Tư vấn Singapore đề xuất quy hoạch Đà Nẵng: Đụng chạm tới hàng loạt dự án
Thời hạn để hoàn tất bản điều chỉnh qui hoạch chung Đà Nẵng do tư vấn Surbana Jurong (Singapore) thực hiện đã cận kề, song ý tưởng mới nhất họ đưa ra hôm 20-12 vẫn còn mâu thuẫn với nhiều dự án hiện trạng của TP. Liệu bản đồ án mà Đà Nẵng kỳ vọng như “kim chỉ nam” cho phát triển có đúng tiến độ khi mà những mâu thuẫn không dễ giải quyết?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ trao đổi trực tuyến với tư vấn Singapore tại buổi làm việc ngày 20-12. |
Ý tưởng táo bạo
Theo tư vấn, tới năm 2030 Đà Nẵng sử dụng hơn 31km2 đất thương mại, hơn 45km2 đất công nghiệp, hơn 76km2 đất ở. Không gian xanh được thiết kế hơn 13m2/người. Cấu trúc đô thị sẽ gồm khu dịch vụ CNC phía Bắc (ở Hòa Liên), khu đổi mới sáng tạo ở Hòa Hải, Hòa Quý và khu vùng lõi ở trung tâm hiện hữu. Đường sắt và cao tốc được kẹp song song sát nhau tại phía Tây với ga hành khách ở Hòa Tiến, ga hàng hóa ở thôn Tân Ninh (Hòa Liên). So với bản quy hoạch chung hiện hữu, tư vấn Singapore đã phân cấp rõ ràng hơn về đường giao thông, nhất là phía Tây (khu vực phát triển mới). Tại phía Đông, tư vấn vẫn giữ các đường chính nhưng có điều chỉnh để cải thiện tình trạng giao thông. Riêng khu vực xung quanh sân bay, tư vấn đề xuất quy hoạch giữ đất dự trữ, tới năm 2045 sẽ mở rộng sân bay về phía Nam. Ranh giới từ đường Lê Đại Hành hiện tại sẽ mở rộng tới đường Cách Mạng Tháng Tám. Lúc đó sẽ có đô thị sân bay, KCN Hòa Cầm sẽ chuyển thành khu logistics phục vụ sân bay.
Một góc TP Đà Nẵng. |
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thái Ngọc Trung cho rằng, tư vấn đã xác định rõ ràng khu vực ven biển, sông có tiềm năng phát triển nhiều loại hình hỗn hợp, khu ở len lỏi bên trong. Tư vấn quy hoạch phát triển TP mở rộng về phía Tây, Nam. Khu đổi mới sáng tạo bám sát Làng đại học. Khu dịch vụ CNC bám sát khu CNC ở Hòa Liên, các khu kết nối bằng đường cao tốc và đường sắt mới.
Ở phía Nam hiện TP đã phê duyệt chi tiết nhiều dự án như Trường văn hóa nghệ thuật, Bệnh viện, cao đẳng nghề... Đặc biệt dự án FPT đã quy hoạch triển khai đô thị, nhưng tư vấn đề xuất làm khu đổi mới sáng tạo. Phía tư vấn giải thích, khu vực này thay vì để đất ở rải rác có thể chuyển thành khu đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghệ thông tin, giáo dục. Chuyển đổi các tòa nhà trong khu vực thành tòa nhà có mật độ dân số cao hơn.
Với dự án Làng Vân khoảng 1.000 ha, trong đó có 200 ha đất đô thị, tư vấn đề xuất chỉ nên dành cho du lịch, không nên làm đô thị. Bởi lẽ phía sau có sườn đồi mảng xanh đẹp, nết phát triển đất ở nhiều rủi ro, khó kiểm soát. Với dự án trường đua ngựa mà TP dự kiến cấp cho nhà đầu tư tại khu vực dự án Tân Cường Thành cũ (cạnh KCN Liên Chiểu) ở Hòa Hiệp Bắc, tư vấn đề xuất nên dành toàn bộ đất khu vực đó để làm khu logistics, hậu cần của cảng Liên Chiểu sau này. Thậm chí nhiều nhà dân khu vực này cũng cần giải tỏa lấy đất làm hậu cần cảng Liên Chiểu. Nên chuyển trường đua ngựa đi nơi khác.
