Tư vấn tâm lý học đường: thiếu và yếu

Thứ năm, 08/05/2014 09:19

(Cadn.com.vn) - Trong bối cảnh xã hội có quá nhiều yếu tố tác động đến tâm lý giới trẻ như hiện nay, công tác tư vấn tâm lý học đường trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết.

Làm thế nào để "Nâng cao chất lượng công tác tư vấn tâm lý học đường" là nội dung của hội thảo do Sở GD-ĐT và Hội Khoa học tâm lý, giáo dục TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 6-5 vừa qua.

Đại diện ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng cho rằng, nếu công tác tư vấn tâm lý học đường làm tốt sẽ giúp HS có "khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, bè bạn và mọi người, sống tích cực, chủ động, an toàn, hài hòa và lành mạnh".

Nói khác đi, trong bối cảnh xã hội có quá nhiều tác động xấu ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của HS, nếu làm tốt công tác tư vấn tâm lý sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn ngừa các nguy cơ HS bị lôi kéo, bị sa vào những hành vi tiêu cực, sống ích kỷ và dễ bị phát triển lệch lạc về nhân cách, không xác định được phương hướng cuộc sống của chính mình...

Có một thực tế đã, đang diễn ra trong đời sống hiện nay, đó là không ít phụ huynh (PH) vì mãi lo mưu sinh đã phó thác con em mình cho nhà trường. Thời gian gần gũi để nắm bắt tâm lý con trẻ vì thế mà cũng ít đi.

Thậm chí, có không ít PH  vì quan điểm sống hoặc không chấp nhận thực tế đang diễn ra đã dẫn đến việc không theo kịp được tâm lý giới trẻ ngày nay, tạo nên sự bất đồng, hố sâu ngăn cách, rào cản giữa PH với con cái.

Trong quá trình triển khai thực hiện công tác tâm lý tư vấn học đường, bản thân ngành GD-ĐT cũng phải đối mặt với không ít khó khăn do không có đội ngũ chuyên trách, được đào tạo chính quy, bài bản về lĩnh vực này.

Thẳng thắn nhìn nhận, một thời gian khá dài, ngành GD-ĐT chỉ chú trọng đến việc đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên phục vụ cho các bộ môn văn hóa là chính; bộ môn tâm lý học đường chưa được quan tâm, chú trọng. Có chăng cũng là sự lồng ghép trong các tiết học mang tính sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục công dân...

Các đại biểu tham dự Hội thảo Nâng cao chất lượng tư vấn tâm lý học đường. Ảnh: P.N 

Con số thống kê về nhu cầu tư vấn tâm lý của HS bậc THCS do đại diện ngành GD-ĐT Q. Cẩm Lệ đưa ra tham khảo tại hội thảo khiến không ít người giật mình. Trong 480 phiếu điều tra dành cho HS thuộc 4 khối bậc THCS trên địa bàn Q.Cẩm Lệ, có hơn 50% HS cho biết thỉnh thoảng gặp khó khăn về tâm lý, đặc biệt là khối 8, 9; trong đó tỉ lệ HS nữ chiếm đến 2/3; và có khoảng 5% HS cho biết các em thường xuyên gặp khó khăn về tâm lý.

Quá trình khảo sát cũng cho thấy, có đến 42,5% khó khăn trong học tập, 25,2% liên quan đến các mối quan hệ như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia đình, tình cảm thầy trò; 23,3%  liên quan đến cá nhân HS như tâm lý tuổi mới lớn, sức khỏe sinh sản vị thành niên, quản lý cảm xúc, kỹ năng sống..., và 18,12% liên quan đến định hướng tương lai như phát triển năng khiếu, chọn trường, sở trường.

Mặc dù gặp khó khăn và có nhu cầu tư vấn về tâm lý, thế nhưng có đến 91,9% HS khi gặp khó khăn về tâm lý không tìm gặp GV, cha mẹ để được tư vấn mà tìm đến bạn bè hoặc tự âm thầm giải quyết. Cũng theo đại diện ngành GD-ĐT Q.Cẩm Lệ, có đến 12,5% HS được hỏi đã cho biết mình từng có ý nghĩ chán sống; một nửa số HS được hỏi cho biết luôn cảm thấy tự ti vì thấy mình kém cỏi...

