Tuổi 30 Nhà Xuất bản Đà Nẵng

Thứ sáu, 08/08/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Năm 1989, đang làm Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng thì tôi có quyết định của Tổ chức Tỉnh ủy điều về NXB Đà Nẵng. Cùng thời điểm này Tổ chức cũng điều anh Võ Văn Sỹ, Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đảng thuộc Trường Đảng tỉnh cùng về NXB Đà Nẵng. Cùng lúc điều hai cán bộ bổ sung về NXB, Tỉnh ủy quyết định cho anh Nguyễn Văn Giai, Giám đốc NXB nghỉ hưu - trong lúc anh chưa đến tuổi 60-đồng nghĩa với một kỷ luật (?!)...

Tôi quen và từng đi công tác xuống ruộng đồng cùng anh Nguyễn Văn Giai khi còn là phóng viên Báo còn anh làm Phó Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Mỗi lần đột xuất xuống nông thôn anh thường thông báo cho báo-đài biết để tháp tùng nhằm nắm bắt thông tin, phản ảnh kịp thời những hoạt động của người nông dân một nắng hai sương trên đồng ruộng. Từng quen anh nên trước khi về nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập NXB, tôi đến nhà thăm anh mong được nghe thêm sự tình. Đúng là có sự cố và có nhiều tình tiết không bình thường xảy ra trong nội bộ NXB chưa được giải trình làm sáng tỏ cho nên anh rất bất ngờ và chưa thông khi đột ngột nhận quyết định nghỉ hưu...

Tôi nhắc lại "sự cố" này không có ý trách hay phê phán một ai khi mọi chuyện đã trôi vào quá khứ cách nay 25 năm, mà chỉ muốn nhắc đến sự kiện ra đời NXB Đà Nẵng. Tháng 8-1984, nhận sự phân công của Tỉnh ủy, anh Nguyễn Văn Giai rời Văn phòng Tỉnh ủy về làm Giám đốc NXB Đà Nẵng khi trong tay anh chỉ có một quyết định, không nhà xưởng, không cán bộ, nhân viên... Bắt đầu từ con số không, anh Nguyễn Văn Giai chọn vài anh em làm công việc kế toán, vật tư, tài vụ và lo ''xin'' nhà làm văn phòng treo bảng Nhà xuất bản Đà Nẵng-đó là căn nhà số 15 đường Lý Thái Tổ (sau khi có cơ sở mới thì lấy một phần của căn nhà này làm Cửa hàng phát hành sách). Và anh "săn" cán bộ có khả năng làm công tác biên tập để Nguyễn Đức Hùng làm nhiệm vụ Kế toán và Nguyễn Văn Khoa làm Trưởng phòng biên tập được đi học nghiệp vụ  "Quản lý xuất bản".

Nguyễn Đức Hùng học xong về làm Trưởng phòng biên tập, rồi Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Đà Nẵng. Thời gian đầu, bạn đọc ngạc nhiên khi thấy cán bộ biên tập của NXB Đà Nẵng có nhà văn Thái Bá Lợi-nguyên là cán bộ Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng, ngoài viết văn, anh chuyên lo biên tập Tạp chí Đất Quảng, nhà báo Nguyễn Thanh Sâm-từng giữ chức quyền Tổng Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng- hơn 10 năm không cắt được chữ Q thì Tỉnh điều về NXB, nhà báo Lê Năm Bằng - từng giữ chức Giám đốc Đài phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhà báo Trần Thúc - từng làm Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Nam-Đà Nẵng...

Đó là thời kỳ không có sách để đọc, nhất là sách hay thì bán "phân phối" theo "tiêu chuẩn". Lúc đó cả nước có rất ít NXB. Ngay ở Hà Nội và TPHCM số NXB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn cả miền Trung và Tây Nguyên không có một NXB. Chính cái thuận lợi không ai mong đợi này đã giúp anh Nguyễn Văn Giai và những cộng sự của mình phát huy tối đa khả năng khai thác thị trường và sức sáng tạo của mình trong nghề xuất bản sách. Tôi không nhớ thời điểm "cực thịnh", NXB Đà Nẵng có bao nhiêu cán bộ, nhân viên, thu nhập bình quân là bao nhiêu, hằng năm xuất bản bao nhiêu đầu sách...

Tôi chỉ nhớ lúc ấy NXB bằng vốn tự có đã xây được tòa nhà 3 tầng ở số 11 đường Quang Trung, có nhà in ở 24-Trần Phú và nhà sản xuất bột giấy ở Khuê Trung... Và, quan trọng nhất là có những đầu sách gây uy tín và tiếng vang như sách: Văn Miền Trung Thế kỷ XX - 2 tập - 1998, Nhật ký của một Bộ trưởng - 2 tập - 1985, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng - 1989, Lịch sử báo Tiếng Dân - 1992, Chu Cẩm Phong tuyển tập - 2005... Và, rất nhiều sách của các tác giả, dịch giả ở Quảng Nam - Đà Nẵng, miền Trung và cả Hà Nội. Phải khẳng định, NXB Đà Nẵng ra đời đã thật sự làm bà đỡ cho một số cây bút là nhà văn và nhiều cây bút ra mắt bạn đọc những tác phẩm đầu tay của mình để trở thành những nhà văn, nhà thơ...

Vào giai đoạn hàng loạt NXB ra đời, thị hiếu người đọc trở nên đa dạng. NXB Đà Nẵng buộc phải chống chọi với một thị trường - môi trường mới với hàng chục đầu nậu in và phát hành sách ra đời, tạo nên một thị trường xuất bản, in, phát hành với những hoạt động đầy sức hấp dẫn, lành mạnh có và có cả việc bất chấp-buôn bán giấy in sách, in lậu sách và xuất bản cả những quyển sách "có vấn đề''...

Một con người say mê với công việc, luôn yêu quý những người đồng chí, những cộng sự của mình và đã đạt được những kết quả đáng mừng trong hoạt động không chuyên nghiệp như anh Nguyễn Văn Giai, bắt đầu thấy những bất cập xuất đầu lộ diện nhưng không mạnh tay gạt bỏ như khi từng mở rộng vòng tay đón nhận... và điều gì đến cũng đã đến!...

Mới đó mà đã tròn 30 năm kể từ ngày NXB Đà Nẵng ra đời. Người này nghỉ, đến người kia về hưu, lại đến người kia rời NXB. Và luôn có người từ NXB lên thay tiếp tục sự nghiệp không dễ dàng song hết sức vẻ vang. Và thật vui, luôn có những quyển sách mới, sách hay đón chào người đọc!

Hồ Duy Lệ