Theo ý tưởng của tư vấn, toàn bộ khu vực ga đường sắt hiện tại sau khi di dời sẽ để làm công viên cây xanh. Bởi lẽ khu vực này thiếu cây xanh, có thể phát triển mảng xanh phục vụ du lịch, nơi tham quan, đậu đỗ xe du lịch. Khu vực phía Tây cầu Sông Hàn tới Trung tâm Hành chính TP tư vấn đề xuất sẽ là vùng lõi đô thị, một phần lớn diện tích, không gian ở đây sẽ được xây dựng làm quảng trường trung tâm TP. Phần còn lại là đất hỗn hợp. Với Sân bay Nước Mặn hiện nay, tư vấn đề xuất phát triển thành bảo tàng văn hóa, nơi trưng bày mô hình máy bay, du khách tới hiểu được lịch sử của TP. Riêng khu vực ven biển này tư vấn xác định là tài sản quý giá của TP nên không được sử dụng đơn giản vì mục đích của bên nào mà cần giữ làm khu vực công cộng, nhất là bãi biển.
Ngoài ra để thực hiện ý tưởng TP ngàn hồ, tư vấn đề xuất dời công viên bách thảo dưới chân núi Bà Nà xây đập ngăn nước. Dời dự án Khe Răm lên cao hơn để lấy chỗ xây đập tạo hồ nước.
Khu dịch vụ Công nghệ cao được quy hoạch phía Tây Bắc Đà Nẵng. |
Liệu có làm được không?
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói, nếu tư vấn đề xuất hoàn toàn là các khu đất trống thì đề xuất này là lý tưởng. Nhưng hiện nay hầu hết các khu vực của TP đều có dự án, đa phần thì quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận, đã hoặc đang triển khai dự án, một số khác đã có chủ trương về quy hoạch, đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án. Qua báo cáo của tư vấn như vậy, đề xuất này phần lớn các đồ án, dự án đã và đang triển khai, không ăn khớp với nhau rất nhiều. Bài toán đặt ra cho tư vấn, làm thế nào quy hoạch bức tranh sử dụng đất theo tầm nhìn hướng tới tương lai nhưng có thể giải quyết được các vấn đề đã diễn ra. Chứ nếu thực hiện một quy hoạch lý tưởng thế này TP phải đối mặt, giải quyết rất nhiều vấn đề lớn như thu hồi, bồi thường đất và tài sản trên đất. Và không dễ gì các nhà đầu tư hợp tác, họ khiếu nại, phản đối. Theo ông Thơ, vừa rồi có một số dự án ven sông, ven biển TP có chủ trương thu hồi phục vụ cộng đồng nhưng qua 2 năm chưa giải quyết được, dù phần đất dự án thu hồi được bồi thường. Vì thế nếu bản quy hoạch lý tưởng thì thành bài toán không có lời giải.
Ông Thơ nói: Ở Singapore hay Mỹ cũng vậy, khi người dân, doanh nghiệp không hợp tác, đòi hỏi đền bù quá cao, thì ngân sách TP không đủ sức. Do vậy, tư vấn và TP cần tìm con đường hài hòa để vừa đảm bảo phát triển cho tương lai, vừa phù hợp với thực tại, cố gắng hạn chế thấp nhất mức độ xáo trộn và các khoản bồi thường lớn cho người dân, doanh nghiệp. Chúng ta chỉ có thể chọn phương án tốt nhất chứ không thể chọn phương án lý tưởng. Đưa đồ án lý tưởng mà không làm được thì đồ án đó cũng phá sản. Từ thực tế đó, ông Thơ yêu cầu các sở ngành rà soát lại quy hoạch, pháp lý từng dự án đưa ra đề xuất trong phạm vi có thể điều chỉnh được theo đề xuất của tư vấn. Có dự án cố gắng thay đổi để theo ý đồ của tư vấn, nhưng cũng có dự án không thể thay đổi được. Cần linh hoạt để vừa thực hiện được ý đồ quy hoạch vừa phù hợp với các dự án hiện trạng. Nhiều dự án nếu điều chỉnh một chút thì ý tưởng quy hoạch và thực tế có thể gặp nhau.
Theo kế hoạch, 2 bên có khoảng 1 tháng để hoàn tất những mâu thuẫn còn đang vướng trước khi trình phê duyệt.
HẢI QUỲNH