Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam năm 2018: Hợp tác phát triển bền vững tài nguyên nước

Thứ hai, 05/03/2018 09:44

   Hợp tác phát triển bền vững tài nguyên nước là chủ đề chính của Tuần lễ Nước quốc tế Việt Nam - VACI 2018, diễn ra từ ngày 4 đến 8-3 tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thể hiện quan điểm và cam kết góp phần bảo vệ tài nguyên nước, môi trường, hướng tới xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Vấn đề nước sạch đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội.

Trong ảnh: Nhà máy nước sạch Phong Thu cung cấp nguồn nước sạch cho nhiều xã ở H. Phong Điền, TT-Huế.

Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước quốc gia

Sáng 4-3, đúng dịp Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam lần thứ VI năm 2018, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh, trong bối cảnh vấn đề an ninh nguồn nước có những diễn biến phức tạp, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, quan trắc tài nguyên nước; mở rộng phạm vi điều tra, tìm kiếm, tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn…; đổi mới công tác lập quy hoạch nhằm quản lý hiệu quả nguồn nước, trong đó chú trọng tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nước phục vụ công tác lập quy hoạch. Bên cạnh đó, củng cố, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ để tham mưu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ lớn của ngành, tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Ngoài ra, tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước nhằm tham mưu, góp phần xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách, tăng cường điều tra, khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên nước của quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên nước, phục vụ tốt cho các nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

  D.THÚY

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng:
Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và đã được thể hiện xuyên suốt trong Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước: “Quản lý tài nguyên nước phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp và thống nhất trên cơ sở lưu vực sông. Cơ cấu sử dụng nước phải phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tài nguyên nước phải được phát triển bền vững; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu. Phải coi sản phẩm nước là hàng hóa; sớm xóa bỏ cơ chế bao cấp, thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước”. Đồng thời, phương thức quản lý này cũng được thể hiện thống nhất trong các nghị định, quyết định, thông tư cũng như trong việc triển khai chính sách quản lý tài nguyên nước ở các cấp.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 1980 đến nay, tổng lượng nước khai thác trên thế giới tăng trên 1% mỗi năm, tạo thêm sức ép ngày càng lớn về nước ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Hiện tại, trên thế giới, khoảng 780 triệu người chưa có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch an toàn, trong khi đó, cả nguồn nước mặt và nước dưới đất đang ngày càng bị suy thoái, ô nhiễm. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, thế giới sẽ cần thêm 30% nước sạch so với nhu cầu hiện tại vào năm 2030 và có thể lên đến 44% vào năm 2050. Đó là những con số rất đáng báo động.

Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia (NAWAPI) Tống Ngọc Thanh cho biết, VACI 2018 cũng khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tích cực hoạt động sản xuất, nghiên cứu ra các sản phẩm, giải pháp công nghệ, dịch vụ... nhằm hướng tới mục đích thiết thực là tăng cường nhận thức của cộng đồng về tài nguyên nước và môi trường.

Tại VACI 2018 sẽ diễn ra các hoạt động nổi bật là Phiên toàn thể “Nước và mục tiêu phát triển bền vững”; 23 hội thảo với gần 500 bài báo khoa học, tham luận tập trung vào nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quan trắc và dự báo tài nguyên nước như thích ứng với biến đổi khí hậu ở các lưu vực sông Châu Á; thực hiện Quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở khu vực Đông Nam Á; hướng tới quản lý thích ứng vùng đồng bằng tại Việt Nam; các giải pháp tích hợp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; quản lý nguồn nước xuyên biên giới... Triển lãm ảnh và sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước, 70 poster, hơn 20 gian hàng triển lãm. Bên cạnh đó, sự kiện VACI 2018 cũng bao gồm 2 khóa học: “Ứng dụng công nghệ vệ tinh trong quản lý tài nguyên nước”, “Quan trắc và dự báo tài nguyên nước”.

BIÊN THÙY

Thành phố Buôn Ma Thuột phải cắt nước sinh hoạt luân phiên

Tình trạng khan hiếm nước sạch đang diễn ra tại nhiều vùng, kể cả vùng sông nước.

Trong ảnh: “Điểm cấp nước sạch tập trung” tại Bưu cục xã Tân Định, phục vụ 230 hộ dân đang sinh sống ổn định tại ấp Cây Chanh, xã Tân Định, Bình Dương.

Theo ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắc Lắc, hiện nay các đơn vị thi công đang tập trung nguồn lực, lao động, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công Nhà máy cấp nước Ea Na (H. Krông Ana) có công suất 35.000 mét khối/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD và Nhà máy cấp nước sinh hoạt Ea Bhốk (H. Cư Kuin) có công suất 20.000 mét khối/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 320 tỷ đồng. Hiện nay, các đơn vị đang khẩn trương thi công, phấn đấu đến cuối năm 2018 đưa vào hoạt động, chấm dứt tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô của thành phố Buôn Ma Thuột. Hiện nay nguồn nước để cung cấp cho 63.000 khách hàng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột chủ yếu là khai thác từ nước ngầm và nguồn nước mặt, với tổng công suất thiết kế 57.000 mét khối/ngày đêm, trong đó khai thác nước ngầm 50.000 mét khối/ngày đêm, nước mặt từ hồ Ea Chu Cáp chỉ có 7.000 mét khối/ngày đêm. Tuy nhiên, hiện nay mực nước ngầm đã giảm trên 20% so với thiết kế, lượng nước trong hồ Ea Chu Cáp giảm nhanh nên công suất khai thác toàn hệ thống chỉ đạt 47.000 đến 50.000 mét khối/ngày đêm, buộc phải cắt nước sinh hoạt luân phiên một số khu vực.   

QUANG HUY