Tunisia vẫn khủng hoảng sau khi có Thủ tướng mới

Thứ ba, 01/03/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngay sau khi Thủ tướng Mohammed Ghannouchi – nhân vật trong chế độ cũ của Tổng thống bị lật đổ Ben Ali tuyên bố từ chức vì không chịu nổi sức ép của người biểu tình, Tunisia đã ngay lập tức có Thủ tướng mới: ông Beji Caid Essebsi.

BBC dẫn nguồn tin trong một thông cáo báo chí, Tổng thống lâm thời Tunisia Foued Mebazaa nêu rõ: “Tôi đã bổ nhiệm ông Beji Caid Essebsi làm thủ tướng và ông ấy đã nhận trách nhiệm này”. Ông Essebsi từng đảm nhiệm các vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại trưởng và Chủ tịch Quốc hội dưới thời ông Habib Bourguiba, người tiền nhiệm của Tổng thống bị lật đổ Ben Ali. Quyết định bổ nhiệm này được dư luận trong và ngoài nước đón nhận. Ông Ali Ben Romdhane - Thủ lĩnh nghiệp đoàn thương mại UGTT đã hoan nghênh quyết định từ chức của ông Ghannouchi, đồng thời cho rằng chính phủ của ông đã tỏ ra do dự và không thể ngăn chặn bạo lực. Dù vậy, ông Ben Romdhane chỉ trích việc Tổng thống lâm thời Foued Mebazaa nhanh chóng bổ nhiệm người thay ông Ghannouchi mà không có sự tham vấn nào. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh CHÂU Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng ra tuyên bố hoan nghênh quyết định từ chức của ông Ghannouchi cũng như việc Tổng thống Tunisia nhanh chóng bổ nhiệm thủ tướng mới, đồng thời cam kết EU sẽ hỗ trợ Tunisia tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 7 tới.

Việc ông Mohammed Ghannouchi tuyên bố từ chức Thủ tướng được đánh giá là một chiến thắng vang dội tiếp theo của cuộc “Cách mạng Hoa Nhài”. Ông Ghannouchi thông báo quyết định từ chức chỉ sau 6 tuần làm thủ tướng lâm thời nhưng khẳng định ông không “trốn chạy trách nhiệm của mình” mà “Tôi từ chức vì tương lai đất nước”. Đúng vậy! Việc ông Ghannouchi – đồng minh thân cận của ông Ben Ali ra đi đã làm thỏa mãn người biểu tình bởi đó là yêu cầu quan trọng nhất của họ đối với chính phủ chuyển tiếp. Người biểu tình đã xuống đường, cầu nguyện và hát mừng chiến thắng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu việc từ chức này có đủ sức mạnh để dập tắt bạo lực. Trong khi dư âm “Cách mạng Hoa Nhài” tiếp tục lan tỏa khiến nhiều nước điêu đứng, thì tại quê hương của nó, các cuộc biểu tình đòi cách chức một số bộ trưởng trong chính phủ chuyển tiếp đã biến thành bạo lực khi các lực lượng an ninh đã xung đột với người biểu tình. Bộ Nội vụ Tunisia cho biết, đã có ít nhất 5 người thiệt mạng khi lực lượng an ninh tìm cách ngăn một nhóm thanh niên trang bị dao và đá xông vào trụ sở của bộ này ở thủ đô Tunis. Nhưng bạo lực đẫm máu dường như vẫn không ngăn được bước chân người biểu tình. Được tiếp lửa bởi những chiến thắng cả trong và ngoài nước khi hiệu ứng của các cuộc biểu tình lật đổ lãnh đạo cầm quyền 32 năm Ben Ali đang lan rộng khắp Trung Đông và Bắc Phi, những người biểu tình ở Tunisia có vẻ không muốn về nhà cho đến khi các yêu cầu của họ được đáp ứng hoàn toàn. Viễn cảnh là sẽ tiếp tục biểu tình và đổ máu, tiếp tục có những gương mặt trong chính phủ mới phải ra đi.

Ngoài ra, Tunisia cũng đang đối mặt với vấn nạn người nhập cư trái phép  từ Libya và Ai Cập. Reuters ngày 28-2 cho biết, khu vực biên giới chính của Tunisia với Libya đang bị quá tải khi có đến 10.000 người đang lánh nạn ở đây. Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế cảnh báo, Tunisia vốn nghèo khó có nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.

Thanh Văn