Tuổi trẻ "sống đẹp, sống có ích"

Thứ ba, 30/03/2021 16:28

Chăm sóc các Mẹ VNAH, gia đình có công cách mạng, vợ liệt sĩ thuộc diện neo đơn là việc làm mang đầy tính nhân văn, sâu sắc đã phần nào thể hiện nghĩa cử "sống đẹp, sống có ích" của thế hệ trẻ nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình "TP 4 an" tại địa phương. Với mô hình "Người con hiếu thảo" được phát động từ năm 2017, Hòa Tiến là địa phương nổi bật với việc định kỳ mỗi tháng thực hiện mô hình này ở một địa chỉ. Đoàn TN xã được Huyện ủy Hòa Vang vinh danh trong dịp sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 - CT/T.Ư của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"...

Tuổi trẻ thôn Yến Nê 1 (xã Hòa Tiến) sửa soạn lại bàn thờ liệt sĩ tại nhà cụ NguyễnThị Đạt.

Theo anh Nguyễn Quang Tuyến - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hòa Tiến, việc làm này không chỉ giúp cho các đối tượng chính sách trên có thêm niềm vui trong cuộc sống, mà họ còn cảm nhận được sự biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay vì sự hy sinh xương máu của những người thân đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Đến nay, Đoàn xã đã phân công 18 chi đoàn trực thuộc và Thường trực Đoàn xã nhận chăm sóc, phụng dưỡng cho 20 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn bằng những công việc cụ thể, thiết thực như: Giặt quần áo, quét dọn nhà cửa, lau dọn bàn thờ, phát quang vườn tược, thu hoạch mùa vụ... Không chỉ hoạt động định kỳ mỗi tháng 1 lần, những trường hợp ốm đau đột xuất đều được các chi đoàn thay phiên nhau chăm sóc. Qua gần 4 năm thực hiện, BCH Đoàn xã cùng các chi đoàn trực thuộc đã đóng góp hơn 40 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà cho các trường hợp trên. Ngoài ra, Thường trực Đoàn xã còn vận động các tổ chức, đơn vị về tặng quà cho các gia đình chính sách khác nhân ngày 27-7 hằng năm với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng...

Tại thôn An Trạch (xã Hòa Tiến), cứ vào ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật đầu tháng, người dân lại thấy màu áo xanh tình nguyện của thanh niên trong nhà bà Phạm Thị Liên (vợ liệt sĩ sống neo đơn). Sau khi đến nhà, các bạn nữ tham gia lau chùi bàn thờ liệt sĩ, quét dọn nhà cửa, đi chợ chuẩn bị bữa cơm trưa; còn các bạn nam thì phát hoang cỏ dại quanh vườn, sửa chữa các vật dụng hư hỏng trong nhà... "Chi đoàn thôn không có kinh phí hoạt động nhưng đây là việc làm ý nghĩa và cũng là trách nhiệm của tuổi trẻ nên chúng tôi tiết kiệm túi tiền. Có hôm mua sữa tặng bà, có khi là chiếc áo, cái mền. Giá trị vật chất tuy không lớn nhưng chúng tôi cảm thấy ngập tràn niềm vui vì những đóng góp nhỏ nhoi của mình trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Qua đó hun đúc thêm tinh thần nhiệt huyết, xung kích của thanh niên và ý thức về nguồn cội. Chúng tôi cũng muốn thay thế người thân duy nhất của bà đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ để chăm sóc, phụng dưỡng như người thân của mình", Bí thư chi đoàn thôn An Trạch Nguyễn Hiếu Nghĩa chia sẻ.
Còn cụ Nguyễn Thị Đạt (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến - vợ liệt sĩ) hiện sống với người con dâu, thu nhập gia đình chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên gặp không ít khó khăn. Do sức khỏe yếu nên nhiều việc cụ phải nhờ người hỗ trợ... Cụ trải lòng, nhà neo người nên khi mấy cháu thanh niên trong thôn đến động viên và phụ giúp việc nhà thì thấy đỡ vất vả hơn. Mỗi lần đến nhà, mấy cháu quét dọn vườn tược, lau chùi và sửa soạn lại bàn thờ người chồng, vừa làm vừa nói chuyện vui lắm. Ở tuổi xế chiều, cụ cảm thấy thêm ấm lòng khi có các cháu thanh niên bên cạnh...

Ai đã nói rằng "giữa dòng chảy vô tận của thời gian chỉ có tình người luôn là bờ bến". Vâng, chỉ có tình người luôn đọng mãi cho dù cuộc sống có đổi thay. Con người sống với nhau vẫn cần sự thủy chung, vẹn nghĩa, vẹn tình; nhất là đối với những người trong gian khó đã trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước. Và mô hình "Người con hiếu thảo" đã minh chứng điều đó, giờ đây khi nghĩ về những năm tháng đầy khói lửa gian khổ và hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, tuổi trẻ nông thôn Hòa Vang lại trào dâng nhiều nỗi niềm biết ơn sâu sắc.

VY HẬU