Từ “Vuốt nếp gấp thời gian” đến “Giấc mơ màu lá”

Thứ năm, 01/02/2024 12:00
Trong hai năm liên tiếp (2022-2023), nữ thi sĩ Hải Điều (tên thật là Phan Thị Hải Điều), một nhà thơ thế hệ 8X, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam cho ra mắt bạn đọc hai tập thơ và cũng là hai tập thơ đầu tay của mình với hai cái tên rất ấn tượng là “Vuốt nếp gấp thời gian” và “Giấc mơ màu lá”.
Ảnh bìa hai tập thơ đầu tay của nhà thơ Hải Điểu.
Ảnh bìa hai tập thơ đầu tay của nhà thơ Hải Điểu.

Đọc hai tập thơ này hẳn nhiều người sẽ đồng tình là thơ chị đã định hình cho mình một giọng thơ riêng, đa thanh điệu, lấp lánh vẻ đẹp bởi ngôn từ được chắt lọc từ một trái tim đa cảm, không dễ dãi trong tìm kiếm thi tứ, ăm ắp tri thức và cách nghĩ của người bản địa vùng cao xứ Quảng.

Cũng không phải đợi đến khi hai tập thơ ra đời, mà trước đó, trên các trang văn học, các diễn đàn thơ ca trong nước cái tên Hải Điều - một cánh chim biển từ xứ Quảng đã dang cánh bay đi rồi gửi vào đâu đó những sợi mùa cuống quýt, những đắng đót, trầm tư và niềm sẻ chia, mong ước, phận số đàn bà nông nổi giếng khơi. “Vục giàu giếng khơi/ lỡ quên không so sợi/ trăng úa lên rồi/ lại biết cạn cùng ai/ lũ rêu xám mãi nhìn nhau nghi ngại/ bệ đá thương tình/ mướn tạm một bờ vai…” (Giếng khơi).

Tôi thích đọc thơ Hải Điểu bởi những điều mới mẻ đươc gợi lên trên cái nền xưa cũ, chân chất, gần gũi nhưng luôn ẩn chứa những bàng bạc, suy tư khi dòng thời gian bên đời mãi cuốn. Từ cảnh vật bật lên suy tư phận người, những hồi ức xưa xanh, đẹp đẽ, tiếc nuối… “…nhặt giúp chiếc lá bàng đầu đông năm trước/ bây chừ còn sắc xanh/ gói muộn phiền/ trả lại/ ai của bến thanh xuân ngày xưa nợ lời hứa hẹn/ từng phiến trên sông/ dập dềnh khúc nhớ…” (Nhặt đóa xanh xa).

Trong một bài viết, cảm nhận về tập thơ “Vuốt nếp gấp thời gian” tác giả Nguyễn Tấn Ái có nhận xét rất hình ảnh, thú vị buộc người đọc không khỏi ngẫm ngợi: “Đọc tập thơ, ý tưởng quán xuyến đó là thời gian của một tuổi trẻ đầy hăm hở nồng nàn một hôn ước với cuộc sống. Mà cuộc đời, mỗi được phải mất, mỗi kiếm tìm phải đánh rơi, mỗi lựa chọn phải hy sinh. Đó là nếp gấp”.

Nếp gấp ấy là gì, tôi chỉ biết mình đã thích những dòng thơ chị viết về tình nhân, dù tình nhân là gì cả đời mỗi người chắc gì tường tận. Và ngược lại của tình nhân là gì? “Này gió ơi! chậm chút/ vội gì cuốn quýt đuổi nhau xuống bể lên ngàn lang thang bãi bờ vô tận/ ghé lại bên thềm, hong vạt nắng đòng đưa/ nhặt câu hát rơi giữa chiều vụn vỡ/ từng hạt kết vòng… Em đâu phải nhân tình, anh cố vẽ mà chi?” (Đâu phải tình nhân). Trong “Bày cuộc mình” trên Văn nghệ số 24/2023, tôi lại thích những câu thơ Hải Điểu viết: “Tiếng Vạc Sành cứa đêm thành nỗi nhớ/sương trên cành chạm xáo động cơn mơ/chiếc lá rụng/xốc lòng mình xôn xao ngày trở/bên thềm hoa dại thảng thốt rung... và một câu thơ nữa người đọc không thể không hình dung, mường tượng trong cái đêm ấy: “Vuông cửa nhỏ, chia đêm thành mấy mảnh”.

