Tương lai EU

Thứ năm, 05/01/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Tương lai Liên minh Châu Âu (EU) đang phủ một màu xám xịt bởi cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng lan rộng.

Thời huy hoàng - nay còn đâu

Đã từ lâu, Châu Âu vốn được mệnh danh là “thiên đường” đáng sống nhất thế giới. Đó là nơi của những quốc gia ôn hòa, hòa bình và thịnh vượng nổi tiếng trong nhiều thế kỷ qua. Trong con mắt của mọi người, Châu Âu là một vùng đất hội nhập và phát triển.

Theo Chinadaily, quan điểm này hoàn toàn đúng nhưng không đầy đủ. 67 năm trước, ngay khi Thế chiến II kết thúc, phân bổ GDP toàn cầu, trong đó Châu Âu được coi là mô hình vai trò quan trọng cho thị trường duy nhất: Mỹ. Tuy nhiên,  ngày nay, Châu Âu đang đối mặt với một nền kinh tế toàn cầu mới, mô hình toàn cầu hóa và sự nổi lên của các nền kinh tế mới nổi của Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Đây là một thế giới nơi quy mô và mạng lưới các nền kinh tế đổi mới quan trọng hơn bao giờ hết. Theo dự đoán đến năm 2016, GDP về sức mua của khu vực Châu Âu sẽ thấp hơn cả Trung Quốc. Nền kinh tế Trung -Ấn có thể gấp hai lần nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

Trong một khoảng thời gian lâu hơn, toàn bộ GDP của các nước G7 (gồm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia, Canada) sẽ bị lu mờ trước sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi trong khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). 10 năm hình thành và phát triển, nhóm BRICS dường như đã định hình lại nền kinh tế và chính trị thế giới. Trong khi các nền kinh tế EU đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng và đang mất đi ánh hào quang thì các quốc gia BRICS đang phát triển nhanh và đóng góp lớn cho nền kinh tế thế giới. Khi trật tự thế giới mới đang hình thành, BRICS sẽ vượt mặt EU trở thành lực lượng mới nổi cần được để tâm.

Vì vậy, Châu Âu sẽ phải đối phó với một cảnh quan địa chính trị mới được định hình sâu sắc bởi các nền kinh tế mới nổi. Trong chòm sao toàn cầu mới, hội nhập Châu Âu – cả về kinh tế và chính trị - là trung tâm đi đến sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng.

Châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng.
Trong ảnh: Biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp. Ảnh: AFP 

Bộ Tài chính EU

Cũng giống như mỗi cá nhân trong một xã hội, các quốc gia Eurozone đều độc lập nhưng phụ thuộc lẫn nhau. Họ có thể ảnh hưởng lẫn nhau về cả mặt tích cực và tiêu cực. Vì vậy, chính quyền các nước cần làm tốt việc của mình trong nỗ lực yêu cầu mỗi cá nhân và thể chế EU thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Trước hết, tất cả các quốc gia Châu Âu cần giữ trật tự cho ngôi nhà chung. Điều này có nghĩa là chính phủ các nước phải cùng nhau chịu trách nhiệm về các chính sách kinh tế. Ủy ban Châu Âu và các quốc gia thành viên giám sát lẫn nhau một cách nghiêm ngặt về các chính sách – nhưng không chỉ là chính sách tài chính mà còn các biện pháp ảnh hưởng đến tất cả các mặt của nền kinh tế.

Thứ hai, các nước phải dự trù cho tình huống không thể đáp ứng các mục tiêu chính sách. Trong giai đoạn thứ hai này, các nhà chức trách Châu Âu sẽ đóng một vai trò sâu hơn và có thẩm quyền hơn trong việc xây dựng các chính sách ngân sách của các nước. Thiết nghĩ tương lai Châu Âu sẽ định hình một khuôn khổ thể chế mới. Và có thể một ngày không xa sẽ có Bộ Tài chính EU. Bộ này sẽ giám sát cả thể chế tài chính cũng như các chính sách cạnh tranh và khi cần thiết có thể áp đặt “giai đoạn hai”. Hơn nữa, Bộ Tài chính sẽ thực hiện trách nhiệm điều hành thông thường liên quan đến việc giám sát và quy định của ngành tài chính EU. Và cuối cùng, Bộ Tài chính này sẽ đại diện cho Eurozone trong các thể thế tài chính toàn cầu.

Không thể tránh khỏi suy thoái

Theo các chuyên gia, Eurozone gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2012.

Mặc dù mức độ sâu rộng của suy thoái chưa thể dự báo chính xác, nhưng việc khan hiếm tín dụng, những khó khăn nợ công, tình trạng thiếu sức cạnh tranh và chính sách tài chính khắc khổ tại nhiều nước báo trước một kết cục thật ảm đạm. Ngoài ra, sự bất ổn xã hội và chính trị với những cuộc biểu tình đẫm máu ở các nước Châu Âu như đổ thêm dầu vào lửa cho suy thoái kinh tế.

Vì vậy, nếu không đoàn kết phối hợp chặt chẽ, thiện chí, căn bệnh nợ công tồi tệ ở Châu Âu sẽ tiếp tục tạo ra những nguy cơ tiềm tàng đối với tất cả các nền kinh tế, đe dọa quá trình phục hồi kinh tế vốn đang ì ạch kể từ năm 2008 đến nay. Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi luẩn quẩn. Liệu Eurozone có tìm được nguồn tài chính nhằm thoát khỏi nguy cơ sụp đổ hay không? Các quốc gia có bắt tay để xem xét lại vấn đề nợ công của Hy Lạp nhằm tìm ra những giải pháp có thể trấn an các “chủ nợ” của quốc gia này hay không?

Tương lai Châu Âu hiện đang nằm trong tay nền dân chủ của chính nó, trong tay của người dân Châu Âu. Chính người dân sẽ quyết định hướng đi cho “lục địa già” này. Họ là những bậc thầy!

Trúc Linh