Từ tình yêu trẻ đến “thương hiệu” Trường Mầm non Hoa Phượng
(Cadn.com.vn) - Sau 15 năm thành lập, ngày 14-8-2012, Trường MN Hoa Phượng (Thanh Khê, Đà Nẵng) được UBND TPĐN ra QĐ số 6641 công nhận là trường MN đạt chuẩn Quốc gia (cấp độ 1). Như vậy, sau Trường MN Hồng Nhung, đây là trường thứ hai trong hệ thống trường MN tư thục trên địa bàn Q.Thanh Khê được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của nhà trường trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng chăm sóc, dạy dỗ trẻ, tạo dựng thương hiệu...
Từ ý tưởng đến hiện thực
Người khởi xướng thành lập Trường MN Hoa Phượng là bà Trần Thị Hương, trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê. Bà Hương kể: ý tưởng này được thai nghén vào năm 1993, khi Đảng có NQ về xã hội hóa giáo dục. Lúc đó, bà đang là nhân viên Phòng tổ chức hành chính Chi cục Dự trữ. Vào thời điểm đó, trên địa bàn P. Xuân Hà chỉ mới có 1 trường MN Hải Đường, không đủ đón hết các cháu trong độ tuổi tại địa phương vào học. Từng trải qua giai đoạn đưa đón con đi học ở cấp học này, nên bà rất thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của những người phụ nữ vừa phải đi làm, vừa phải lo cho con đi học như thế nào. Đem ý tưởng này bàn bạc với chồng, bà nhận được sự ủng hộ hết mình. Người thân và bạn bè khi hay tin cũng rất ủng hộ. Thế là, một năm sau đó, bà xin nghỉ hưu nhận chế độ một lần rồi vay mượn bạn bè, dùng sổ nghiệp chủ thế chấp ngân hàng vay vốn thành lập trường. Để có mặt bằng mở trường, bà liên hệ với P. Xuân Hà cho thuê khu đất của HTX 230m2. Nhờ sự giúp đỡ của Hội CCB, Hội Người cao tuổi P. Xuân Hà, kế hoạch mở trường của bà đã được UBND phường chấp thuận, hỗ trợ cho thuê với giá ưu đãi. 2 năm sau, bà mua được lô đất. Ngày 3-9-1997, Trường MN Hoa Phượng chính thức được thành lập theo QĐ số 376. 15 năm, để có được cơ ngơi rộng 760m2 đất với tổng diện tích sử dụng 2.280m2 như hiện nay, nhà trường đã phải thực hiện 5 công đoạn mua dần từng phần một qua sự giúp đỡ của người thân bằng nhiều cách.
![]() |
Cô giáo Trường MN Hoa Phượng chăm sóc cho trẻ MN. Ảnh: P.T |
Nhớ lại giai đoạn khó khăn này, bà Hương xúc động: “Được gia đình, người thân và bè bạn đồng tình ủng hộ, để được các cấp chấp nhận cho mở trường, trước khi quyết định nghỉ hưu, tôi tranh thủ vừa đi làm, vừa đi học thêm chuyên môn ban đêm tại TRƯờNG CĐSP QN-ĐN (cũ), tìm đến các trường MN công lập và tư thục để học hỏi kinh nghiệm trong việc tổ chức mở lớp mẫu giáo, đón, đưa cháu, cách bố trí bếp ăn, hợp đồng mua lương thực, thực phẩm, chế biến cho trẻ như thế nào cho hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn... Từ chỗ mấy chục cháu với 4 cô giáo đứng lớp ban đầu, đến nay, nhà trường đã nhận 355 cháu ở các độ tuổi mẫu giáo vào học tại 13 lớp. Tổng đội ngũ cán bộ, giáo viên đến nay là 40 người... Phải nói rằng, ngoài sự nỗ lực tự thân, tôi đã đón nhận sự giúp đỡ của người thân, bạn bè, chính quyền địa phương cả về vật chất lẫn tinh thần... rất lớn!”.