Trong “Giấc mơ màu lá”, vẫn tiếp nối giọng thơ rất riêng, nhiều thi tứ về chiếc lá xuất hiện như biểu trưng một hiện hữu nhưng mỗi biểu trưng từng góc nhìn, chiều xoay chuyển của thời gian (và cả không gian) nó lại mang những xúc cảm mới khác nhau, đằm chứa những tâm sự khác nhau. Thử ngẫm ngợi một loạt liệt kê khi nhà thơ viết về chiếc lá. “…chỉ lá biếc mới một đời ngốc dại/ cháy tàn rồi còn tiếc mộng xanh cao/ trời biên ải dạt dào sóng lá/chiếc lá nào/ không gói mộng non xanh?” (Mấy triền hoang dại); “Những chiếc lá rơi từ ngày thu trước/ ôm hạt mầm quên bật một mùa xanh” (Chạm đêm); hay “Xác lá còn không hương xưa lạc lõng/vệt nắng chiều nay có giống ngàn chiều trước/ niệm ước ban khai khô như nắng trên cành…” (Em ngày xưa)…

Gắn bó vùng cao nên trong thơ Hải Điểu ta dễ nhận ra cái vùng cao ấy đã theo vào trang thơ của chị. Một nhịp sống vùng cao đầy âm sắc, góc nhìn khá lạ mà không xa lạ. Nhiều ý thơ, tứ thơ là cả một sự tìm tòi, thể nghiệm. Có những khổ thơ, bài thơ phản ánh một hiện thực, khoác lên sự vật bằng những ngôn từ nhưng điều tinh tế không phải là sự phản ánh đơn thuần, cách đặt tên, gọi tên đơn thuần mà nó có sức hút, truyền dẫn nhiều thông điệp. “Ngày đã xuân phân chưa nhỉ? Em có biết đâu sương trắng vẫn ngập trời/chim thiên di về đâu ai biết/mây cuối mùa còn buốt/ rét cuối mùa còn căm/ cụm phong sương úa tàn từ chia ly mùa trước/chỉ giật mình/ bật vội/nửa chồi xanh…” (Giật mình).

Tôi hình dung thế giới thơ Hải Điểu, liên kết bằng nhưng khối rời, nhưng bất ngờ tựa vào nhau, mặc định nó ở bên nhau để tạo những bất ngờ dễ chịu. Trong mơ hồ thế giới những giấc mơ luôn có sự dẫn dắt bằng những ngón tay xinh xắn để người đi theo không hề biết mỏi, bằng những sợi tóc mai xanh để những chiều thung dăng nhớ sớm mai yên ả. Và như thế chúng ta mới có một nhà thơ nữ, một người đàn bà “ngồi vá vệt sơn trầy góc cửa/ nơi vết sẹo mùa bục nẩy đóa như nhiên”.

Từ “Vuốt nếp gấp thời gian” đến “Giấc mơ màu lá” vẫn một giọng thơ mới mẻ, trẻ trung, hiện đại, dung dị và giàu nội lực, ẩn ánh những chấm sáng lấp lánh, phô diễn đủ vừa độ duyên dáng của nó. Nói như nhà thơ Pháp AndreChenien): “Nghệ thuật chỉ làm nên vần thơ, trái tim làm nên thi sĩ”. Những người yêu thơ có quyền trông đợi cả hai điều này trong những sáng tác mới của nữ thi sĩ mang tên một loài chim biển.

Võ Văn Trường