Tươi Nguyễn và "chút ánh sáng trong tim"

Thứ năm, 27/10/2022 17:10
"Chút ánh sáng trong tim" là tựa đề tuyển tập thơ của Tươi Nguyễn, do NXB Hội Nhà văn vừa ấn hành tháng 9-2022.
Bìa tuyển tập thơ "Chút ánh sáng trong tim" của Tươi Nguyễn.
Bìa tuyển tập thơ "Chút ánh sáng trong tim" của Tươi Nguyễn.

Tươi Nguyễn tên thật Nguyễn Như Tươi, một chàng trai xứ Quảng (1975), tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh- Đại học Kinh tế TPHCM, từng có nhiều năm làm việc trong các tập đoàn nước ngoài. Thế nhưng, từ năm 2013, Tươi nghỉ việc, sống tự do và gần như an trú trong thơ.

Tập thơ "Chút ánh sáng trong tim" của Tươi Nguyễn chia ra làm 5 phần. Mỗi phần đều mang những nội dung riêng biệt rõ rệt, nhưng lại là những trải nghiệm liên kết nhau chặt chẽ.

Ở phần 1 (Cởi trói quy nguyên), tác giả đã dẫn dắt người đọc đến gần với cái không gian mà anh đang quy ẩn "Giã từ phố thị xôn xao/ Về đây xóm núi lao đao phận mình ( Xóm núi). Nơi đó, tác giả từng bước trực ngộ: "Hồi xưa tầm đạo mù khơi/ Mượn vay chữ nghĩa đã đời hơn thua/ Bây chừ đóng cửa mút mùa/ Mới hay đạo chẳng đón chùa hay am" (Độc cư). Để rồi: "Nằm chơi dưới bóng cây râm mát/ Ngắm gió mây trời không vấn vương", hoặc: "Bây chừ chẳng buồn vui chi nữa/ Hứng khởi từ bi sống trọn đời/ Không mơ danh vọng trong trời đất/ Ngồi giữa vườn thiền nghe lá rơi" (Quy ẩn).

Phần 2 (Tắm cùng ngày xưa), là những câu thơ diễn đạt nỗi nhung nhớ quê nhà với những ký ức về thời thơ ấu, làng quê, người thân. Đó là: "Quê tôi làng Câu Nhí/ Đồng chân mạ xanh non/ Con đường làng cong quẹo/ Tháp Chàm buồn héo hon" (Mưa Xuân). Ở nơi ấy: "Ôi thương nhớ, màu trời quê năm cũ/ Hoa tím buồn thao thiết gót ly hương/ Nhìn hoa rụng bên vệ đường xứ lạ/ Nghe tim mình thon thót giọt tha phương" (Khung trời tím). Tác giả ao ước: "Về quê ước chỉ làm con nít/ Ngồi giữa đồng xanh đón nắng chiều/ Nghe tiếng trâu về chuông lốc cốc/ Đêm nằm dệt mộng giữa màu yêu". Và, đôi khi gởi gắm niềm nhớ nhung cho người bạn gái: "Em có về nhớ ngó lại giùm nghe/ Khung trời cũ nơi hồn tôi trí ngụ/ Dẫu bây giờ xa trăm ngàn cây số/ Mà hồn quê cứ mải miết theo hoài" (Thăm giùm tôi căn nhà cũ).

Phần 3 (Để lưu men nhớ) là những cảm xúc đam mê, cuồng nhiệt đọng lại từ những kỷ niệm yêu đương một thời trai trẻ qua các tựa đề như: Say, Níu, Hiu hắt Sài Gòn, Tình bơ vơ, Tình hấp hối, Hoa dại, Dậy thì, Đường mê, Valentine!!!... , mà có lúc tác giả đã từng dùng dằng, trăn trở, muốn dứt áo rời bỏ để đi theo cuộc lữ của riêng mình: "Em ở lại với trang đời khốc liệt/ Ta đi về bờ giác phía không em" (Dứt áo).

