Tương lai ảm đạm
(Cadn.com.vn) - Một tương lai ảm đạm đang đón chờ kế hoạch ngân sách được Tổng thống Barack Obama công bố hôm 3-2, động thái khiến nền kinh tế Mỹ khó có được bước vượt bậc đáng mong chờ.
Kế hoạch, vốn được đánh giá là nhằm “chống bất bình đẳng thu nhập” của Tổng thống Obama, có thể rơi vào tình huống này là do nền kinh tế đang tăng trưởng chậm hơn và tạo ra ít phần thưởng hơn cho người lao động như trong nhiều thế kỷ qua.
Trong đề xuất ngân sách, Nhà Trắng hạ dự báo tăng trưởng đối với một loạt các biến số kinh tế, mô tả sự tăng trưởng ít hơn, lạm phát yếu hơn và lãi suất thấp hơn so với dự kiến chỉ cách đây 1 năm. Động thái này được đưa ra bất chấp tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ đạt mức 5,2%, vốn được coi là khoảng phù hợp trong năm nay. Nhưng các nhà kinh tế lo ngại, Mỹ có thể bị mắc kẹt trong thời gian dài đầy trì trệ. “Trong thế kỷ XXI, tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ có thể sẽ chậm hơn so với thời kỳ trước”, theo đề nghị ngân sách dự kiến sẽ sớm được ông chủ Nhà Trắng công bố.
Theo đó, gói ngân sách này trị giá 3.990 tỷ USD cho tài khóa 2016, bắt đầu thực hiện từ ngày 1-10-2015. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ gói ngân sách này “sẽ được giải ngân nhằm giúp đỡ các gia đình lao động tăng thu nhập và thiết lập cơ sở hạ tầng cho phép các doanh nghiệp có thể tạo ra những công việc tốt hơn, lương cao hơn”. Để chi trả cho các khoản thuế mới và những chương trình liên quan tới giáo dục, chăm sóc trẻ em... Tổng thống Obama kêu gọi tăng thuế đối với tầng lớp giàu có nhất tại Mỹ.
Kế hoạch ngân sách này sẽ đánh dấu sự gia tăng chi tiêu khoảng 240 tỷ USD từ năm nay. Tầm nhìn kinh tế trong kế hoạch cho thấy sự bi quan, cho thấy sự kết hợp các tác động của chi tiêu cao hơn vào cơ sở hạ tầng và giáo dục, cũng như sửa chữa pháp luật về thuế và nhập cư. Tuy nhiên, phe Cộng hòa lập tức chỉ trích các đề xuất của tổng thống đã đề cập quá nhiều tới việc tăng thuế và chi tiêu tốn kém. Vì vậy, có thể thấy, nhiều trong số những đề xuất không có khả năng vượt qua Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Theo cách nhìn của Nhà Trắng, tỷ lệ thất nghiệp có thể giảm xuống 4,9% trong năm 2017. Nhưng ngay cả điều đó xảy ra cũng khó có thể làm tăng tiền lương hoặc tăng giá. Nhiều người lập luận, chính phủ nên chi tiêu nhiều hơn để bù đắp cho nhu cầu khu vực tư nhân yếu.
Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 vẫn còn phủ bóng, chính quyền ông Obama kiềm chế hơn trong các phản ứng nhằm nỗ lực kiểm soát thâm hụt ngân sách do các chương trình kích thích kinh tế gây ra. Và dù sao nền kinh tế số 1 thế giới vẫn hy vọng vẽ một bức tranh tươi sáng hơn.
Thanh Văn