-7. "Các đơn vị của chúng tôi sẽ tiếp tục tiêu diệt những kẻ chiếm đóng và làm mọi cách có thể để đưa xung đột vào lãnh thổ Nga. Chúng tôi đang chuẩn bị các cuộc tấn công tầm xa mới", Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.

Cùng ngày, ông Zelensky cho biết, trong tuần này, Ukraine đã hứng chịu đợt tấn công bằng UAV lớn nhất kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu. Nga đã phóng hơn 1.800 thiết bị bay không người lái (UAV) tầm xa, hơn 1.200 bom lượn và 83 tên lửa các loại vào Ukraine trong tuần qua.

Anh - Pháp lần đầu hợp lực răn đe hạt nhân, gửi thông điệp đến Nga?

Động thái mới đánh dấu bước ngoặt trong hợp tác quốc phòng của hai cường quốc hạt nhân châu Âu.

Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine?

Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ đã nói những lời trực tiếp mạnh mẽ nhất của mình về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, thể hiện một sự quay trở lại với nền tảng cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Nga - Mỹ điện đàm

Tối 3-7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm thứ 4 trong vòng 6 tuần qua, đánh dấu lần tương tác thứ 6 giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ kể từ đầu năm.