Phần 4 (Thế gian mắc dịch hải hồ) có thể được xem là những ghi chép quý giá bằng thi ca qua giai đoạn đại dịch COVID gây nên những thảm họa đau lòng cho nhân loại. Đó là: "Có ai ngờ một ngày kia xuống phố/Con đường quen bỗng hoang vắng lạ thường/ Góc phố cũ hôm nao người chật ních/Giờ hoang vu như phố núi mù sương" (Dịch). Trong thời gian ấy, tác giả đã tự chọn giải pháp cho mình: "Về Bình Mỹ những ngày tránh dịch/Tự cách ly với xã hội ồn ào/Cốc trà nóng ly cà phê mỗi sáng/ Mới thấy lòng chẳng còn mấy lao xao" (Cách ly xã hội). Tuy nhiên, vẫn không ngớt ngóng trông trở lại ngày tháng bình thường: "Dịch qua chưa? Phố phường đang mở cửa/ Dậy đi thôi trời đất quá rạng ngời/ Mở toang hết cho buồng tim sối máu/ Trái yêu thương xin dâng trả cho đời" (Ngày mở cửa).

Phần 5 (Câu thơ rơi giữa lưng chừng) phần lớn là những câu thơ khá hồn nhiên của tác giả chia sẻ từ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật bên cạnh bạn bè, người thân, người tình..., nhưng đôi lúc tình cờ hé lộ lên những trăn trở về cái nghiệp thi nhân. Ở những cuộc gặp gỡ: "Bạn bè mấy đứa thành thi sĩ/ Thằng bán bê thui thằng phụ hồ" (Bạn cũ). Ở những chốn vui: "Về Định Quán ghé chơi nhà hoàng tử/Bỗng thấy mình trẻ lại mấy mươi năm/Lâu đài nhỏ khép mình nơi xóm nhỏ/ Có suối khe róc rách đợi trăng rằm" (Hoàng tử bé). Khi hết mình: "Thêm ly nữa xin cùng em canh hết/ Còn gì đâu? Đừng lần lữa mà chi" (Một lần say). Lúc trăn trở, sáng tạo: "Gục đầu xuống, trắng trang thơ/ Lưng đồi giọt nắng bơ vơ cuối chiều/ Tiều phu đẽo chữ cô liêu…" (Hạt nắng lưng chừng).

Theo nhận định của Vương Huy, một ẩn sĩ ở Cai Lậy và cũng là bạn tâm giao của Tươi: "Cuộc sống mở ra bao la những cuộc chơi tàn canh lộng gió. Như Tươi thoát khỏi đời sống vật chất mà anh dư dả để tìm chiều sâu hút của linh hồn. Những bài thơ này của Như Tươi như gọi nhắc một quá vãng xa xôi nơi con người êm đềm với những giấc mộng trẻ thơ".

Còn nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho rằng : "Đọc thơ Tươi Nguyễn, dễ gật gù khi thấy tay mơ mà đã vẽ nên những ảo diệu. Rồi tìm hiểu hóa ra để viết cà rỡn, cà tửng và va chạm hư không như thế chẳng hề đơn giản…".

Với riêng tôi, Tươi Nguyễn thuộc lớp nhà thơ trẻ, nhưng thơ anh không cố ý phá phách, gây gổ, đùa nghịch chữ nghĩa quá trớn như một số người cùng thời. Thơ Tươi Nguyễn tuôn trào hồn nhiên như nhu cầu bức thiết của cuộc sống, như là hơi thở, như là đi lại, như hò hẹn, nhớ nhung, tụng niệm..., nên đôi lúc tạo nên những thi ảnh bất ngờ: "Từ khi thấy cuộc đời lộn ngược/ Những suy tư cũ cũng quay đầu/ Đúng sai, sai đúng thành vô nghĩa/ Ta nhập vào không rất nhiệm màu". Và có lúc anh cũng chẳng nặng lòng với cái nghiệp thơ ca của mình: "Từ dạo tập tành làm thi sĩ/ Viết mấy trăm bài chẳng thành thơ/ Buồn quá mang hồn ra đốt sạch/ Bỏ một đời thơ thẩn dại khờ".

Bằng tâm hồn bay bổng, với hành trang nhẹ tênh như vậy, tôi tin Tươi Nguyễn sẽ có những bước dài, tiến nhanh về những con đường tráng lệ ở phía trời xa.

TRẦN TRUNG SÁNG