Hành trình tạo dựng “thương hiệu”
Thời điểm Trường MN Hoa Phượng thành lập là thời điểm đất nước đã bước vào giai đoạn kinh tế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt. Để trường đứng vững và tạo uy tín được trong phụ huynh, đội ngũ lãnh đạo trường MN Hoa Phượng luôn xác định tiêu chí, giữ quan điểm phải làm sao hài hòa giữa nhà trường với phụ huynh trong vấn đề học phí, hài hòa giữa chất lượng với đồng tiền mà phụ huynh đã bỏ ra. Theo đó, bà Trần Thị Hương cho rằng, “lãi” của việc mở trường tư thục chính là ở uy tín, để người dân yên tâm với môi trường đào tạo ngoài công lập giống như công lập... Song song đó, điểm mấu chốt để tạo nên sự thành công là sự đồng lòng, đoàn kết của tập thể lãnh đạo, GV, nhân viên của trường, tất cả vì HS thân yêu. Chính tinh thần đoàn kết ấy đã tạo nên sức mạnh giúp nhà trường vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ nuôi dạy trẻ. Bằng tình yêu trường, yêu trò, yêu nghề, tập thể nhà trường đã không ngừng nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, tự nâng cao chuyên môn để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, dạy dỗ trẻ trong tình hình mới... Theo đó, hệ thống khối phòng phục vụ học tập như phòng GD thể chất, nghệ thuật, vi tính, khối phòng chức năng theo nhóm trẻ như phòng sinh hoạt chung, phòng ngủ, khối phòng tổ chức bữa ăn bán trú, sân chơi... dần dần được đầu tư đồng bộ để đạt chuẩn, phù hợp với yêu cầu của chương trình GD MN. Những năm qua, TRƯờNG MN Hoa Phượng đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào trong công tác chăm sóc, dạy dỗ trẻ: 6 năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp TP; 6 năm liền trường tiên tiến cấp quận; được nhận 47 giấy khen các cấp. Riêng Chi bộ nhà trường 10 năm liền được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh, năm 2011 được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Ngoài ra, năm 2011, Chi Đoàn trường được công nhận là Chi Đoàn xuất sắc. Bản thân lãnh đạo nhà trường là bà Trần Thị Hương được nhận 8 Bằng khen và giấy khen của Trung ương Hội LHPNVN, của UBNDTP và của Hội LHPNVN TPĐN...
Không chỉ chuyên tâm đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường còn chú trọng đến các hoạt động xây dựng môi trường GD giữa nhà trường với phụ huynh gia đình và xã hội, đặc biệt là công tác từ thiện tại địa phương, tiết kiệm chi tiêu để xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho gia đình các em HS nghèo; ưu tiên giảm học phí cho con GV, NV trong trường; cùng hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội CCB tặng sách vở, xe đạp và quà cho HS hiếu học; đặc biệt là giảm học phí cho HS gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hàng năm trên 200 triệu đồng...
Xin được mượn lời của ông Vĩ Sách- Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Thanh Khê- đánh giá về Trường MN Hoa Phượng để kết thúc bài viết này: “Sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, Trường MN Hoa Phượng đã tạo được uy tín trong khu vực về chất lượng đào tạo, chăm sóc trẻ. Có thể nói, 15 năm qua, nhà trường đã có nhiều kế hoạch trong việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị, đồ dùng dạy học nhằm đảm bảo tốt điều kiện phục vụ yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đội ngũ của trường là những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Việc trường được công nhận là đạt chuẩn quốc gia mức 1 vừa là sự ghi nhận của các cấp cho những nỗ lực đó của nhà trường, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để nhà trường tiếp tục phát huy năng lực, nâng cao hơn nữa trách nhiệm để xứng đáng với sự tín nhiệm của chính quyền, ngành và xã hội...”.
P.Nết