Nhìn nhận về công tác tư vấn tâm lý trong học đường, đại diện ngành GD-ĐT Q.Cẩm Lệ cho rằng, công tác này vừa thiếu, vừa yếu, còn hình thức nên thiếu hiệu quả. Thiếu là thiếu nhân sự và tài chính; yếu là về chuyên môn, phương pháp và kỹ năng. Không ít GV khi tư vấn chỉ đưa ra lời khuyên đại khái, chung chung; lại có GV thì áp đặt, không đặt mình vào tâm lý của lứa tuổi các em để có cách giải quyết vấn đề phù hợp với tâm lý, lứa tuổi HS.

Cũng trên quan điểm nhìn nhận về công tác tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự chuyên nghiệp, tham luận của Trường THPT Nguyễn Trãi cho rằng, công tác tư vấn tâm lý học đường những năm qua chỉ mới "dừng lại ở hình thức tham vấn, tư vấn, giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của HS, PH riêng lẻ chứ chưa trở thành một hoạt động trợ giúp tâm lý học đường thực sự chuyên nghiệp".

Trường THPT Nguyễn Trãi cho rằng, nhận thức của HS đối với vấn đề tâm lý học đường cũng còn nhiều điều phải bàn. Theo đó,  phần lớn HS đều có suy nghĩ rằng "đến phòng tư vấn tâm lý là có vấn đề", hoặc sợ bí mật riêng tư của mình bị tiết lộ. Tuy nhiên, một nghịch lý đang xảy ra trong đời sống tâm lý HS hiện nay đó là, các em ngại tâm sự với thầy cô, cha mẹ, nhưng lại hồn nhiên, vô tư lên mạng, vào facebook để... tám cùng bạn bè, nói huỵch toẹt các vấn đề được xem là tế nhị nhất...

Một vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm, đề cập đến đó là đạo đức người thầy trong mối quan hệ với việc định hướng giá trị, định hướng nhân cách cho HS hiện nay. Tham luận của cô Hồ Thị Thu Thanh,  Trường THCS Nguyễn Khuyến nêu cao vai trò đạo đức của người thầy trong việc định hướng giá trị, định hướng nhân cách cho HS.

Theo cô Thu Thanh: "Hiệu quả của công tác tư vấn, nhất là tư vấn tâm lý chủ yếu dựa trên cơ sở niềm tin. Người tư vấn không chỉ là người thầy mà còn là người bạn, người sẵn sàng lắng nghe và đủ sức thấu hiểu những băn khoăn, tâm tư tình cảm của các em. Sẽ như thế nào nếu người tư vấn không thể và không có khả năng trở thành người định hướng, khi bản thân người đó chưa phải là một chuẩn mực trong mắt học trò?", "...làm sao học trò có thể tin tưởng vào những điều thầy nói khi chính thầy lại là một "tấm gương mờ?".

Cô Thanh nêu dẫn chứng, có một PH từng than thở: "Ngày xưa, khi còn là học trò, mình ngưỡng mộ thầy cô giáo của mình biết chừng nào. Còn bây giờ, mình đã từng chết lặng khi nghe con mình nói với nhau về thầy cô của chúng. Những lời lẽ ấy, thái độ ấy từ đâu ra? Và có ai biết hậu quả của nó là như thế nào?"...

Không bao biện, không tìm cách chối đẩy trách nhiệm, theo cô Thu Thanh, đừng nên vội vàng đổ lỗi do sự xuống cấp đạo đức của một thế hệ mà nên nhìn vào chính đội ngũ của những nhà giáo hôm nay. Bởi thực tế có không ít GV vì nhiều lý do đã làm tổn thương đến danh dự nghề nghiệp, tổn hại uy tín nhà giáo...

Mổ xẻ để gợi mở nhiều vấn đề nhằm nâng cao công tác tư vấn tâm lý học đường trong bối cảnh hiện nay được xem là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên, để làm được điều này là không dễ. Theo đó, muốn công tác tư vấn tâm lý học đường không còn "yếu và thiếu", ngoài việc cần xác định đây cũng là một môn học, có tổ chuyên môn, cần được đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ biên chế..., cần có sự chung tay phối hợp của toàn xã hội, của cha mẹ HS, chứ không thể là công việc "đơn phương" của riêng ngành GD-ĐT.

P.Nết